Pháp đau đớn "dứt tình" với Nga

07:31, 31/07/2015
|

(VnMedia) - Các cuộc đàm phán giữa Nga và Pháp liên quan đến tương lai của hợp đồng Mistral đã kết thúc. Hợp đồng sẽ bị hủy bỏ trong tương lai gần, một quan chức Nga hôm qua (30/7) cho biết.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Paris và Moscow đã nhất trí chấm dứt hợp đồng tàu chiến Mistral. Hai bên đã thống nhất được với nhau về khoản tiền phạt mà Pháp sẽ phải trả cho Nga vì không bàn giao hai siêu tàu chiến lớp Mistral cũng như ngày giờ Pháp phải thanh toán khoản tiền phạt này. Đạt được các thỏa thuận trên, Nga và Pháp đã kết thúc những cuộc đàm phán đau đầu về số phận hợp đồng tàu chiến Mistral. Hợp đồng này sẽ bị phá bỏ trong thời gian rất sớm, ông Vladimir Kozhin – trợ lý của Tổng thống Nga về lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật, cho hay.
 
“Các cuộc đàm phán đã kết thúc. Mọi thứ đều đã được giải quyết – cả ngày giờ cũng như số tiền phạt. Tôi hy vọng thỏa thuận về hủy bỏ hợp đồng Mistral sẽ được ký kết trong thời gian sớm nhất. Sau đó, số tiền mà Pháp phải bồi thường cho Nga sẽ được thông báo chính thức”, ông Kozhin cho biết.
 
Trước đó có tin Nga và Pháp sẽ giải quyết vấn đề tiền phạt vi phạm hợp đồng trước ngày 10/7.
 
“Số tiền phạt mới chỉ được định trước vì quyết định liên quan đến vấn đề này vẫn chưa được chính phủ hai nước đưa ra”, một nguồn tin từ chính phủ Nga tiết lộ với hãng tin RIA Novosti.

Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào mùa thù năm nay. Hợp đồng vũ khí “khủng” này đem đến rất nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội cho Pháp trong bối cảnh nền kinh tế của cường quốc Châu Âu này đang trì trệ. Không chỉ nhận được khoản tiền lớn từ việc bán hai chiếc siêu tàu chiến hiện đại, Pháp còn tạo được hàng nghìn công ăn việc làm cho người dân từ việc ký hợp đồng với Nga.
 
Tuy nhiên, Pháp đã chịu sức ép chính trị rất lớn từ Mỹ và các đồng minh Châu Âu thân thiết nhất sau khi xảy ra tình trạng thù địch ở Đông Âu vì cuộc đảo chính ở Kiev năm 2014 và tiếp đó là quyết định sáp nhập Crimea đầy bất ngờ của Nga.
 
Hồi tháng 5, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã bày tỏ sự quan ngại về hợp đồng Mistral giữa Nga và Pháp sau khi giới nghị sĩ Mỹ gây sức ép đòi Pháp phải hủy bỏ hợp đồng này. “Chúng tôi thường xuyên và liên tục bày tỏ quan ngại về hợp đồng đó, thậm chí kể cả trước khi chúng ta chứng kiến những hành động mới nhất của Nga, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó”, bà Nuland đã nói như vậy với Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ.
 
Ngay tháng sau đó, Tổng thống Barack Obama nói thẳng rằng, “sẽ là thích hợp hơn để nhấn nút ngừng” hợp đồng.
 
Rõ ràng, chính quyền Paris đã phải chịu áp lực rất lớn từ các đồng minh, đặc biệt là Mỹ để buộc phải ra quyết định trì hoãn việc bàn giao hai chiếc tàu lớp Mistral với cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine.
 
Quyết định của Paris đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của rất nhiều công nhân đóng tàu cũng như giới chuyên gia, phân tích.
 
Pháp thua thiệt đến mức nào?
 
Việc quyết định hủy bỏ hợp đồng tàu chiến Mistral với Nga đã khiến Pháp bị đẩy vào tình huống thua thiệt mạng nề. Paris không chỉ phải trả giá về mặt kinh tế, tài chính mà còn bị mất thể diện, uy tín vì hành động này, tờ Le Point của Pháp nhận định.
 
Tạp chí chuyên về chính trị và tin tức Le Point đã đưa ra hai kịch bản: giao tàu chiến và không giao tàu chiến. Cả hai kịch bản này đều có những ảnh hưởng đến chính quyền của Tổng thống François Hollande và nền công nghiệp quốc phòng Pháp.
 
Paris có thể lựa chọn cond dường thực hiện cam kết và bàn giao tàu chiến đã được đóng và được thử nghiệm cho Nga. Đây là điều mà Paris có nghĩa vụ phải làm theo hợp đồng tàu chiến trị giá gần 1,3 tỉ USD. Moscow đã hoàn tất các nghĩa vụ của họ theo hợp đồng và đã thanh toán tiền trước.
 
Nếu Tổng thống Hollande quyết định bàn giao hai tàu Mistral, quan hệ giữa Pháp với NATO và Ukraine sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, tờ Le Point phân tích. Điều này có thể dẫn đến tình trạng sụt giảm mạnh các đơn đặt hàng vũ khí Pháp từ những nước chống lại Nga.
 
Còn nếu Pháp hủy bỏ hợp đồng với Nga, nước này sẽ phải trả khoản tiền 860 triệu USD mà Moscow đã thanh toán trước cho hợp đồng. Không những thế, Pháp còn phải trả một khoản tiền phạt, tiền bồi thường cho việc Nga phải mua thiết bị và huấn luyện thủy thủ cho tàu Mistral. Tổng số tiền Pháp mất trong kịch bản này ước tính vượt quá con số 1,1 tỉ USD, tạp chí của Pháp đã tính toán như vậy.
 
Trước đó, hồi đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian thừa nhận, việc hủy bỏ hợp đồng với Nga sẽ khiến Paris mất khoảng tiền lên tới 1,3 tỉ USD.
 
Không kể đến số tiền bị mất, mối quan hệ giữa Moscow và Paris sẽ bị tổn thương. Pháp cũng sẽ phải nói lời từ biệt với tham vọng trở thành một nhà xuất khẩu vũ khí đáng tin cậy nếu hợp đồng Mistral bị phá vỡ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc