Tướng tham ô 4 xe tải vàng vẫn được mở đường sống!

15:38, 11/08/2015
|

(VnMedia) - Một toà án quân sự Trung Quốc vừa kết án tử hình cựu sĩ quan cao cấp Gu Junshan vì tội tham nhũng nhưng được hoãn thi hành án 2 năm, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua (10/8) cho biết. Ông Gu Junshan là người từng gây rúng động không chỉ Trung Quốc mà cả thế giới khi vụ án tham nhũng của ông này bị phơi bày. Ông Gu là vị quan chức mới nhất bị “ngã ngựa” trong chiến dịch diệt trừ nạn tham nhũng một cách quyết liệt và cứng rắn của Chủ tịch Tập Cận Bình trong Lực lượng Vũ trang Trung Quốc. Tuy nhiên, với việc hoãn thi hành án 2 năm, ông Gu vẫn còn con đường sống.
 

Ảnh minh họa

Cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Trung Quốc – Trung tướng Gu Junshan


Cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Trung Quốc – Trung tướng Gu Junshan đã bị kết án tử hình vì tội tham nhũng, lợi dụng chức quyền và sử dụng sai công quỹ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố được đưa lên website của cơ quan này. Án tử hình được hoãn thi hành hai năm thường đồng nghĩa với việc án này có thể giảm xuống chung thân nếu người bị kết án có hành vi, thái độ tốt trong 2 năm.
 
Cựu Trung tướng Gu bị buộc tội năm 2014 vì bị nghi ngờ bán hàng trăm chức vụ trong quân đội.
 
"Toà án quân sự ra phán quyết, ông Gu đã nhận những khoản tiền hối lộ cực lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ông này cũng sử dụng sai công quỹ với số tiền rất lớn và chi tiết các vụ lạm dụng quyền lực của ông này đặc biệt nghiêm trọng", một quan chức thuộc toà án quân sự Trung Quốc giấu tên cho biết trong một tuyên bố riêng rẽ khác.
 
Ông Gu bị xét xử kín để đảm bảo “các bí mật quân sự”, vị quan chức trên cho biết thêm.
 
Ông Gu gây rúng động thế giới khi báo chí đưa tin về vụ lục soát nhà ông này. Theo đó, 20 cảnh sát được cử đến khám xét nhà ông Gu đã phải mất hai đêm để tịch thu vàng bạc, đồ quý và rượu quý. Kết quả là phải cần đến 4 xe tải để chất hết đồ xa xỉ gồm tượng vàng, đồ quý và rượu cao cấp đưa ra khỏi nhà của ông Gu.
 
Vụ án của ông Gu có liên quan đến vụ tham nhũng của ông Xu Caihou – một cựu Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương. Ông Xu thú nhận đã nhận những khoản tiền hối lộ khổng lồ để giúp nhiều người thăng chức. Ông Xu chết hồi tháng Ba vừa rồi vì bệnh tật.
 
"Vụ xét xử nghiêm túc ông Gu là một cuộc thi xác định rõ công lý hai tội phạm sẽ chiến thắng. Đối với những cán bộ hàng đầu ở mọi cấp, đây là lời cảnh báo sâu sắc nhất để họ phải nhớ rằng ‘những bổng lộc’ mà họ nhận ngày hôm nay sẽ là ‘quả bom’ phá huỷ họ ngay ngày mai", một bài xã luận được đăng tải trên website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã viết như vậy.
 
Hàng loạt sĩ quan cấp cao như ông Xu và Gu bị ngã ngựa vì tham nhũng đã gây ảnh hưởng không chỉ đến uy tín của quân đội Trung Quốc mà còn làm giảm sút tinh thần, nhuệ khí và niềm tin của các binh lính trong quân đội nước này.
 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt việc diệt trừ tận gốc nạn tham nhũng trong quân đội là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông này. Giới chức sĩ quan đương nhiệm và nghỉ hưu đều đã lên tiếng cảnh báo nạn tham nhũng đang lan tràn đến mức nó có thể đe doạ năng lực chiến đấu và phát động chiến tranh của quân đội Trung Quốc. Một số nhà phân tích từng nhận định, nạn tham nhũng khiến sức mạnh của quân đội Trung Quốc suy yếu, khó có khả năng chiến thắng trong một cuộc chiến tranh.
 
Bắc Kinh bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch diệt trừ nạn tham nhũng trong quân đội từ cuối những năm 1990, cấm Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa tham gia vào các hoạt động kinh doanh.
 
Tuy nhiên, giới phân tích cho hay, quân đội Trung Quốc vẫn tham gia vào các hoạt động giao dịch thương mại trong những năm gần đây do thiếu hoạt động kiểm tra, giám sát.
 
Việc mua bán chức vụ trong quân đội lan tràn và trở nên công khai. Tình trạng này đã gây quan ngại sâu sắc cho những nhà cải cách bởi nó dẫn đến thực tế là những người tài bị gạt sang một bên và điều đó ảnh hưởng đến tinh thần, nhuệ khí của quân đội.
 
Chiến dịch diệt trừ nạn tham nhũng trong quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình được thực hiện trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực nhằm hiện đại hoá lực lượng vũ trang Trung Quốc với mục tiêu vươn sức mạnh và quyền lực ra bên ngoài, tìm cách tranh giành chủ quyền với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
 
Trung Quốc trong những năm gần đây đang đầu tư mạnh tay cho quân đội. Cường quốc Châu Á này đang duy trì tăng chi tiêu quốc phòng ở mức hai con số với những kế hoạch hiện đại hóa quân đội rầm rộ.
 
Không thể phủ nhận, với việc mạnh tay tăng chi tiêu quốc phòng và đẩy mạnh tập trung phát triển vũ khí mới, hiện đại, quân đội Trung Quốc đang đạt được những bước tiến lớn. Bất chấp những bước tiến lớn, quân đội Trung Quốc vẫn phải đối diện với hàng loạt điểm yếu nghiêm trọng có thể làm hạn chế khả năng chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh trong tương lai. Một trong những điểm yếu lớn nhất là nạn tham nhũng, suy đồi đạo đức trong giới chức lãnh đạo trong quân đội Trung Quốc.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc