Cựu nữ Thủ tướng Thái xinh đẹp bất ngờ lên tiếng

13:53, 18/08/2015
|

(VnMedia) - Cựu nữ Thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan – bà Yingluck Shinawatra hôm qua (17/8) đã lên tiếng bày tỏ sự hoài nghi về bản hiến pháp vừa được phác thảo bởi chính quyền quân sự. Như vậy, có thêm một tiếng nói trong làn sóng bày tỏ sự quan ngại về những điều khoản trong hiến pháp mà các nhà chỉ trích cho rằng là thiếu dân chủ.
 

Ảnh minh họa

Cựu nữ Thủ tướng Yingluck


Một Hội đồng Cải cách Quốc gia do chính quyền quân sự lập ra dự kiến sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu vào tháng 9 tới để quyết định xem liệu có chấp nhận hay bác bỏ bản hiến pháp phác thảo. Nếu bác bỏ, điều này đồng nghĩa với việc sẽ cần phải có thêm nhiều nỗ lực khác và quân đội sẽ phải trì hoãn cuộc bầu cử mà họ cam kết tiến hành vào cuối năm sau.
 
Bản phác thảo hiến pháp dự kiến sẽ được trình lên Hội đồng Cải cách Quốc gia vào ngày thứ Bảy tới (22/8) mặc dù vài phần trong bản phác thảo này đã được công bố.
 
Bà Yingluck đã bày tỏ sự hoài nghi về bản phác thảo hiến pháp mới trên trang Facebook cá nhân của bà. Bà Yingluck từng là một Thủ tướng theo chủ nghĩa dân tuý nhưng đã bị lật đổ hồi năm ngoái sau nhiều tháng diễn ra các cuộc biểu tình đường phố do quân đội hậu thuẫn.
 
"Nhiều bên đã bày tỏ sự lo lắng và quan ngại”, cựu nữ Thủ tướng Yingluck cho hay.
 
"Một hiến pháp dân chủ phải gắn kết chặt chẽ với người dân và trao cho người dân quyền quyết định”, bà Yingluck nhấn mạnh.
 
Nền chính trị Thái Lan đã bị chia rẽ trong suốt một thập kỷ qua vì cuộc đấu đá giữa một bên là lực lượng ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – anh trai của bà Yingluck, và bên kia là những thành phần trung lưu, hoàng gia, quân đội ở thủ đô Bangkok.
 
Những người chỉ trích bản phác thảo hiến pháp mới ngoài các mục đích khác còn là nhằm để ngăn chặn sự quay trở lại chính trường của ông Thaksin cùng bộ máy chính trị của ông này. Đây là bộ máy đã giành được chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001.
 
Ông Thaksin đã nắm giữ cương vị Nhà lãnh đạo của Thái Lan trong suốt hơn 5 năm cho đến khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu hồi tháng 9 năm 2006. Sau đó, ông đã bị kết án vắng mặt hai năm tù giam vì tội lạm dụng chức quyền. Mặc dù đã sống lưu vong ở nước ngoài trong suốt hơn 8 năm qua nhưng cựu Thủ tướng Thaksin vẫn là một nhân vật có nhiều ảnh hưởng ở đất nước Thái Lan. Đó là lý do khiến chính trường Thái Lan luôn là cuộc chiến giằng co giữa một bên là những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin và một bên là người chống lại ông này.
 
Chính nhờ sức ảnh hưởng và uy tín của ông Thaksin mà bà Yingluck đã thắng cử trong cuộc bầu cử cách đây vài năm và trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên ở đất nước Thái Lan. Tuy nhiên, chính phủ của bà Yingluck đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hồi năm ngoái và hiện giờ Thái Lan đang được lãnh đạo bởi một chính quyền quân sự.
 
Những người chỉ trích tin rằng, chính phủ quân sự ở Thái Lan muốn thay thế hiến pháp để làm tăng quyền cho quân đội và các đồng minh thân hữu của họ qua việc thiết lập một Thượng viện chủ yếu không thông qua bầu cử và cả những điều khoản dành cho một thủ tướng không được bầu lên một cách dân chủ.
 
Bản phác thảo hiến pháp bao gồm một đề xuất về việc thành lập “uỷ ban quốc gia về cải cách và chiến lược hoà giải” do quân đội chủ trì. Theo đó, các lực lượng an ninh sẽ được phép can thiệp vào một cuộc khủng hoảng.
 
"Tôi không cho rằng, cần phải có một ban bệ thống trị chính phủ và cơ quan lập pháp để đưa ra quyết định, kể cả trong thời gian có khủng hoảng”, bà Yingluck nhấn mạnh.
 
Chính phủ Thái Lan cam kết sẽ tiến hành một cuộc bầu cử vào năm 2016 nhưng cảnh báo kế hoạch này có thể bị trì hoãn cho đến năm 2017 nếu bản phác thảo hiến pháp mới bị bác bỏ.
 
Trước đó, hôm thứ Bảy (15/8), Đảng Puea Thai của ông Thaksin cũng chỉ trích bản phác thảo hiến pháp mới, nói rằng bản phác thảo này không thừa nhận chủ quyền của nhân dân” và sẽ chẳng giúp ích gì cho tiến trình hoà giải ở một đất nước bị chia rẽ như hiện nay ở Thái Lan.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc