Thoát hiểm trong gang tấc, EU hú hồn

16:49, 13/07/2015
|

(VnMedia) - Hy Lạp đã đạt được một thoả thuận với các chủ nợ Châu Âu trong ngày hôm nay, (13/7) nhằm tránh việc nước này phải rút ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro cũng như viễn cảnh về sự chao đảo trên thị trường tài chính toàn cầu từng được dự đoán trước đó.

Ảnh minh họa

Thủ tướng Hy Lạp


Thoả thuận đạt được kêu gọi Hy Lạp tiếp tục chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc hơn nữa để đổi lấy gói viện trợ tài chính mà không có nó hệ thống tài chính của Hy Lạp chắc chắn sẽ sụp đổ. Rõ ràng Athens đã phải nhượng bộ chấp nhận yêu cầu thắt chặt tài chính hơn nữa, dù nước này đã phải hứng chịu sự khắc nghiệt đầy đau đớn của hàng loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng mà họ đã phải thực hiện theo yêu cầu của Liên minh Châu Âu (EU) trong suốt thời gian vừa qua.
 
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho hay, Quốc hội Hy Lạp sẽ bắt đầu triệu tập cuộc họp trong vài giờ tới để thông qua những cải cách được đề ra trong kế hoạch và ông này đã chúc mừng việc Hy Lạp tiếp tục là thành viên của khu vực đồng tiền chung euro. Theo lời ông Hollande, việc khu vực đồng euro mất đi Hy Lạp sẽ giống như việc mất đi “trái tim của nền văn minh của chúng ta”.
 
Thoả thuận khó khăn trên đạt được sau nhiều tháng diễn ra những cuộc đàm phán cay đắng và một hội nghị thượng đỉnh kéo dài suốt từ chiều Chủ nhật (12/7) kéo dài sang sáng ngày thứ Hai (13/7).
 
Một bước đột phá đã diễn ra trong cuộc họp giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với Tổng thống Pháp Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch EU Donald Tusk sau khi lời đe doạ loại bỏ Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro đã gây áp lực mạnh đối với chính quyền của Thủ tướng Tsipras, buộc ông này phải chấp nhận những biện pháp thắt lưng buộc bụng đầy hà khắc để đổi lấy gói cựu trợ tài chính thứ ba trong 5 năm.
 
"Chúng tôi chịu trách nhiệm về quyết định để tránh cho Hy Lạp phải đối mặt với kết cục thảm khốc nhất", ông Tsipras phát biểu đồng thời thêm rằng, “chúng tôi đã cố gắng hết sức để tránh phải chuyển tài sản của Hy Lạp ra nước ngoài và tránh cho hệ thống ngân hàng của chúng tôi khỏi tình trạng bị sụp đổ”.
 
Thoả thuận mà Hy Lạp vừa đạt được với các thành viên trong khu vực đồng euro bao gồm cam kết của Thủ tướng Tsipras về việc đưa ra Quốc hội để thông qua một chương trình thắt lưng buộc bụng hà khắc hơn nữa, trong đó bao gồm những cải cách về lương hưu, thị trường và tư nhân hoá vào thứ Tư tới (15/7). Đổi lại, 18 lãnh đạo của các nước thành viên khác trong khu vực đồng tiền chung euro cam kết sẽ bắt đầu khởi động những cuộc đàm phán về một chương trình cứu trợ tài chính mới nhằm giúp hệ thống tài chính của Hy Lạp không bị sụp đổ.

Tuy nhiên, để Quốc hội thông qua một chương trình thắt lưng buộc bụng mới hà khắc hơn không phải là nhiệm vụ dễ dàng với Thủ tướng Tsipras. Trước đó, theo kết quả một cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành hôm 5/7 ở Hy Lạp, đa số người dân nước này bác bỏ việc thực hiện theo các yêu cầu khắc nghiệt của khu vực đồng tiền chung euro để đổi lấy gói viện trợ tài chính mới.
 
Một quan chức Cypriot cho hay, các chủ nợ đang nghiên cứu khả năng cung cấp một khoản vay bắc cầu cho Hy Lạp vào chiều ngày hôm nay. Quyết định chính trị đó có thể mở đường cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu mở rộng sự trợ giúp về thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp. Nếu không có nó, các ngân hàng ở Hy Lạp có thể cạn sạch tiền ngay trong tuần này.
 
Nếu các cuộc đàm phán trong thời gian qua thất bại thì Hy Lạp có thể đã phải đối mặt với sự phá sản và bị loại ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro mà họ đã gia nhập vào từ năm 2002. Không có nước nào rút khỏi khu vực đồng euro kể từ khi nó ra đời năm 1999, và hiện tại cũng không có cơ chế cho bất kỳ nước nào rút khỏi khu vực đồng euro.
 
Hy Lạp đã yêu cầu một gói viện trợ tài chính lên tới 53,5 tỉ euro (59,5 tỉ USD) trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, con số đó đã lớn hơn hàng chục tỉ USD khi các cuộc đàm phán kéo dài trong thời gian qua và giới lãnh đạo khu vực đồng euro tính toán về việc Hy Lạp sẽ phải cần bao nhiêu tiền để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng nợ.
 
Hy Lạp đã từng nhận hai gói cứu trợ tài chính lên tới 240 tỉ euro (tương đương 268 tỉ USD) để đổi lấy việc nước này phải cắt giảm mạnh chi tiêu, tăng thuế và tiến hành cải cách từ các chính phủ trước đó. Mặc dù thâm hụt ngân sách hàng năm của Hy Lạp đã giảm mạnh nhưng gánh nặng nợ nần của nước này vẫn tăng lên khi nền kinh tế của họ thu hẹp đến 1/4.
 
Chính phủ Hy Lạp hy vọng với một giải pháp toàn diện để giải quyết gánh nặng nợ nần cho họ và giải pháp này sẽ có sự tham gia của các chủ nợ Châu Âu ít nhất thông qua việc họ đồng ý kéo dài thời hạn trả nợ cho Hy Lạp hoặc hạ lãi suất xuống thấp hơn.
 
Khoản nợ của Hy Lạp hiện đang ở mức khoảng 320 tỉ euro (357 tỉ USD) - một con số choáng váng bởi nó bằng đến 180% so với GDP hàng năm của nước này. Rất ít các nhà kinh tế nghĩ rằng khoản nợ của Hy Lạp sẽ được thanh toán đầy đủ. Hồi tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nói rằng, khoản nợ của Hy Lạp cần phải được cơ cấu lại.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc