Bị Nga át vía, NATO khiến đồng minh thất vọng

17:15, 02/07/2015
|

(VnMedia) - NATO đã cam kết sẽ “liên tiếp” tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Đông Âu để đối phó với Nga nhưng vẫn phớt lờ yêu cầu của các nước Baltic về việc triển khai cố định một lữ đoàn trên lãnh thổ của các nước này, Lithuania hôm qua (1/7) cho biết. Phải chăng NATO sợ chọc giận Nga nên không dám đưa quân đến các nước Baltic.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Hồi tháng 5, Lithuania, Latvia và Estonia đã chính thức đề nghị chỉ huy hàng đầu của NATO triển khai một đơn vị quân đội cỡ tiểu đoàn ở mỗi nước trên cơ sở “luân phiên và lâu dài” trong bối cảnh ba nước trên đều có chung mối quan ngại về cái gọi là mối đe dọa mang tên Nga.
 
Tuy nhiên, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương cho đến nay vẫn từ chối thông qua kế hoạch triển khai lâu dài một số lượng tương đối lớn binh lính đến các nước Baltic, nói rằng điều này có thể vi phạm thỏa thuận năm 1997 mà NATO đã ký với Nga và có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang.
 
Phát ngôn viên quân đội Lithuania – Đại tá Mindaugas Neimontas hôm qua xác nhận, Tướng Philip M. Breedlove đã gửi đến Vilnius một tài liệu mật “cách đây vài tuần” trong đó cam kết rằng liên minh quân sự phương Tây NATO sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận và hoạt động này sẽ diễn ra liên tiếp.

"Chương trình tập trận quân sự của NATO trong khu vực sẽ diễn ra liên tục. Điều đó có nghĩa là các cuộc tập trận sẽ được tổ chức mà không có những khoảng thời gian ngắt quãng lâu", ông Neimontas cho hay.
 
Ngoại trưởng Lithuania Linas Linkevicius hôm qua đã nói rằng, “thậm chí nếu lực lượng liên quân không được triển khai trên cơ sở lâu dài, cố định mà chỉ theo chương trình luân phiên thì chúng tôi cũng rất vui về điều đó. Những cuộc thảo luận về con số và quy mô của các đơn vị sẽ tiếp tục được thực hiện ở cấp độ làm việc".
 
Chỉ huy quân sự hàng đầu của Lithuania – Trung tướng Jonas Vytautas Zukas cho hay, ông rất vui vì “NATO sẽ tiến hành các cuộc tập trận ở biển Baltic và trên lãnh thổ của các nước Baltic mà không có sự ngừng nghỉ".
 
"Chúng tôi muốn đảm bảo một mức độ răn đe nhất định trong khu vực của mình trên cơ sở liên tục. Mục tiêu này đạt được bằng cách nào không phải là điều quan trọng”, ông Zukas cho biết trong một tuyên bố.
 
Những phát biểu trên của quan chức Lithuania cho thấy, các nước Baltic đang rất mong muốn được chào đón sự hiện diện quân sự của NATO trên lãnh thổ của họ.
 
Hiện tại, Lithuania đang là nơi triển khai của hơn 600 quân từ Mỹ, Đức, Bồ Đào Nha, Na-uy và Italia. Lực lượng này đang tham gia các cuộc tập trận quân sự và thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không lâu dài ở các nước Baltic.
 
Tuy nhiên, NATO thì rõ ràng đang tìm cách phớt lờ lời kêu gọi của các nước Baltic. Mặc dù muốn đối phó, kiềm chế Nga nhưng NATO rõ ràng không muốn đi quá xa, khiến Moscow nổi giận. Vì thế, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đang né việc triển khai quân đến các nước Baltic. Thay vào đó, NATO và Mỹ đưa ra một số cam kết khác nhằm trấn an đồng minh. Việc NATO có phần kiêng dè Nga chắc chắn sẽ khiến các nước Baltic không tránh khỏi cảm giác thất vọng.
 
Tháng trước, Mỹ cam kết sẽ triển khai những vũ khí hạng nặng, gồm xe tăng, đến các nước Baltic cũng như các nước Bulgaria, Rumania và Ba Lan.
 
Nga đã lên án những động thái của NATO là mang tính khiêu khích thời Chiến tranh Lạnh. Để đáp trả lại, Nga đã củng cố sức mạnh của lực lượng vũ trang nước này, trong đó có cam kết triển khai hơn 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chỉ riêng trong năm nay.
 
Các nước Baltic với dân số khoảng 6 triệu người đã từng sáp nhập vào Liên Xô trong năm 1940 và vẫn ở dưới ảnh hưởng của Nga cho đến năm 1991. Tuy nhiên, các nước này đã gia nhập vào EU và NATO năm 2004. Viện vào lý do mối đe dọa từ Nga, các nước Baltic liên tục kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ của họ. Các nước Baltic sợ rằng Moscow có thể sẽ cố gắng tìm cách gây bất ổn để thử thách cam kết của NATO đối với phòng thủ tập thể.
 
Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.
 
Trong thời gian qua, Mỹ cùng với phương Tây bị cáo buộc là đang tìm cách thổi phồng về mối đe dọa của Nga đối với các nước láng giềng. Điều đó khiến cho các nước láng giềng xung quanh cuống cuồng kêu gọi NATO đưa quân và vũ khí và nước họ. Những nước này đồng thời cũng tăng chi tiêu quân sự để đối phó với cái mà họ gọi là mối đe dọa Nga. Một số nước láng giềng xung quanh Nga thậm chí còn coi Nga là thách thức lớn nhất đối với an ninh Châu Âu.
 
Trong khi đó, Nga tin rằng, Mỹ cùng NATO đang dựa vào cái cớ là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, là cái được gọi là “mối đe dọa” từ Nga để tăng cường sự hiện diện quân sự ở mức độ chưa từng có trong các khu vực xung quanh Nga.
 
Moscow tố cáo NATO bội ước khi không thực hiện đúng thỏa thuận được ký kết giữa Nga và NATO năm 1997. Theo đó, NATO cam kết không đưa quân đến triển khai ở các nước Baltic, gây ra mối đe dọa an ninh đối với Nga.
 
Những cuộc triển khai quân, vũ khí rầm rộ cùng hàng loạt các cuộc tập trận quy mô lớn, bắn đạn thật của NATO ở sát biên giới Nga trong thời gian vừa qua đã khiến Moscow không thể không cảm thấy bất an. Vì thế, không có gì là lạ khi Nga hồi cuối năm ngoái đã công khai xác định NATO là mối đe dọa quân sự số 1 của quốc gia này trong học thuyết quân sự mới được Tổng thống Vladimir Putin ký kết hôm 26/12/2014.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc