Pháp “mắc sai lầm lịch sử” với Nga

07:27, 03/08/2015
|

(VnMedia) - Quyết định không bàn giao hai siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga là “một sai lầm lịch sử”, đi ngược lại lợi ích chính trị và công nghiệp của Pháp, vị chính khách Pháp có tên Florian Philippot đã gay gắt chỉ trích như vậy. Ông này kêu gọi Tổng thống Pháp François Hollande khôi phục lại quan hệ làm việc với Moscow .

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Paris sẽ phải trả khoản tiền khoảng 1,2 tỉ euro cho việc không bàn giao hai chiếc siêu tàu chiến tối tân lớp Mistral cho Moscow . Tuy nhiên, cái giá thực sự mà Pháp phải trả cho việc đơn phương phá ngang hợp đồng sẽ vượt xa khoản tiền bồi thường “khủng” nói trên, vị Phó Chủ tịch Đảng Mặt trận Quốc gia theo đường lối cánh hữu – ông Philippot nhấn mạnh.

 

"Tổn thất về ngoại giao, về công nghiệp và kinh doanh sẽ lớn hơn rất nhiều”, ông Philippot chỉ ra.

 

Số phận của hai chiếc tàu tấn công lớp Mistral được đặt tên là Vladivostok Sevastopol cho đến hiện giờ vẫn chưa được quyết định dứt khoát. Hồi cuối tuần vừa rồi, Tổng thống Pháp Hollande đã lên tiếng bác bỏ những thông tin được báo giới cũng như giới chức Nga đưa ra trước đó về việc Paris và Moscow đã đạt được một thỏa thuận về việc giải quyết dứt điểm hợp đồng Mistral có trị giá 1,36 tỉ USD.

 

Ông Philippot cũng chỉ trích Tổng thống Hollande về việc không theo đuổi một chính sách đối ngoại nhất quán. "Làm thế nào mà chúng ta có thể giải thích được cho việc bán vũ khí trị giá hàng tỉ euro cho Ả-rập Xê-út – một nước đang phát động một chiến dịch quân sự gây phẫn nộ ở Yemen và đang bị Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cáo buộc mắc tội ác chiến tranh ghê rợn?", vị chính khách Pháp thẳng thừng đặt câu hỏi.

 

Ông Philippot miêu tả những lập luận mà Tổng thống Hollande đưa ra để giải thích cho chiến lược của Pháp đối với Nga là ngớ ngẩn. Vị chính khách Pháp kêu gọi Nhà lãnh đạo Hollande “khôi phục lại các mối quan hệ chính trị, thương mại với Nga và ngừng ngay việc bắt nước Pháp phải nhìn mọi việc theo con mắt của Mỹ”.

 

"Những người nông dân và công nhân của chúng tôi tại các xưởng đóng tàu không đang phải bị trả giá cho những sai lầm chính trị to lớn của những người lãnh đạo”, ông Philippot nhấn mạnh.

 

Đây không phải là lần đầu tiên giới chuyên gia, phân tích và các nhà chính trị lên tiếng phản đối việc Tổng thống Hollande hủy bỏ hợp đồng Mistral với Nga. Thậm chí, người dân Pháp từng biểu tình chống lại quyết định này.

 

Hồi cuối năm ngoái, hàng trăm người dân Pháp đã tụ tập ở cảng Saint-Nazaire , phía tây nước Pháp để phản đối việc chính phủ nước này không giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga. Khoảng 200 người biểu tình đã tụ tập ở gần khu vực nơi tàu Vladivostok – chiếc đầu tiên trong hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral mà Pháp đóng cho Nga, đang đậu. Những người này giương cao một loạt biểu ngữ có các dòng chữ, "Tổng thống Hollande muốn giết Saint-Nazaire . Chúng tôi nói không” hoặc “Hãy giao tàu chiến lớp Mistral và cung cấp việc làm cho những công dân của chúng ta” hay như “Vì chiến thắng của Mistral và vì nền độc lập của chúng ta”.

 

Được tổ chức bởi nhóm Mistral Gagnons (tạm dịch là Mistral chiến thắng), những người biểu tình bao gồm các thành viên hội đồng thành phố Saint-Nazaire, những người ủng hộ Nga cũng như thành viên của nhiều tổ chức công đoàn có liên quan đến ngành công nghiệp đóng tàu ở Pháp.

 

Tổng thống và chính phủ Pháp bị chỉ trích là con rối trong tay của Washington và NATO. Thậm chí, thành viên hội đồng thành phố Saint-Nazaire – ông Jean-Claude Blanchard từng thẳng thừng miêu tả Tổng thống Hollande là tay sai của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. “Pháp là một nước lớn – kiêu hãnh và độc lập, vì thế, Pháp phải tự quyết định về tương lai đất nước", ông Blanchard kêu gọi.

 

Nếu Pháp thực sự phá hợp đồng cung cấp siêu tàu chiến cho Nga thì nước này sẽ phải bồi thường cực kỳ lớn và chưa kể việc nước này phải gánh chịu nhiều hậu quả kinh tế khác. Vì thế, sẽ là dễ hiểu khi nhiều người Pháp phản đối quyết định của Tổng thống Hollande.

 

Hợp đồng mua hai tàu lớp Mistral trị giá 1,12 tỉ euro (1,6 tỉ USD) đã được tập đoàn xuất khẩu vũ khí của Nga – Rosoboronexport ký với tập đoàn DCNS của Pháp hồi tháng 6 năm 2011. Chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok dự kiến được chuyển giao vào đầu tháng 11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào mùa thu năm nay.

 

Hợp đồng với Pháp là thỏa thuận mua vũ khí nước ngoài đầu tiên của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh và nó được Tổng thống Pháp khi đó ca ngợi là một bước đi quan trọng trong mối quan hệ Nga-Pháp. Pháp cũng trở thành nước thành viên NATO đầu tiên cung cấp vũ khí cho Nga. Hợp đồng này đã tạo ra việc làm cho khoảng 1.000 người ở các xưởng đóng tàu của Pháp. Vì thế, trong giai đoạn đầu, Pháp đã bất chấp mọi lời kêu gọi cũng như sức ép mạnh mẽ từ các đồng minh Mỹ và phương Tây để quyết liệt theo đuổi hợp đồng vũ khí với Nga. Tổng thống Pháp từng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong nước vì điều này. Tuy nhiên, mọi việc bắt đầu thay đổi vào đầu tháng 9 năm ngoái.

 

Siêu tàu chiến lớp Mistral là loại tàu đổ bộ tấn công hiện đại, có khả năng chỉ huy, triển khai chớp nhoáng lực lượng hỗ trợ hậu cần, di tản nhân đạo, bệnh viện dã chiến và thưc hiện các sứ mệnh tác chiến Hải quân khác. Siêu tàu chiến Mistral có trọng tải tối đa 21.300 tấn; có thể chuyên chở bốn sà lan đổ quân, 16 trực thăng hạng nặng, 2 tàu đệm không khí, một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc, 450 binh sỹ... Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral dài 199m, chiều ngang 32m, độ mớn nước 6,2m.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc