Dám chọc gấu Nga, NATO “ăn đòn thảm khốc”?

12:08, 29/07/2015
|

(VnMedia) - Việc NATO mở rộng sang Ukraine và Gruzia sẽ phải đối mặt với “những hậu quả thảm khốc”. Lời cảnh báo ớn lạnh này vừa được Đại sứ Nga tại NATO đưa ra trong một bài trả lời phỏng vấn trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và phương Tây đang tụt giảm thê thảm, xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


"Bất kỳ trò chơi chính trị nào liên quan đến việc mở rộng, bành trướng NATO sang cả Gruzia và UKraine đều sẽ chứa đầy những hậu quả địa chính trị nghiêm trọng nhất, sâu sắc nhất và toàn diện nhất đối với toàn bộ Châu Âu”, Đại sứ thường thực của Nga tại NATO – ông Alexander Grushko hôm qua (28/7) đã phát biểu như vậy trên kênh truyền hình LifeNews.
 
"Tôi hy vọng mọi người ở Brussels và các thủ đô khác hiểu đầy đủ nguy cơ của trò chơi này, nguy cơ của những lá bài mà một số lực lượng vẫn đang cố tìm cách chơi. Điều này sẽ gây ra những hậu quả thực sự thảm khốc", Đại sứ Grushko nhấn mạnh.
 
Ông Grushko nói thêm rằng, sự bành trướng của NATO sẽ gây ra hậu quả thê thảm cho cả Ukraine - nơi đang diễn ra cuộc xung đột giữa quân đội Kiev và lực lượng ly khai miền đông.
 
Viễn cảnh về việc Ukraine có thể gia nhập NATO sẽ gây ra sự chỉ cắt không chỉ đối với Châu Âu mà cả với xã hội Ukraine. Từ đó, nó sẽ làm thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng trong quan hệ quốc tế, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
 
"Vai trò của NATO trong cuộc khủng hoảng Ukraine là rất tiêu cực, mang tính phá hoại. NATO không phải đang đóng vai trò của một tổ chức giúp tạo điều kiện giải quyết các vấn đề một cách hoà bình. Đây là con đường rất nguy hiểm", Đại sứ Grushko kết luận.
 
Vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hồi tháng 3 năm ngoái và cuộc xung đột ở miền đông Ukraine đã khiến quan hệ giữa Nga và NATO vốn đã căng thẳng lại thêm căng thẳng hơn. Hai bên đều cáo buộc lẫn nhau về việc can thiệp vào tình hình ở nước cựu Xô-viết.
 
Ông Grushko cáo buộc NATO dựng lên “Bức màn sắt” ở Châu Âu bằng cách lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraine để triển khai binh lính và tổ chức tập trận quân sự ở biên giới phía đông. NATO tuyên bố những hành động của họ là nhằm để răn đe Nga. Về phần mình Nga tin rằng, NATO làm thế để tìm cách bao vây, kiềm chế họ.
 
"Tổ chức NATO được lập ra từ thời Chiến tranh Lạnh vì một số mục đích nhất định, trước tiên là vì cái gọi là ‘sự răn đe đối với Liên Xô’. Giờ đây, NATO cảm thấy không thoải mái khi không có kẻ thù. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine là cái cớ để NATO trở về bản chất xưa cũ và là nền tảng để họ chứng minh với công chúng, đặc biệt là ở Tây Âu rằng NATO vẫn đang là một tổ chức mà Châu Âu cần và rằng NATO vẫn đang tiếp tục củng cố an ninh cho khu vực", ông Grushko cho hay.
 
Mỹ “đang yêu cầu tăng thêm chi tiêu cho các mục đích quân sự từ những nước đồng minh” dưới cái cớ là “mối đe doạ từ phương Tây”. Trên thực tế, NATO đang dựng lên một Bức màn Sắt ở Châu Âu, vị Đại sứ Nga cho hay.
 
Hồi đầu năm nay, NATO đã nhất trí tăng cường hệ thống phòng thủ của liên minh bằng 6 trung tâm chỉ huy ở Đông Âu và một lực lượng phản ứng nhanh mũi nhọn gồm 5.000 quân. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương cũng cho biết, họ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong khu vực.
 
Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
 
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên.
 
Moscow trong thời gian qua đã liên tiếp tục ra các biện pháp đáp trả bằng quân sự. Hồi tháng 12 năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin đã công bố học thuyết quân sự mới, trong đó xác định NATO là mối đe dọa quân sự số 1 của quốc gia này đồng thời nâng cao khả năng sử dụng vũ khí thông thường chính xác ở quy mô rộng hơn để ngăn chặn sự gây hấn, xâm lược của thế lực nước ngoài.
 
Trong thời gian qua, Nga cũng tăng cường các chuyến bay tuần tra ở Châu Âu, tăng cường tập trận quân sự trong khu vực và liên tiếp giới thiệu, trình làng các loại vũ khí mới nhằm phô trương sức mạnh để răn đe NATO.
 
Mới đây nhất, hôm 26/7, Nga đã công bố một chiến lược hải quân mới được tuyên bố là để đáp trả sự bành trướng “không thể chấp nhận được” của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Theo học thuyết hải quân mới nhất vừa được Nga sửa đổi và công bố, Moscow đang hướng tới mục tiêu tăng cường các cứ điểm chiến lược của Lực lượng Hải quân ở Biển Đen và tìm cách duy trì sự hiện diện quân sự ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc