Ukraine đã bị đồng minh bỏ rơi không thương tiếc?

20:15, 06/07/2015
|

(VnMedia) - Cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục kéo dài trong tình thế “không có ánh sáng loé lên ở cuối đường hầm”. Dù không thể phủ nhận thực tế chiến sự ở miền đông Ukraine đã giảm mạnh nhưng cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu vẫn còn đó, vẫn tiếp tục bóp nghẹt nước này từng ngày. Điều đáng nói hơn là các đồng minh từng hô hào sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Kiev, từng sát cánh một thời bên Kiev trong cuộc đối đầu với Nga và lực lượng ly khai dường như đang lãng ra. Nói thẳng hơn là có vẻ như Kiev đang bị các đồng minh của mình bỏ rơi một cách không thương tiếc giữa một đống lộn xộn, hỗn loạn và rắc rối mà không có lối thoát.
 

Ảnh minh họa

Mỹ hiện tại đang đặt mọi sự quan tâm vào các cuộc đàm phán hạt nhân Iran


Cuộc khủng hoảng Ukraine xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
 
Cuộc khủng hoảng trên đã phơi bày mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ người dân ở đất nước Ukraine với một bên có xu hướng thân phương Tây và bên kia muốn tiếp tục gắn bó với nước láng giềng Nga. Nó cũng chính là cuộc đua tranh giành ảnh hưởng gay gắt ở quốc gia Đông Âu giữa Nga và phương Tây.
 
Ngay sau khi xảy ra cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Yanukovych và chính quyền mới lên cầm quyền ở thủ đô Kiev, giữa Nga và phương Tây cũng diễn ra một cuộc đối đầu không kém phần quyết liệt. Trong khi phương Tây do Mỹ dẫn đầu ủng hộ nhiệt thành cho chính quyền mới ở Kiev thì Nga kiên quyết bảo vệ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.
 
Được sự hậu thuẫn của một lực lượng phương Tây hùng hậu với những cường quốc hàng đầu, Kiev tự tin phát động chiến dịch quân sự nhằm đàn áp thẳng tay chiến dịch biểu tình của những người miền đông Ukraine không chịu thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền Kiev.
 
Tuy nhiên, sự ủng hộ chủ yếu trên mặt lời nói của phương Tây dành cho Kiev đã không thể giúp nước này giành chiến thắng trong cuộc chiến với quân ly khai ở miền đông Ukraine. Kết quả là Kiev đã phải xuống nước, tìm kiếm một lệnh ngừng bắn với quân ly khai. Dưới sự ủng hộ và tham gia tích cực của các cường quốc Nga, Đức và Pháp, Kiev và lực lượng ly khai đã ký kết thoả thuận Minsk 2, đem đến hy vọng về một sự chấm dứt đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Tuy nhiên, tình hình Ukraine chỉ có tiến triển trong vài tháng và hiện tại giao tranh, đụng độ lại bùng phát trở lại.
 
Trong khi đó, đáng chú ý là dường như Ukraine đang bị bỏ rơi. Những nước từng mạnh mồm tuyên bố luôn sát cánh, ủng hộ cho Ukraine rõ ràng đang bỏ quên cuộc khủng hoảng ở nơi đây và đang có mối quan tâm khác. Thủ tướng Đức Angela Merkel và các đối tác Liên minh Châu Âu giờ đây đang bận bịu, lo lắng giải quyết cuộc khủng hoảng mang tên Hy Lạp. Về phía Mỹ, chính quyền của Tổng thống Barack Obama thì đang tăng cường tập trung vào việc tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân với Iran.
 
Giới chức phương Tây vẫn luôn miệng nói về nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận Minsk II nhưng họ lại chẳng có động thái đáng kể gì để cứu vãn nó. Chính quyền của Tổng thống Obama tiếp tục từ chối, ngó lơ trước lời khẩn cầu mới nhất của Kiev hồi tháng trước về việc cung cấp vũ khí phòng vệ cho họ, trong đó có cả tên lửa chống tăng. Liên minh Châu Âu dù gần đây kéo dài thời hạn áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga nhưng từ chối mạnh tay hơn theo mong muốn của Kiev.
 
Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel đều nói rằng, việc cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine sẽ không làm tình hình khá lên.
 
Ngoài trong lĩnh vực chính trị, phương Tây còn được cho là không mấy mặn mà với việc giang tay cứu vớt nền kinh tế đang ngắc ngoải của Ukraine. Tình hình kinh tế Ukraine đang thực sự rất thảm và cần được cứu trợ. Không giống như Hy Lạp, Ukraine đã áp dụng chính sách thắt chặt một cách rất đau đớn theo yêu cầu của IMF dù đang phải đối mặt với một cuộc chiến.
 
Tuy nhiên, Liên minh Châu Âu chỉ đề nghị cam kết viện trợ cho Ukraine 5,5 tỉ USD trong khi con số mà EU muốn dùng để cứu giúp cho Hy Lạp lên tới 222 tỉ USD. Mỹ cung cấp 20 tỉ USD đề cứu Mexico thoát khỏi cảnh bị phá sản và 18 tỉ USD để tái thiết lại Iraq nhưng chỉ thông qua 3 tỉ USD tiền viện trợ cho Ukraine.
 
Con số viện trợ nhỏ nhoi như trên đặt Kiev vào tình trạng phải đối mặt với khả năng phá sản có thể ngay sau cuối tháng này hoặc không muộn hơn tháng 9 tới.
 
Chính quyền Kiev giờ đây đang “bơ vơ” giữa mớ lỗn độn, lộn xộn không chỉ về chính trị mà cả kinh tế. Trên mặt trận chính trị, Kiev chẳng thế nào hóa giải được sự thù địch giữa họ với lực lượng ly khai, khiến đất nước tiếp tục bị chia cắt và chìm trong những cuộc giao tranh, đụng độ đẫm máu và đầy tổn thất. Trên mặt trận kinh tế, nền kinh tế của Ukraine đang trên bờ vực đổ vỡ. Nếu không có sự cứu giúp của các cường quốc lớn, Ukraine rất có thể sẽ bị tan vỡ.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc