Mỹ “chơi” Nga bằng bom hạt nhân nguy hiểm nhất

19:05, 24/09/2015
|

(VnMedia) - Mỹ vừa tuyên bố sẽ triển khai loại bom hạt nhân nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của mình đến sát nách Nga. Động thái này của Mỹ khiến Nga nổi giận, tuyên bố sẽ “chơi tới cùng” với đối thủ của mình.
 

Ảnh minh họa

Bom hạt nhân B61- Mod 12


Mỹ đưa bom hạt nhân B61 đến Đức

 
Bắt đầu từ Quý III năm 2015, Lực lượng Không quân Mỹ sẽ tiến hành các bước chuẩn bị để đưa bom hạt nhân mới B61 đến triển khai tại căn cứ không quân Büchel ở Luftwaffe, Đức, kênh truyền hình ZDF đưa tin.
 
Căn cứ Büchel nằm ở phía tây nước Đức hiện là nơi đặt các máy bay đa năng Panavia Tornado. Loại máy bay này có khả năng triển khai những quả bom hạt nhân mà Mỹ đang cất giữ tại căn cứ Büchel theo một thoả thuận chia sẻ hạt nhân chung giữa Mỹ và Đức. Căn cứ Büchel là nơi duy nhất ở Đức có vũ khí hạt nhân kể từ năm 2007 với khoảng 20 đầu đạn.
 
Mỹ hiện đang phát triển biến thể mới của bom hạt nhân B61 - Mod 12. Loại biến thể mới này sẽ chính xác hơn và giải phóng ít năng lượng hạt nhân hơn so với các biến thể 3 và 4 hiện đang được triển khai ở Châu Âu.
 
ZDF dẫn các tài liệu ngân sách của Mỹ cho biết, vào tháng Ba năm nay, nước này đã nhận được nguồn ngân quỹ cho việc lưu trữ và triển khai các biến thể B61-12 mới ở Đức. Kế hoạch này sẽ bao gồm cả việc nâng cấp máy bay Tornado.
 
Theo báo cáo mà ZDF có được, giải trừ vũ khí hạt nhân ở Đức vốn là một phần của thỏa thuận liên minh năm 2009 giữa Đảng CDU của Thủ tướng Angela Merkel và Đảng Dân chủ Tự do. Năm 2010, Quốc hội Đức cũng từng kêu gọi chính phủ Đức dỡ bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ ra khỏi lãnh thổ của họ bởi theo họ, người dân Đức ủng hộ một quyết định như vậy.
 
Berlin cũng có ý định cho phi đội Tornado “nghỉ hưu” vào năm 2015 và không có kế hoạch thay thế bằng một phi đội có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ. Chiến đấu cơ F-35 có khả năng thả bom hạt nhân B61 nhưng Đức không có ý định mua chiếc máy bay đắt đỏ này mà chọn Eurofighter Typhoon là chiến đấu cơ thay thế cho phi đội tiền nhiệm Tornado. Tuy nhiên, năm 2012, có tin Berlin đã lặng lẽ quyết định tiếp tục duy trì hoạt động của ít nhất một vài chiếc máy bay chiến đấu Tornado có khả năng thả bom hạt nhân cho đến tận năm 2024.
 
Việc Mỹ tăng cường vũ khí hạt nhân ở căn cứ của Đức rõ ràng là hành động đầy bất ngờ và động thái này sẽ khó có được sự ủng hộ của người dân Đức.
 
Biến thể mới B61-12 sẽ có độ chính xác cao hơn nhưng mang tính hủy diệt ít hơn so với những biến thể trước đó của bom hạt nhân B61. Những người đề xuất kế hoạch triển khai B61 đến Mỹ cho rằng, đặc tính trên của loại bom hạt nhân mới sẽ đem lại lợi ích lớn. Trong khi đó, những người chống đối tin rằng vũ khí trên sẽ nằm trên đường ranh giới giữa chiến lược và chiến thuật. Điều đó có nghĩa là những người ra quyết định sẽ dễ bị cám dỗ trong việc sử dụng chúng hơn. Và như vậy, hậu quả đối với an ninh toàn cầu sẽ là rất nghiêm trọng và không thể tưởng tượng được.
 
Một cựu quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Đức – ông Willy Wimmer tin rằng, động thái tăng cường kho vũ khí hạt nhân ở căn cứ Büchel của Đức sẽ giúp NATO “có được những lựa chọn tấn công mới nhằm vào Nga” và đây rõ ràng là một hành động khiêu khích đối với Moscow.
 
B61-12 mới được đánh giá là quả bom hạt nhân nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của Mỹ và nó cũng được xem là dự án bom hạt nhân đắt nhất mọi thời đại.
 
Xét về khả năng hủy diệt tuyệt đối, B61-12 không được coi là vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất của Mỹ. Quả bom này có công suất phá hủy tối đa chỉ 50-kiloton, tương đương 50.000 tấn thuốc nổ TNT. Trong khi đó, bom hạt nhân B83 có công suất tối đa 1,2 triệu tấn (1.200 kiloton). Tuy nhiên, điều làm cho cho B61-12 trở thành loại vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của Mỹ là tính khả dụng của nó. Tính khả dụng này xuất phát từ sự kết hợp của tính chính xác và hiệu suất thấp của nó.

Tạo ra một vũ khí với độ chính xác gấp đôi thì nó cũng có độ sát thương giống như tạo ra một đầu đạn có sức mạnh gấp 8 lần. Nói cách khác, chế tạo một quả tên lửa có độ chính xác gấp đôi sẽ chỉ cần 1/8 một phần tám năng lượng nổ để có cùng độ sát thương. Trong thực tế, điều này có nghĩa là: bom càng có độ chính xác cao, năng suất cần thiết để tiêu diệt bất kỳ mục tiêu cụ thể nào sẽ giảm đi. Do đó, một quả bom có độ chính xác hơn và năng suất thấp hơn có thể được sử dụng mà không cần phải lo sợ việc sát hại dân thường một cách bừa bãi bằng lực nổ hay bụi phóng xạ.
 
Sự hủy diệt của bom hạt nhân đã khiến con người rất hiếm khi sử dụng nó kể từ những năm 1940, nhưng B61-12 đang khuyến khích xu hướng này.
 
Nga tuyên bố sẽ đáp trả
 
Phản ứng trước việc Mỹ sắp đưa bom hạt nhân nguy hiểm nhất đến sát nách Nga, Moscow tuyên bố nước này sẽ buộc phải có biện pháp đáp trả để khôi phục lại thế cân bằng lực lượng ở Châu Âu.

Diễn biến trên cho thấy, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ tiếp tục xấu đi trong bối cảnh hai nước vốn đã đang đối đầu gay gắt về một loạt vấn đề như lá chắn tên lửa, nhân quyền, khủng hoảng Ukraine, khủng hoảng Syria....


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc