Nga “tím mặt” vì đòn khiêu khích của Mỹ

10:01, 14/07/2015
|

(VnMedia) - Vụ thử bom hạt nhân В61-12 mới đây của Mỹ đã xác nhận kế hoạch của Washington trong việc duy trì vũ khí hạt nhân ở Châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc vũ khí hạt nhân của Mỹ có thể vươn tới lãnh thổ của Nga, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov hôm qua (13/7) cho biết.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Ông Antonov đã chỉ trích gay gắt vụ thử bom hạt nhân của Mỹ, miêu tả đó là hành động “vô trách nhiệm” và là sự “khiêu khích công khai” nhằm vào Nga.
 
"Hoá ra là dưới vỏ bọc của một mối đe doạ hư cấu mang tên Nga, Mỹ không chỉ tăng cường năng lực và hoạt động quân sự của các nước thành viên NATO mà còn đang củng cố tiềm lực hạt nhân”, Thứ trưởng Quốc phòng Nga cho hay.
 
"Hành động của phía Mỹ trong tình hình hiện nay là sự khiêu khích công khai và đi ngược lại hoàn toàn với những mong muốn được Washington tuyên bố về một sự giải giáp vũ khí hạt nhân hoàn toàn", ông Antonov đã nói như vậy với các phóng viên.
 
Theo lời ông Antonov, Bộ Quốc phòng Nga không thể bác bỏ khả năng Mỹ thử bom hạt nhân để kiểm tra khả năng sử dụng loại vũ khí này của các máy bay ném bom hạt nhân của NATO ở Châu Âu.
 
“Bom hạt nhân vừa được thử nghiệm là một loại thiết bị có thể sử dụng cho hai mục đích. Nó có thể là một nhân tố trong vũ khí tấn công chiến lược khi được phóng đi bởi các máy bay ném bom hạng nặng. Bom hạt nhân còn có thể là một nhân tố trong vũ khí hạt nhân phi chiến lược khi nó được sử dụng bởi máy bay chiến thuật”, vị quan chức quốc phòng cấp cao của Nga cho biết.
 
“Đặc điểm đặc biệt của vụ thử bom hạt nhân là thực tế chiếc máy bay ném bom kiêm chiến đấu cơ F-15E đã đươc sử dụng để mang vũ khí hạt nhân. Điều này khiến người ta có lý do để tin rằng, vụ thử hạt nhân của Mỹ được tiến hành nhằm kiểm tra, thử thách khả năng sử dụng bom hạt nhân B61-12 của máy bay ném bom kiêm chiến đấu cơ đang được triển khai tại Châu Âu”, ông Antonov nói thêm.
 
Thứ trưởng Quốc phòng Nga nhấn mạnh, vụ thử bom hạt nhân mới nói trên là bằng chứng cho thấy Mỹ vẫn không chịu từ bỏ việc đưa các nước thành viên NATO không có vũ khí hạt nhân vào các nhiệm vụ hạt nhân chung. Đây là điều đi ngược lại hoàn toàn với Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân.
 
Lực lượng Không quân Mỹ và Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ đã tiến hành thử nghiệm bom hạt nhân được nâng cấp B61-12 tại Khu thử Tonopah ở Nevada hôm 1/7. Một phiên bản an toàn của thiết bị này đã được đưa vào thử nghiệm khi nó không chứa đầu đạn hạt nhân.
 
Động thái của Mỹ là một phần trong kế hoạch nhằm kéo dài thời gian sử dụng loại bom hạt nhân B61-12 – thứ vũ khí được đưa vào sử dụng từ những năm 1960.
 
Quân đội Mỹ có kế hoạch tiến hành thêm hai vụ thử bom hạt nhân nữa trước cuối năm nay.
 
Moscow và Washington trong thời gian qua đã liên tục cáo buộc nhau vi phạm những thoả thuận hạt nhân then chốt.
 
Hồi tháng 6, người đứng đầu Cơ quan An ninh Nga - ông Nikolay Patrushev tố cáo rằng, việc NATO tăng cường sự hiện diện và hoạt động quân sự ở Đông ÂU đã chứng tỏ lá chắn tên lửa mà Mỹ muốn dựng lên ở Châu Âu thực chất là nhằm vào Nga và Trung Quốc.
 
“Washington khăng khăng cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của họ được dựng lên để làm vũ khí răn đe Iran nhưng hiện tại các cường quốc thế giới đang đàm phán với Iran. Như vậy, theo logic, kế hoạch thiết lập hệ thống lá chắn tên lửa nên được huỷ bỏ. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra”, ông Patrushev cho biết trong một hội nghị thượng đỉnh an ninh quốc tế ở Ulan-Ude.
 
Đến lượt mình, Mỹ đổ lỗi cho Nga về những vụ vi phạm Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), nói rằng Nga có một tên lửa hành trình (có thể được triển khai trên bệ phóng Iskander) có tầm bắn trên 500km.
 
Tuy nhiên, hồi tuần trước, Thứ trưởng Quốc phòng Antonov đã thẳng thừng lên tiếng tố cáo, Washington đang cố làm ầm lên về những cáo buộc Nga vi phạm thoả thuận hạt nhân để che giấu kế hoạch của riêng họ trong việc dàn một loạt tên lửa ở Châu Âu.
 
Tổng thống Barack Obama bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên trên cương vị lãnh đạo nước Mỹ với chính sách “Không hạt nhân” với mục đích là để loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân ra khỏi thế giới.
 
Năm 2010, chính quyền của ông Obama đã ký được một thoả thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân mới giữa Nga và Mỹ mang tên Hiệp ước START mới. Hiệp ước này nhằm mục đích cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của cả hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới xuống 2.000 vũ khí hạt nhân được triển khai cho đến năm 2018.
 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hiệp ước, Nga và Mỹ vẫn còn nhiều mắc mớ chưa giải quyết được. Hơn nữa, giữa Nga và Mỹ đang có một cuộc đối đầu quyết liệt chưa từng có kể từ thời Chiến tranh Lạnh vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trong bối cảnh này, hai nước có xu hướng tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự, trong đó có vũ khí hạt nhân. Gần đây, Moscow và Washington bắt đầu có những động thái phô trương sức mạnh hạt nhân, khiến thế giới không khỏi lo ngại.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc