Phũ phàng ra tay, Ukraine khiến Nga giận sôi

14:17, 18/07/2015
|

(VnMedia) - Chính quyền Kiev hôm qua (17/7) đã có hành động làm tổn thương Nga khi trục xuất đại diện hàng đầu của Moscow tại một khu vực có vai trò sống còn ở Biển Đen và là nơi đang được quản lý bởi cựu Tống thống thân phương Tây của Gruzia.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Ukraine (bên trái) và cựu Tổng thống Gruzia đang "bắt tay" tìm cách chống lại Nga?


Cơ quan An ninh Nhà nước Ukraine (SBU) cho biết, Kiev đã tuyên bố “không chấp nhận” Tổng Lãnh sự Nga tại khu vực Odessa với lý do ông này thực hiện các hành vi “không thích hợp” với nhiệm vụ ngoại giao của mình. Tuy nhiên, Kiev không nói rõ đó là những hành vi gì.
 
"Cơ quan an ninh sẽ tiếp tục tìm kiếm và xác minh những người nước ngoài đang tìm cách chống lại chính phủ của chúng tôi dưới vỏ bọc của hoạt động ngoại giao”, SBU cho biết trong một tuyên bố.
 
Cơ quan An ninh Nhà nước Ukraine còn nói thêm rằng, nhà ngoại giao Nga bị họ trục xuất - Valery Shibeko đã rời khỏi đất nước Ukraine.
 
Thành phố cảng miền nam thơ mộng Odessa năm ngoái từng rung chuyển bởi những cuộc đụng độ, giao tranh giữa lực lượng biểu tình thân Nga và những người ủng hộ chính quyền Kiev. Hơn 40 người đã thiệt mạng và làn sóng đụng độ này từng khiến nhiều người lo ngại sẽ vấp phải sự phản ứng bằng hành động quân sự từ Nga.
 
Hầu hết các nạn nhân là những người ủng hộ Moscow. Họ đã thiệt mạng trong tòa nhà chính quyền mà họ chiếm đóng khi tòa nhà này bốc cháy vì bị ném bom xăng bởi đám đông những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Ukraine. Vụ việc xảy ra hồi tháng 5 năm 2014, chỉ một tháng sau khi cuộc nội chiến đẫm máu giữa quân Kiev và lực lượng ly khai bùng lên. Cuộc chiến này cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của 6.500 người ở miền đông Ukraine.
 
Lo sợ cuộc xung đột lan rộng đã khiến Kiev phải tập trung khôi phục sự ổn định ở Odessa và những khu vực nằm trong quyền kiểm soát của họ ở phía tây của bán đảo Crimea.
 
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã khiến nhiều người choáng váng khi bổ nhiệm ông Mikheil Saakashvili – cựu Tổng thống Gruzia, vào vị trí người đứng đầu khu vực Odessa hồi tháng 5. Ông Saakashvili từng là người phát động cuộc chiến tranh ngắn ngủi với Nga năm 2008 và vẫn đang đối đầu với Moscow.
 
Không rõ liệu hành động trục xuất Tổng lãnh sự Nga tại Odessa có liên quan gì đến vị cựu Tổng thống Gruzia chống Nga mạnh mẽ Saakashvili hay không.
 
Tuy nhiên, Moscow đã nhanh chóng phản ứng một cách gay gắt.
 
"Đó là một bước đi thiếu thân thiện nhằm cố tình tạo ra mối quan hệ căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với Ukraine", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Grigory Karasin cho hãng tin Interfax biết.
 
Ông Karasin ám chỉ rất rõ rằng Moscow sẽ  trục xuất một nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine như một biện pháp đáp trả “phù hợp với thông lệ ngoại giao”.
 
Saakashvili “chĩa mũi tấn công” vào Putin
 
Uy tín của ông Saakashvili đã tăng cao ở Ukraine sau khi ông này trừng phạt và sa thải những quan chức an ninh và hải quan từ lâu bị nghi ngờ ăn hối lộ.
 
Tuy nhiên, cách tiếp cận không bị hạn chế, gò bó của ông này đang vượt xa ra khỏi Odessa và đang ngày càng hướng trực tiếp vào Moscow.
 
Sự thù địch công khai giữa ông Saakashvili và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã châm ngòi cho cuộc chiến kéo dài 5 ngày hồi năm 2008 và dẫn đến việc Gruzia bị mất quyền kiểm soát đối với hai khu vực ly khai là Nam Ossetia và Abkhazia. Cay đắng hơn, hai khu vực này đang ngả hoàn toàn về Nga.
 
Moscow hiện giờ đã chính thức thừa nhận hai khu vực Abkhazia và Nam Ossetia của Gruzia là những quốc gia độc lập. Quan điểm này được Nicaragua và Venezuela chia sẻ trong khi các nước phương Tây kịch liệt phản đối.
 
Thất bại thảm hại trên của cựu Tổng thống Saakashvili đã khiến ông này rời Gruzia sau khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2013. Ông Saakashvili sau đó gia nhập vào làn sóng biểu tình ủng hộ phương Tây lan rộng khắp thủ đô Kiev và dẫn đến cuộc lật đổ đẫm máu đối với bộ máy cầm quyền thâm Nga ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái.
 
Cựu Tổng thống Gruzia Saakashvili hôm qua cũng vừa tung ra thêm một “cú giáng” mới nhằm vào ông Putin bằng cách bổ nhiệm một trong những chính khách trẻ người Nga chống Moscow mạnh mẽ nhất vào vị trí “phó tướng” cho ông này ở Odessa.
 
Maria Gaidar là một sinh viên của trường đại học Havard và là con gái của “kiến trúc sư” tái cơ cấu nền kinh tế Nga thời hậu Xô viết - ông Yegor Gaidar.
 
Ông Saakashvili miêu tả Maria Gaidar "là một trong những lãnh đạo chính khách sáng láng nhất của Nga đang đấu tranh chống lại chính quyền của Tổng thống Putin”.
 
Về phần mình, Gaidar hứa sẽ giúp ông Saakashvili "tiến hành những cải cách thực sự”.
 
Moscow chưa đưa ra phản ứng chính thức gì về sự bổ nhiệm nói trên. Tuy nhiên, việc cựu Tổng thống Gruzia tiếp tục có những bước đi, động thái thể hiện sự chống đối mạnh mẽ và quyết liệt đối với Nga chắc chắn sẽ khiến Moscow không thể không tức giận.
 
Trước đó, chính quyền của Tổng thống Putin trong thời gian qua đã dần dần từng bước thiết lập liên minh ngày một chặt chẽ hơn với hai khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia của Gruzia.
 
Ukraine và Gruzia rõ ràng đều đang mải miết theo đuổi con đường hội nhập vào Liên minh Châu Âu. Đi trước một bước, nền dân chủ non nớt Gruzia vẫn đang “mấp mé ở cửa” mỏi mòn chờ EU chấp nhập cho vào. Và đến thời điểm này, Gruzia bắt đầu cảm thấy hoang mang, nghi ngờ về việc liệu EU có thực sự sẵn sàng chấp nhận để đón chào Gruzia làm thành viên. Thực tế này đã khiến nhiều người dân Gruzia bắt đầu lên tiếng kêu gọi đất nước quay trở lại vòng tay của Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc