Mỹ theo đuổi “chiến lược nguy hiểm và thua cuộc” với Nga

06:16, 08/07/2015
|

(VnMedia) - Những quan chức diều hâu của Mỹ muốn thiết lập một chính sách đối với Nga dựa trên việc tăng cường sức ép quân sự và kinh tế kèm theo những lời đe dọa, cảnh báo sắc lạnh. Chủ tịch Danh dự của Hội đồng Đối ngoại Mỹ Leslie H. Gelb đã gọi đây là một “chiến lược nguy hiểm và thua cuộc”.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga cùng với những động thái tăng cường, củng cố sức mạnh quân sự của NATO “chỉ đem đến sự cứng rắn và quyết không khoan nhượng của Nga. Đó là câu chuyện đang diễn ra trong suốt 2 năm qua”, ông Gelb đã thẳng thắn chỉ ra như vậy trong một bài báo có nhan đề Chiến lược thu cuộc của Mỹ đối với Nga.
 
Rõ ràng, phương pháp tiếp cận mà phương Tây đang áp dụng với Nga không có hiệu quả. Moscow từ lâu đã miêu tả những biện pháp trừng phạt là những “đòn đánh” gây phản tác dụng. Thực tế này đã được nhiều nước Châu Âu thừa nhận và lên tiếng trong thời gian qua. Moscow cũng lên án gay gắt sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của phương Tây ở biên giới nước này, gây nguy hiểm đến an ninh và hòa bình Châu Âu.
 
Những thành phần cứng rắn ở Mỹ còn lâu mới chịu thừa nhận thực tế trên, ông Gelb tin là như vậy. Cũng theo ông Gelb, các chính khác diều hâu ở Mỹ còn không chịu thừa nhận rằng, “Nga có ưu thế quân sự hơn ở biên giới nước này với các nước Baltic và Ukraine. Không có gì mà Mỹ hay các đối tác Châu Âu có thể làm (hoặc có thể cố gắng làm) mà thay đổi được thực tế này. Điều đó có nghĩa dù NATO có đưa ra bất kỳ động thái quân sự nào trong khu vực, ở quy mô nhỏ hay lớn, thì ông Putin đều có thể thắng thế”.
 
Tuy nhiên, giới diều hâu ở Mỹ không muốn làm leo thang căng thẳng đến mức châm ngòi cho một cuộc chiến tranh toàn diện. Như vậy, vẫn còn có chỗ cho những hoạt động ngoại giao thực thụ.
 
Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi giới lãnh đạo Mỹ thực thi một chiến lược ngoại giao mới mà ông gọi là Hòa dịu + (Détente Plus). Phương pháp tiếp cận này là nhằm mục đích thăm dò xem liệu Nga có sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong việc giải quyết những thách thức ở Châu Âu cũng như trên thế giới trên cơ sở chia sẻ lợi ích chung.
 
Chiến lược Détente Plus cũng tính đến việc “Nga có các lợi ích hợp pháp mà các nước khác không thể phớt lờ, bỏ qua và rằng Nga vẫn là một cường quốc lớn ở nhiều khu vực của thế giới, nếu không nói là một siêu cường", ông Gelb nhấn mạnh.
 
Những yếu tố then chốt của phương pháp tiếp cận mới bao gồm việc duy trì các biện pháp trừng phạt và tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự của NATO cũng như “duy trì  đường dây cung cấp vũ khí phi sát thương bí mật cho Ukraine". Những bước đi này phản ánh chính sách hiện thời của Mỹ mà ông Gelb gọi là chiến lược thua cuộc.
 
Tuy nhiên, chiến lược Détente Plus không chỉ dừng lại ở đó. Nó còn tập trung vào việc “hợp tác với Moscow trong các dự án đầu tư, thương mại và kinh tế chung trong khi chấm dứt các nỗ lực của Châu Âu nằm xé nền kinh tế Ukraine ra khỏi Nga để nhập vào Châu Âu; tăng cường nỗ lực hợp tác với Moscow trong vấn đề Syria và Iraq cũng như chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hạt nhân (trong đó có các cuộc đàm phán hạt nhân Iran)", ông Gelb giải thích.
 
Mặc dù chiến lược Détente Plus cho thấy một phương pháp tiếp cận cân bằng hơn của Mỹ đối với Nga nhưng nền tảng của nó thực chất vẫn tuân theo tôn chỉ mà Mỹ đang dùng hiện nay, đó là Moscow là mối đe dọa đối với các nước láng giềng và đang can thiệp vào tình hình Ukraine.
 
Giới lãnh đạo Nga trong khi đó vẫn đang nỗ lực hết sức để đảm bảo nền hòa bình lâu dài cho nước láng giềng Ukraine trong khuôn khổ các thỏa thuận Minsk mà Kiev ký kết với lực lượng ly khai miền đông Ukraine dưới sự làm trung gian của Moscow, Berlin và Paris. Thỏa thuận Minsk đạt được hồi tháng 2 được xem là cách duy nhất để giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn một nay ở Ukraine, cướp đi sinh mạng của hơn 6.400 người.
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay đang chứng kiến một cuộc đối đầu Đông -Tây căng thẳng và quyết liệt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
 
Mỹ cùng với các đồng minh Châu Âu liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên cũng như bất chấp việc phương Tây chẳng thể đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào chứng minh cho các cáo buộc của họ, các cường quốc Châu Âu dưới sự dẫn dắt của Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Nga cũng đáp trả bằng việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ những nước áp đặt đòn trừng phạt nhằm vào họ.
 
Cuộc với “cuộc chiến” trên mặt trận kinh tế, Mỹ và phương Tây còn tìm cách bao vây, dồn ép và cô lập Nga trên mặt trận chính trị, ngoại giao và quân sự.
 
Moscow đã tung đòn đáp trả cả về kinh tế lẫn quân sự. Trên mặt trận kinh tế, Nga thực hiện lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ những nước đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Về quân sự, việc NATO tăng cường sự hiện diện ở Đông Âu và Baltics buộc Moscow phải củng cố năng lực, sức mạnh quân sự của nước này.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc