Cái giá đắt nhất phương Tây phải trả khi “bỏ” Nga

17:09, 12/08/2015
|

(VnMedia) - Việc phương Tây phải trả giá khi đối đầu quyết liệt với Nga là điều đã được nhiều chuyên gia và các nhà phân tích nói đến. Tuy nhiên, có lẽ cái giá đắt nhất mà phương Tây phải hứng chịu khi “tuyệt tình” với Nga chính là việc họ đã đẩy một nước mạnh như Nga rơi vào vòng tay của đối thủ mạnh hàng đầu của họ - đó là Trung Quốc.

 

Ảnh minh họa

Sự liên kết giữa Nga và Trung Quốc khiến phương Tây "toát mồ hôi"


Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình RT, đối tác sáng lập ra Quỹ Prosperity Capital Management – ông Mattias Westman đã không ngần ngại cho biết, lập trường cứng rắn của phương Tây đối với Nga đã gây ra hậu quả là đẩy Moscow ngày càng gần hơn về phía Bắc Kinh. Thực tế về việc mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang ngày một được tăng cường, gắn kết sẽ gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đến sự thống trị toàn cầu mà phương Tây nắm giữ nhiều thập kỷ nay.

 

Ông Westman giải thích rằng, ông thấy rất khó để có thể biết được làm thế nào để các biện pháp trừng phạt của phương Tây và lời đe dọa về những biện pháp trừng phạt thậm chí còn sâu hơn, khắc nghiệt hơn “có thể có bất kỳ tác động hay ảnh hưởng có lợi nào đến Nga hay đến tình hình ở Ukraine” – nước đang là nguyên nhân gây ra cuộc đối đầu quyết liệt giữa Nga và phương Tây.

 

Hơn nữa, theo ông Westman, thậm chí lời khẳng định được Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra trước đó hồi đầu năm của về việc các biện pháp trừng phạt đã khiến nền kinh tế Nga “rơi vào tình trạng đổ vỡ” là “không hoàn toàn chính xác”.

 

"Ý tôi là, tất nhiên, các biện pháp trừng phạt có ảnh hưởng tiêu cực nhất định nhưng sự trì trệ của nền kinh tế Nga mà chúng ta nhìn thấy trong năm ngoái theo tôi là phần nhiều do giá cả hàng hóa; giá dầu sụt giảm mạnh đến 50%. Những thực tế này chắc chắn gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, cụ thể là đồng rúp. Và tôi cho rằng, Ngân hàng Trung ương Nga đã làm điều đúng đắn khi cho phép đồng rúp thay đổi và sụt giảm theo thương mại để bảo vệ lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh của nền công nghiệp Nga”, ông Westman đã giải thích như vậy.

 

Bình luận về một bài phân tích mà ông viết hồi tháng trước cho tạp chí Focus của Đức, ông Westman đưa ra lập luận rằng, phương Tây đã có một bước tính toán sai lầm căn bản khi cho rằng Nga là “một mối đe dọa đối với hệ thống toàn cầu do phương Tây thống trị hoặc là đối với an ninh toàn cầu". Ông Westman tin rằng, “thách thức thực sự đối với cán cân sức mạnh toàn cầu” đến từ “Trung Quốc – một cường quốc đang nổi lên một cách nhanh chóng”.

 

"Và bằng cách áp dụng một lập trường cứng rắn, hung hăng chống lại Nga – một lập trường đối đầu, tôi muốn nói như vậy, thì rõ ràng phương Tây chỉ đón nhật kết quả là sự hợp tác mạnh hơn, chặt chẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc. Và điều này chính là tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự thống trị toàn cầu của phương Tây", chuyên gia quản lý về đầu tư Westman phân tích.

 

Ông Westman nhấn mạnh rằng, trong khi sự hội nhập kinh tế ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế Nga và Trung Quốc “trong một chừng mực nào đó là không thể tránh khỏi bởi đây là hai nền kinh tế rất tương hợp với nhau thì tôi cho rằng nỗ lực chính trị hóa các mối quan hệ và gây ra một cuộc xung đột đang góp phần làm đẩy nhanh tiến trình hội nhập nói trên. Tôi tin là việc phải chứng kiến Nga và Trung Quốc trở thành các đồng minh chiến lược của nhau thực sự không phải là điều mà giới lãnh đạo phương Tây muốn nhưng đó chính là hậu quả từ chính sách mà họ đang theo đuổi hiện nay”.

 

Với lập luận cho rằng sẽ khó cho những thành phần diều hâu ở Washington và Liên minh Châu Âu (EU) trong việc tiếp tục “dọa dẫm, ép buộc” các nước khác phải kéo dài cuộc chiến trừng phạt mãi mãi, ông Westman lập luận nếu sự ổn định ở Ukraine có thể được duy trì và cái giá mà phương Tây phải hứng chịu từ những đòn phản công của Nga tiếp tục tăng lên thì “tôi tin khả năng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt”, ít nhất là từ phía EU, sẽ tăng lên.

 

Nhà chuyên gia đầu tư Westman bày tỏ hy vọng người dân ở các nước phương Tây bắt đầu “nhận thức rõ hơn” về thực tế rằng cuộc nội chiến ở Ukraine “không đơn giản như những gì người ta có thể nhìn thấy lúc ban đầu”.

 

Quan hệ giữa Nga và phương Tây đang rơi vào tình trạng xấu chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát và sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hồi tháng 3 năm ngoái.


Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Bản thân nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang “ngầm đòn đau” từ chính các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga. Các nước phương Tây cũng phải hứng chịu hậu quả từ đòn trả đũa của Nga. Kết quả là cuộc đối đầu Đông-Tây đang gây tổn thương cho cả hai bên.


Vân Linh - (theo RIA)

Ý kiến bạn đọc