Đẩy Nga ra xa, phương Tây tự "cắt họng" mình

20:31, 16/07/2015
|

(VnMedia) - Mỹ và Châu Âu đang hành động một cách thiển cận, khiêu khích để khiến Nga quay sang những nước đang phát triển nhanh chóng, trong đó có nhóm nước BRICS và tổ chức SCO. Đây là hành động "tự cắt họng mình", tạp chí Die Zeit của Đức mới đây đã nhận định như vậy.

 

Ảnh minh họa

Hội nghị thượng đỉnh SCO


Việc Nga tăng cường mối quan hệ đối tác với Trung Quốc và các nước mới nổi có thể dẫn đến sự hình thành một trật tự thế giới mới – một thế giới mà ở đó sẽ không có chỗ cho sự thống trị của Mỹ và Châu Âu, tờ báo của Đức thẳng thắn cho biết.

 

Những hội nghị thượng đỉnh gần đây của Nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi - BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra ở thành phố Ufa của Nga đã báo hiệu sự khởi đầu của một tiến trình như vậy.

 

Dự án BRICS thường nhận được sự mỉa mai của các nước phương Tây. Nền kinh tế Nga đang trong giai đoạn khủng hoảng, Trung Quốc đang trải qua sóng gió trên thị trường chứng khoán trong khi Brazil không thể đối mặt với những vấn đề kinh tế của riêng mình. Hoạt động kinh tế của các nước BRICS cực kỳ khác nhau: Ví dụ như nền kinh tế của Trung Quốc lớn hơn gấp 28 lần so với nền kinh tế Nam Phi. Hơn nữa những nước này chưa có được một hệ thống giá trị thống nhất.

 

Tuy nhiên, tất cả những điểm yếu trên không có nghĩa là phương Tây bỏ qua, không xem xét một cách nghiêm túc sự nổ lên của một trung tâm địa chính trị quyền lực mới, tạp chí Die Zeit cho hay.

 

Theo tờ báo của Đức, liên minh lâu dài giữa Nga, Trung Quốc và các nước thuộc “thế giới thứ ba” khác có thể gây ảnh hưởng đến trật tự thế giới đang tồn tại hiện nay và sẽ dẫn tới một sự chuyển đổi quyền lực rất lớn.

 

Các nước thuộc nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chiếm đến 42% dân số thế giới, 27% GDP thế giới và 17% thương mại toàn cầu. Kể từ năm 2000, các nước nói trên đã trải qua sự phát triển mạnh mẽ và đang tìm cách kết hợp sức mạnh và ảnh hưởng chính trị của họ lại với nhau để tăng cường ảnh hưởng trên trường quốc tế cũng như để làm thay đổi vị thế chính trị thống trị của các nước phương Tây hiện nay.

 

Những phân tích trên của tờ báo Đức là mới nhất trong một loạt những tiếng nói của giới chính khách, chuyên gia và báo chí nhằm phản đối gay gắt chính sách trừng phạt mà phương Tây đang áp dụng đối với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

 

Mối quan hệ giữa Nga với phương Tây đã xấu đi nghiêm trọng kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên. Mỹ cùng với Liên minh Châu Âu luôn đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng và vì thế, họ đã liên tiếp tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

 

Trong quá trình áp dụng chính sách trừng phạt Nga và hứng chịu đòn “phản công” từ Nga, các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) cảm nhận rõ hậu quả mà họ phải gánh lấy trên con đường đối đầu với một quốc gia vốn là đối tác thương mại và năng lượng hàng đầu của họ. Điều đáng nói là trong khi nhiều nước EU lao đao vì chính sách trừng phạt thì nhìn sang phía Mỹ - nước dẫn dắt EU trong chiến dịch gây sức ép với Nga thì dường như lại không bị hề hấn gi. Thậm chí, Mỹ được cho là còn được hưởng lợi.

 

Chính vì thực tế trên, trong suốt nhiều tháng qua, nhiều nước thành viên EU liên tục lên tiếng đòi từ bỏ chính sách trừng phạt đối với Nga. Không ít quan chức và các chính khách EU liên tiếp tung ra những lời chỉ trích, lên án và cả cảnh báo về những đòn trừng phạt Nga đang gây hậu quả “gây ông đập lưng ông” lên các nước thành viên Châu Âu. Những tiếng nói phản đối các đòn trừng phạt nhằm vào Nga đang ngày càng mạnh lên.

 

Chủ tịch Cuba Raul Castro lên tiếng về chính sách trừng phạt Nga

 

Không chỉ trong nội bộ các nước EU, những nước bên ngoài cũng lên tiếng chỉ trích chính sách trừng phạt Nga của phương Tây.

 

Mới đây nhất, ngày hôm qua (15/7), Nhà lãnh đạo Cuba đã lên tiếng chỉ trích phương Tây về chính sách trừng phạt Nga, cảnh báo rằng chính sách đó chỉ làm tăng thêm sự bất ổn và gây hại cho chính Châu Âu.

 

"Những đòn trừng phạt được áp đặt lên Nga sẽ gây hại cho Châu Âu, làm gia tăng sự bất ổn và mang đến những mối đe dọa mới”, Chủ tịch Castro cho biết trong một phiên họp Quốc hội của Cuba .

 

Nhà lãnh đạo Cuba cũng không ngần ngại chỉ trích gay gắt nỗ lực của NATO nhằm tiến ngày một sát đến biên giới Nga. Ông miêu tả đây là một mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh quốc tế.

 

Hồi tháng 6, trong hội nghị thượng đỉnh EU-CELAC lần thứ hai, chính phủ Cuba cũng chính thức lên tiếng phản đối công khai chính sách trừng phạt Nga của phương Tây.

 

Trước Cuba, Trung Quốc cũng nhiều lần lên tiếng bênh vực Nga, phản đối việc Mỹ và phương Tây tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào Moscow.

 

Về phần mình, Nga tỏ rõ thái độ thách thức trước những biện pháp trừng phạt của phương Tây, kiên quyết giữ lập trường của mình trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Sự cứng rắn của Moscow khiến phương Tây bắt đầu có dấu hiệu chùn bước. Thay vì tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga như lời kêu gọi của một số thành phần cứng rắn, EU mới đây chỉ đưa ra quyết định kéo dài thời hạn áp dụng chính sách trừng phạt Nga thêm 6 tháng. Moscow đã tung ra đòn đáp trả gấp đôi khi tuyên bố kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp trừng phạt lên các đối thủ thêm 1 năm.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc