Mỹ nhượng bộ trước "kẻ thù không đội trời chung"

15:23, 14/07/2015
|

(VnMedia) - Iran và 6 cường quốc hàng đầu thế giới cuối cùng đã đạt được một thoả thuận về chương trình hạt nhân của nước Cộng hoà Hồi giáo, một nhà ngoại giao Iran vừa tiết lộ. Đây là thoả thuận mang tính lịch sử bởi nó đã giúp giải toả mối quan hệ thù địch kéo dài hơn một thập kỷ qua giữa Iran với phương Tây. Thoả thuận đột phá này đạt được nhờ một phần vào sự nhượng bộ, thoả hiệp của hai "kẻ thù từng không đội trời chung" là Mỹ và Iran.
 

Ảnh minh họa

Đàm phán hạt nhân Iran đã kết thúc với một thoả thuận mang tính lịch sử


"Tất cả những nỗ lực cực nhọc đã được đền đáp và chúng tôi đã ký được một thoả thuận. Thánh Allah phù hộ cho người dân của chúng tôi”, nhà ngoại giao Iran giấu tên đã nói như vậy.
 
Bước đột phá lịch sử nói trên cũng đã được xác nhận bởi một nhà ngoại giao Châu Âu. Vị quan chức ngoại giao này cho hãng tin Itar Tass biết, thoả thuận hạt nhân giữa Iran với 6 cường quốc sẽ “sớm” được thông báo. Ngoại trưởng của 7 nước tham gia tiến trình đàm phán hạt nhân dự kiến sẽ có cuộc họp tại trung tâm của Liên Hợp Quốc ở Vienna vào lúc 08h30 GMT (tức 15h30 theo giờ Hà Nội). Sau cuộc họp này sẽ diễn ra một cuộc họp với báo giới, một nữ phát ngôn viên của Liên minh Châu Âu (EU) cho hay.
 
Iran và 6 cường quốc đã đạt được thoả thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt trong ngày hôm nay (14/7) sau khi các bên đã xoá bỏ được những rào cản cuối cùng. Một nhà ngoại giao cấp cao cho biết, để ký kết được thoả thuận được chờ đợi bao lâu nay, cả Washington và Tehran đều phải có những bước nhượng bộ, thoả hiệp, trong đó có việc Iran cho phép các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc đến thanh tra các cơ sở quân sự của Nhà nước Hồi giáo như một phần trong nhiệm vụ giám sát của họ.
 
Tuy nhiên, Iran không nhất thiết phải cho phép các thanh sát viên Liên Hợp Quốc được tiếp cận vào bất kỳ thời điểm nào đối với bất kỳ địa điểm quân sự nào. Thậm chí nếu có cho phép, Iran cũng có thể trì hoãn. Đây là một điều kiện mà những người phản đối, chỉ trích thoả thuận chắc chắn sẽ nắm lấy để khai thác bởi theo họ, điều đó sẽ cho phép Tehran có thời gian để che giấu các hoạt động không tuân thủ theo cam kết của họ.
 
Theo thoả thuận vừa ký kết, Tehran sẽ có quyền thách thức yêu cầu của Liên Hợp Quốc và một hội đồng trọng tài bao gồm Iran và 6 cường quốc tham gia đàm phán hạt nhân sẽ có quyền quyết định vấn đề.
 
Tuy nhiên, một sự sắp xếp như trên cũng là bước thay đổi đáng chú ý so với những lời khẳng định chắc nịch trước đây của giới chức hàng đầu Iran về việc nước họ sẽ không bao giờ cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc được tiếp cận với các cơ sở quân sự, hạt nhân. Tehran từng đưa ra lập luận rằng, những chuyến thăm như vậy của IAEA sẽ là một vỏ bọc cho hoạt động do thám các bí mật quân sự của nước này.
 
Trong khi vấn đề tiếp cận cơ sở quân sự của Iran là một phần chính trong hoạt động giám sát được đưa ra để theo dõi nỗ lực cắt giảm các hoạt động hạt nhân của Tehran, thì có một điều khác cũng quan trọng đối với IAEA là cơ quan này cần phải kích hoạt lại những nỗ lực điều tra bị trì hoãn bao lâu nay, nhằm tìm hiểu về cáo buộc cho rằng Iran đang chế tạo vũ khí hạt nhân. Washington nhấn mạnh, Tehran phải hợp tác trong cuộc điều tra của IAEA như một phần của thoả thuận toàn diện, trước khi tất cả các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran được dỡ bỏ.
 
Người Iran luôn khăng khăng khẳng định, họ chưa bao giờ bắt tay vào việc chế tạo, phát triển vũ khí hạt nhân và từ chối mọi yêu cầu của IAEA về việc đến thăm các cơ sở nơi cơ quan này nghi ngờ có chứa các hoạt động chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran. Trong số những cơ sở này có tổ hợp quân sự Parchin gần thủ đô Tehran. IAEA tin rằng, đây là nơi đã diễn ra các vụ thử nghiệm chất nổ hạt nhân.
 
Việc Iran chấp nhận về nguyên tắc khả năng tiếp cận các cơ sở quân sự của nước này sẽ cho phép IAEA có thẩm quyền nhiều hơn trong nỗ lực thanh tra, giám sát hoạt động hạt nhân của Nhà nước Hồi giáo. Đồng thời những yêu cầu của IAEA từng bị Tehran bác bỏ trước đó về việc thẩm vấn các nhà khoa học bị tình nghi liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân cũng sẽ được đáp ứng.
 
Ngay sau khi thoả thuận hạt nhân chính thức được thông báo, nó sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh cãi kéo dài 12 năm giữa Iran với các cường quốc phương Tây về chương trình hạt nhân của nước Cộng hoà Hồi giáo, cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế có liên quan. Ngoại trưởng và các quan chức đến từ Iran, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc đã có mặt tại Vienna trong nỗ lực để ký được thoả thuận lâu dài về chương trình hạt nhân của Iran. Trong tiến trình diễn ra các cuộc đàm phán kéo dài suốt 2 tuần qua, đã có 2 lần các bên phải hoãn lại hạn định mà họ đưa ra.
 
Bất kỳ thoả thuận nào cũng sẽ đều phải được trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được cho là sẽ thông qua thoả thuận nói trên vào cuối tháng này, và sau đó sẽ là sự khởi đầu cho các cơ chế thực hiện thoả thuận. Đó sẽ là những biện  pháp hạn chế lâu dài và có sự kiểm tra đối với chương trình hạt nhân của Iran.
 
Thoả thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và 6 cường quốc đạt được sau khi hồi tháng 4 vừa rồi, tiến trình đàm phán hạt nhân đạt được một thoả thuận khung, theo đó Iran chấp nhận giảm các hoạt động làm giàu uranium và giảm số lượng máy ly tâm để đổi lấy việc các cường quốc dỡ bỏ dần những biện pháp trừng phạt kinh tế đang được áp đặt lên Nhà nước Hồi giáo.
 
Liên quan đến lệnh cấm vận vũ khí, thoả thuận hạt nhân đã nói rõ, lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Iran sẽ tiếp tục được duy trì trong vòng 5 năm nữa. Lệnh cấm vận về tên lửa của Mỹ đối với Iran vẫn được giữ nguyên thêm 8 năm nữa. Về vấn đề tuân thủ thoả thuận, các biện pháp trừng phạt có thể được áp đặt trở lại Iran trong vòng 65 ngày nếu nước này có hành động vi phạm thoả thuận.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc