Cảnh báo ớn lạnh của Mỹ và bất ngờ từ Trung Quốc

06:47, 07/08/2015
|

(VnMedia) - Mỹ hôm qua (6/8) tuyên bố, nước này sẽ không dung thứ cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm giành quyền kiểm soát các tuyến đường biển và đường không ở Biển Đông. Lời cảnh báo sắc lạnh này được tung ra trong bối cảnh các nước Đông Nam Á đang bàn bạc, thảo luận về cách thức làm thế nào để gây sức ép mạnh mẽ lên Bắc Kinh trong vấn đề cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo trái phép trong khu vực. Rõ ràng, lời cảnh báo của Mỹ là nhằm ám chỉ đến Trung Quốc bởi nước này đang thổi bùng ngọn lửa căng thẳng ở Biển Đông vì một loạt những hành động táo tợn.

 

Ảnh minh họa

Đây là hình ảnh cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Malaysia ở Biển Đông. Mỹ đang ngày càng quyết liệt trong việc ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc


Phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh của khu vực, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh, sự tự do hàng hải ở Biển Đông – khu vực có tầm quan trọng chiến lược, là “quyền nội tại". "Hãy để tôi làm rõ: Mỹ sẽ không chấp nhận bất kỳ sự hạn chế nào trong quyền tự do hàng hải và bay qua lại trên bầu trời khu vực cũng như các quyền hợp pháp khác trong việc sử dụng vùng biển này”, ông Kerry nhấn mạnh như vậy với các phóng viên ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia sau một hội nghị thượng đỉnh mà Biển Đông trở thành chủ đề chính.

 

Ngoại trưởng Kerry bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về tình trạng căng thẳng leo thang vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á. Theo nhà ngoại giao hàng đầu của nước Mỹ, “chính sách kiềm chế” là cần thiết để một bộ quy tắc ứng xử có ý nghĩa có thể được thực thi ở Biển Đông.

 

Trung Quốc đã gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng khi ngang nhiên tiến hành bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo ở Biển Đông. Điều đáng chú ý là các cơ sở mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo trái phép nói trên có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Các nước láng giềng của Trung Quốc cáo buộc hành động của Bắc Kinh vi phạm cam kết của khu vực về việc không có những hành động khiêu khích.

 

Các cuộc tranh chấp ở Biển Đông đã trở thành chủ đề nóng bỏng tại hội nghị khu vực ở Malaysia . Hội nghị này được chủ trì bởi Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên và có sự tham gia của hơn một tá các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

 

Bắc Kinh đang đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông – nơi chứa đứng một tuyến đường biển then chốt và cũng được cho là nơi chứa đựng trữ lượng dầu mỏ, khí đốt lớn.

 

Trung Quốc đang có tranh chấp ở Biển Đông với một loạt nước trong khu vực gồm Philippines , Brunei , Malaysia và Việt Nam . Cả 4 nước này đều là thành viên của ASEAN. Ngoài ra, Vùng lãnh thổ Đài Loan cũng có tranh chấp ở Biển Đông.

 

Khi Bắc Kinh ngày càng quyết liệt trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông và có nhiều hành động gây căng thẳng trong khu vực thì ASEAN bắt đầu có tiếng nói công khai và mạnh mẽ hơn trong việc phản đối những hành động gây bất ổn ở Biển Đông và khu vực.

 

Trung Quốc lùi bước?

 

Không rõ có phải vì đối mặt với áp lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ hay không mà Trung Quốc hôm 5/8 bất ngờ tuyên bố đã ngừng các hoạt động cải tạo, bồi đắp trái phép ở Biển Đông.

 

Theo lời Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi, Bắc Kinh đã chấm dứt các hoạt động bồi đắp ở Biển Đông và kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường đàm phán về việc các nước có tranh chấp ở Biển Đông nên cư xử như thế nào ở các khu vực tranh chấp.

 

Những phát biểu trên của ông Wang khiến người ta bất ngờ bởi lâu nay bất chấp những lời kêu gọi và lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh vẫn kiên quyết không chịu ngừng các hoạt động bồi đắp, xây dựng trái phép ở Biển Đông. Thế mà giờ đây, Trung Quốc lại đột ngột tuyên bố chấm dứt các hoạt động gây bất bình của họ. Thậm chí, Bắc Kinh còn lên tiếng kêu gọi tăng cường đàm phán về cách ứng xử ở Biển Đông – một tiến trình mà Trung Quốc thường tìm cách trì hoãn.

 

Hành động trên của Trung Quốc khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng Bắc Kinh đang lùi bước trước sức ép của cộng đồng quốc tế cũng như của các nước trong khu vực.

 

Không khó để trả lời câu hỏi về sự lùi bước của Bắc Kinh bởi trên thực tế, từ hồi tháng 6, Trung Quốc đã tuyên bố nước này sắp hoàn thành một số dự án bồi đắp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nói thêm rằng nước này sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở ở những hòn đảo nhân tạo.

 

Những phát biểu của Ngoại trưởng Wang đưa ra tại cuộc họp khu vực ở Kuala Lumpur dường như là nhằm để tháo ngòi căng thẳng ở khu vực.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc