“Gấu” Nga giơ “móng vuốt”, Anh phát hoảng?

13:39, 14/09/2015
|

(VnMedia) - Anh tuần trước lại phải khẩn cấp phái máy bay chiến đấu của mình đi chặn những chiếc máy bay ném bom của Nga, trong một vụ việc mà London tin là hành động phô trương sức mạnh đầy khiêu khích...
 

Ảnh minh họa

Những chiếc máy bay chiến đấu hiện đại của Anh đã nhận được lệnh cất cánh khẩn cấp để đi chặn máy bay ném bom của Nga.


Theo nguồn tin từ Anh, Không quân nước này đã ra lệnh cho những chiếc chiến đấu cơ Typhoon cất cánh khẩn cấp để đi chặn những chiếc máy bay ném bom Blackjack của Nga ở phía bắc nước Anh. Vụ việc xảy ra hồi tuần trước.
 
Đây là lần thứ 7 trong năm nay Không quân Hoàng gia Anh phải khẩn cấp điều động phi cơ chiến đấu thuộc lực lượng phản ứng nhanh của  mình đi đánh chặn các máy bay quân sự của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon miêu tả những vụ việc như này là “hành động quấy rầy, gây khó chịu và lo ngại”. Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin dương oai diễu võ, sau khi những chiếc máy bay ném bom Bear của Nga bị chiến đấu cơ Anh chặn ở ngoài khơi bờ biển xứ Cornwall hồi tháng Hai.
 
Trong vụ việc mới nhất, máy bay ném bom của Nga đã lượn lờ gần không phận Anh trong một chuyến bay do thám định kỳ, nhưng hành động này không nên hiểu là một sự khiêu khích, một cựu quan chức Nga đã phát biểu như vậy.
 
Theo Trung tướng Evgenny Buzhinsky - một sĩ quan nghỉ hưu hiện đang đứng đầu một tổ chức tư vấn về an ninh và quốc phòng ở thủ đô Moscow, hoạt động giám sát, do thám của các máy bay là việc rất bình thường, các nước NATO đã tiến hành những chuyến bay tương tự như thế ở dọc biên giới Nga từ rất lâu rồi.
 
"Tình hình bây giờ có nhiều thay đổi nên người ta coi những chuyến bay như thế là một mối đe doạ. Tuy nhiên, trước đó, chẳng ai coi những hành động như trên là một mối đe doạ”, ông Buzhinsky  nhấn mạnh.
 
Các nguồn tin từ Không quân Hoàng gia Anh cho hay, những chiếc máy bay ném bom của Nga chưa bao giờ xâm phạm vào không phận của Anh, nhưng chúng vẫn gây ra mối đe doạ và sự không thuận tiện cho các máy bay dân sự, bởi những chiếc máy bay này từ chối cho nhận diện.
 
Các phi công cho biết, nhưng cuộc chạm mặt nhau giữa họ ở trên bầu trời thường không thù địch mà họ thỉnh thoảng thậm chí còn vẫy tay chào nhau.
 
Trung tướng Buzhinsky cho biết: “Hoạt động giám sát, do thám các hệ thống phòng không là hoạt động bình thường của bất kỳ lực lượng không quân nào, chứ không chỉ riêng Nga, Mỹ hay Anh. Tất nhiên, khi một chiếc chiến đấu cơ hay một máy bay ném bom thực hiện một chuyến bay tuần tra, nó sẽ giám sát và theo dõi các hệ thống phòng không cũng như radar. Tôi không xem đó là một sự khiêu khích”.
 
Những chiếc máy bay ném bom chiến lược của Nga thường xuyên thực hiện các chuyến bay tuần tra khắp Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trong thời Chiến tranh Lạnh, nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, hoạt động này đã bị cắt giảm do thiếu ngân sách. Kể từ khi ông Vladimir Putin lên cầm quyền ở nước Nga, ông này đã quyết định nối lại các chuyến bay tuần tra của máy bay ném bom chiến lược.
 
Hoạt động trên trở nên thường xuyên hơn bao giờ hết trong thời gian gần đây, khi Nga và phương Tây đối đầu nhau kịch liệt vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. NATO đã đưa ra báo cáo về tình trạng tăng cao bất thường những chuyến bay của máy bay quân sự Nga trên bầu trời Biển Bắc, Biển Đen, Biển Baltic và Đại Tây Dương.
 
NATO gần đây tham gia vào các hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự ở dọc biên giới phía tây của Nga như một phần của chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương. Nga chỉ trích quyết liệt hành động của NATO, miêu tả việc tăng cường hiện diện quân sự của NATO ở các nước Baltic là “ở mức chưa từng có và nguy hiểm”. Vì thế, Nga cũng tăng cường các hoạt động quân sự nhằm thị uy, đối phó với NATO. Nga bắt đầu thực hiện kế hoạch triển khai vũ khí tối tân ở nhiều khu vực sát biên giới với các nước thành viên NATO.

Cùng với đó, Nga liên tục tổ chức các cuộc tập trận rầm rộ, quy mô lớn nhằm răn đe, cảnh báo các nước NATO cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga. Việc Moscow tăng cường các chuyến bay quân sự trên bầu trời Châu Âu được cho là một hành động nằm trong kế hoạch của Nga nhằm phát đi thông điệp cảnh báo với phương Tây.
 
Mối quan hệ giữa Nga với NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Nga kiên quyết bác bỏ những cáo buộc trên.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc