Mỹ dùng "ván bài quân sự" chuộc lỗi với đồng minh?

17:10, 20/07/2015
|

(VnMedia) - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một trong những người bày tỏ sự phản đối kịch liệt nhất đối với thỏa thuận hạt nhân của Iran. Bởi vậy, để xoa dịu những quan ngại của ông, một cựu cố vấn cao cấp của Tổng thống Barack Obama đã đề xuất cung cấp cho Israel loại máy bay ném bom B-52 để nước này đối phó với các mối đe dọa hạt nhân tiềm tàng từ Iran.
 
Sau khi Iran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã không ngần ngại bày tỏ thái độ phản đối kịch liệt của mình. Ông nói với hãng tin NBS rằng: "Chúng tôi cho rằng đây không chỉ là một mối đe dọa đối với chúng tôi. Iran đã giết nhiều người Mỹ hơn cả al Qaeda”.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, giữa lúc Israel đang "sục sôi" như vậy, đã xuất hiện một tín hiệu "xoa dịu" đầu tiên của chính quyền Obama đối với đồng minh lâu năm của mình khi Đại sứ Dennis Ross, một cựu cố vấn cao cấp của Tổng thống Obama về vấn đề Iran, đã ủng hộ đề xuất cung cấp cho Israel các vũ khí quân sự có khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
 
"Để có một lựa chọn quân sự đáng tin cậy, việc nói tất cả các lựa chọn luôn được đặt trên bàn là không đủ mà chúng ta phải cứng rắn hơn nhiều", ông tuyên bố hôm 16/7.
 
Sự "cứng rắn" mà ông đề cập ở đây chính là máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress cùng với những quả bom xuyên GBU-57 có trọng lượng lên đến 30.000 pound (tương đương khoảng 13.600kg).
 
Ông cho rằng: “Răn đe là vấn đề rất quan trọng trong khi thực hiện thỏa thuận hạt nhân với Iran, vì thỏa thuận này có hiệu lực trong 15 năm, sau đó Iran nghiễm nhiên trở thành một quốc gia hạt nhân. Do đó, trước kh đến hạn 15 năm, Israel cần phải có khả năng này trước thời điểm đó (khả năng phòng thủ trước hiểm họa hạt nhân của Iran)”.
 
Cùng với đó, theo cựu cố vấn Ross, phi công Israel có thể được huấn luyện tại Mỹ. Thậm chí nếu một thỏa thuận như vậy được thực thi, Israel cũng sẽ phải nâng cấp các đường băng quân sự của mình, bởi hiện nước này không có đường băng  nào có thể chứa được một loại máy bay lớn như vậy. 
 
Theo Thiếu tướng Giora Romm, cựu phó tư lệnh không quân Israel thì hiện Israel không có đủ cơ sở hạ tầng để vận hành máy bay ném bom B-52.
 
Ngoài ra, một số ý kiến khác còn cho rằng, việc nâng cấp sẽ rất tốn kém cho chính phủ Israel, và việc triển khai máy bay ném bom B-52 không chỉ là một động thái khiêu khích không cần thiết mà còn là một hành động không thiết thực.
 
Trong khi đó, Thiếu tướng đã nghỉ hưu của Không lực Israel – ông Eitan Ben-Eliahu nói với báo giới rằng: “Tôi có thể hiệu lý do Mỹ muốn trang bị khả năng chiến đấu tầm xa cho chúng tôi.Nhưng điều này cần phải được nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng. Tại sao lại phải sử dụng một thứ gây hấn như một máy bay ném bom?”
 
Trước đó, hôm 14/7, Iran và nhóm P5+1 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran sau nhiều năm dài “đấi trí”. Theo thỏa thuận, các lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và Liên Hợp Quốc áp đặt sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Iran phải đồng ý hạn chế dài hạn chương trình hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm chế tạo bom hạt nhân.
 
Tuy nhiên, cũng theo thỏa thuận, một số lệnh trừng phạt có thể được áp đặt lại trong 65 ngày nếu Iran vi phạm. Lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc vẫn tiếp tục duy trì trong 5 năm, lệnh cấm mua công nghệ tên lửa còn hiệu lực trong 8 năm.
 
B-52 là loại máy bay ném bom phản lực hạng nặng do hãng Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc để làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh toàn cầu.
 
Hai nguyên mẫu đầu tiên của dòng máy bay này được thử nghiệm lần đầu năm 1952. Sau đó, qua 8 lần cải tiến, Mỹ sản xuất tổng cộng 744 chiếc B-52 và đến nay, B-52 vẫn nằm trong lực lượng máy bay ném bom chiến lược Mỹ.
 
Máy bay ném bom B-52 có khả năng mang lượng vũ khí có trọng tải lên tới 18 - 30 tấn bom. 
 
Cho đến nay, B-52 vẫn là vũ khí chiến lược và được trang bị tên lửa hành trình loại AGM-86B để tiến công từ xa với cự ly 2.500 km. Ngoài ra,  B-52 còn có thể mang 12-20 tên lửa hành trình ALCM hoặc 8 tên lửa hành trình ACM (tàng hình), 4 pháo 20 mm hoặc một pháo 20 mm 6 nòng. 
 
Máy bay B-52 được trang bị thiết bị tác chiến điện tử và 12-16 máy gây nhiễu tích cực. B-52 còn được trang bị tên lửa chống ra đa, 21 bộ thiết bị phóng nhiễu tiêu cực, 12 bộ thiết bị gây nhiễu hồng ngoại, hệ thống quan sát vô tuyến truyền hình, quan sát hồng ngoại, hệ thống dẫn đường từ vệ tinh, hệ thống quan sát quang điện tử, ra đa cảnh giới, máy tính điện tử...
 
Đặc điểm ưu việt của B-52 là có thể bay liên tục 9 giờ không cần tiếp dầu. Nếu được tiếp dầu, B-52 có thể bay xa hơn, có thể vượt chặng đường 18.000 - 20.000 km.
 
Máy bay ném bom B-52 được mệnh danh là thứ vũ khí linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ: tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược. 


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc