Đại sứ quán ở Syria bị tấn công, Nga “động thủ”?

09:45, 22/09/2015
|

(VnMedia) - Bộ Ngoại giao Nga hôm qua (21/9) đã lên tiếng kêu gọi phải “có hành động cụ thể” sau khi Đại sứ quán của nước này tại thủ đô của Syria bị nã pháo. Vụ tấn công vào Đại sứ quán Nga được cho là do lực lượng nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad gây ra.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


"Một quả đạn pháo đã rơi vào bên trong khuôn viên của Đại sứ quán Nga ở thủ đô Damascus lúc khoảng 9h sáng theo giờ địa phương hôm 20/9. Quả pháo này thọc sâu vào lòng đất và không gây ra tổn hại gì”, Bộ Ngoại giao Nga cho hay.

 

"Chúng tôi lên án vụ nã pháo phạm pháp nhằm vào sự hiện diện ngoại giao của Nga ở thủ đô Damascus . Chúng tôi chờ đợi một lập trường rõ ràng từ tất cả các nước thành viên của cộng đồng quốc tế, trong đó có những người chơi trong khu vực, đối với hành động khủng bố này".

 

"Điều cần thiết ở đây không chỉ là trên lời nói mà phải bằng hành động cụ thể”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, đồng thời thêm rằng “việc bắn phá Đại sứ quán Nga đã được thực hiện từ hướng Jobar. Đây là nơi mà lực lượng nổi dậy chống chính phủ Syria đang đóng quân".

 

Quân nổi dậy có “những nước tài trợ, hậu thuẫn ở bên ngoài”. Những nước đó phải chịu trách nhiệm trong việc gây sức ép lên các hành động của họ, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

 

Đại sứ quán Nga ở khu vực Mazraa, thủ đô Damascus , trước đây thỉnh thoảng vẫn phải hứng chịu các vụ bắn phá. Hồi tháng 5, một người đã thiệt mạng khi một loạt quả đạn súng cối rơi xuống khu vực gần Đại sứ quán Nga. Trước đó nữa, hồi tháng Tư, 3 người đã bị thương vì trúng phải đạn súng cối rơi xuống khuôn viên Đại sứ quán Nga.

 

Nga sẽ động thủ?

 

Vụ Đại sứ quán Nga ở thủ đô Damascus bị tấn công diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang sôi sùng sục cáo buộc Moscow triển khai binh lính, pháo binh, chiến đấu cơ đến Syria.

 

Mỹ cho rằng, Nga – một trong rất ít đồng minh còn lại của Tổng thống Assad, đang triển khai vũ khí quân sự và binh lính đến Syria để chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu bên cạnh lực lượng của chính quyền Assad.

 

Mới đây nhất, ngày hôm qua, hai quan chức của Mỹ cáo buộc Nga triển khai 28 chiếc máy bay chiến đấu đến một căn cứ không quân ở tỉnh phía tây Latakia của Syria . Giới chức Mỹ tin rằng, đây là bước đi mới nhất của Moscow trong việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria .

 

Washington trong những tuần gần đây ngày càng tỏ ra lo ngại về những động thái của Nga trong việc ủng hộ cho chính quyền của Tổng thống Assad. Mỹ cảnh báo sự hậu thuẫn về quân sự của Nga cho chính quyền Syria sẽ làm phương hại hơn nữa các nỗ lực nhằm đem lại hoà bình cho quốc gia Trung Đông này.

 

Một số chuyên gia phương Tây thậm chí còn cho rằng, việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria có thể là bước khai màn cho một hành động quân sự.

 

"Có 28 chiến đấu cơ và máy bay ném bom" tại một căn cứ không quân ở tỉnh phía tây Latakia, một quan chức giấu tên của Mỹ cho hay.

 

Một quan chức giấu tên khác của Mỹ cũng xác nhận con số trên đồng thời cáo buộc thêm rằng Nga cũng đang triển khai khoảng 20 trực thăng vận tải và trực thăng tấn công ở cùng căn cứ nói trên. Moscow được cho là cũng đang cho máy bay không người lái hoạt động ở Syria nhưng vị quan chức Mỹ không tiết lộ thêm thông tin chi tiết.

 

Trước những cáo buộc và hoài nghi của phương Tây, Moscow khăng khăng khẳng định nước này chỉ đang thực hiện các hợp đồng quân sự đã có từ lâu với Damascus . Đồng thời, Nga cũng đang thúc đẩy tiến trình ngoại giao để thuyết phục liên minh phương Tây và các cường quốc trong khu vực do Mỹ dẫn đầu cùng tham gia với lực lượng của chính quyền Assad trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hồi cuối tuần vừa rồi đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu về vấn đề Syria . Cuộc gặp này đánh dấu sự chấm dứt một thời kỳ đóng băng kéo dài 18 tháng trong quan hệ quân sự giữa Nga và Mỹ sau khi NATO tỏ thái độ trước việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea cũng như vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

 

Nga và Mỹ đã nhất trí sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra những sự cố đáng tiếc liên quan đến lực lượng liên minh và lực lượng Nga đang hoạt động trên cùng một không phận ở Syria .

 

Liên minh do Mỹ dẫn đầu đang tiến hành các cuộc không kích gần như hàng ngày nhằm vào lực lượng chiến binh Hồi giáo ở Syria .

 

Khoảng 250.000 người đã thiệt mạng ở Syria kể từ khi cuộc xung đột đẫm máu ở nước này bùng lên từ làn sóng biểu tình chống chính phủ hồi tháng Ba năm 2011. Tương tự như cuộc khủng hoảng ở Ukraine , cuộc chiến ở Syria cũng chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa Nga và phương Tây. Tình trạng trên đã khiến cho cuộc nội chiến ở Syria đã bế tắc lại càng thêm bế tắc và 4 năm trôi đi mà tình hình Syria vẫn chưa có lối thoát. Hậu quả là hiện tại các nước phương Tây đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng.


Tình hình Syria cũng thêm nghiêm trọng với sự nổi lên của nhóm khủng bố khét tiếng thế giới IS. Chính phủ của Tổng thống Assad đã mất rất nhiều khu vực lãnh thổ vào tay lực lượng ly khai cũng như nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Và hiện giờ, mối đe doạ từ IS đang trở thành nỗi lo ngại lớn nhất đối với cộng đồng quốc tế.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc