Vụ Mistral: Pháp tìm cách cứu vãn thể diện

08:19, 04/06/2015
|

(VnMedia) - Căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine đã phong tỏa một thỏa thuận mua bán tàu chiến giữa Nga và Pháp. Kết quả là Paris đang ở trong tình trạng điên đầu tìm cách đàm phán một sự thỏa hiệp nhằm cứu vãn thể diện cho nước này đồng thời vạch ra kế hoạch làm gì với hai chiếc tàu chiến không mong muốn.
 

Ảnh minh họa

Tàu chiến lớp Mistral


"Hiện có 3 khả năng có thể xảy ra: bàn giao tàu cho Nga, bán chúng cho một bên thứ ba nào khác hoặc phá hủy chúng”, một nguồn tin nắm rõ về vụ Mistral cho hay.
 
Điều gây khó xử và bối rối hiện nay là vụ hợp đồng tàu Mistral không phải là lỗi của Tổng thống Pháp Francois Hollande. Hợp đồng này xuất phát từ quyết định của người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy năm 2011. Việc Pháp bán siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga trở thành hợp đồng mua vũ khí lớn đầu tiên của Nga từ bên ngoài. Pháp cũng là nước Châu Âu đầu tiên có hợp đồng bán vũ khí cho Nga kể từ thời kỳ sau khi Liên Xô sụp đổ.
 
Nhưng sẽ rất khó khăn cho Tổng thống Hollande về mặt chính trị khi đưa ra quyết định về hợp đồng tàu chiến Mistral. Pháp rõ ràng đang rơi vào tình thế “loay hoay như gà mắc tóc” trong việc tìm cách làm thế nào để cân bằng được giữa tham vọng là nhà cung cấp vũ khí toàn cầu – một lĩnh vực mà hàng ngàn công ăn việc làm ở Pháp đang dựa vào, với cam kết là một thành viên NATO.
 
Pháp cũng có thể phải hứng chịu tổn thất lớn và cái giá rất đắt vì hợp đồng tàu chiến Mistral với Nga.
 
Hiện tại, việc bàn giao tàu chiến lớp Mistral vẫn đang bị hoãn vô thời hạn chứ chưa chính thức bị hủy bỏ. Nhưng thậm chí ngay cả giới chức Nga hiện giờ đã nói, họ không còn quan tâm đến việc tiếp nhận những chiếc siêu tàu chiến của Pháp mà họ từng mong chờ.
 
Hơn nữa, các đồng minh NATO của Pháp, đáng chú ý là Mỹ và Ba Lan – đối tác mà Paris đang đàm phán về những hợp đồng quốc phòng trị giá 6 tỉ euro, sẽ rất tức giận nếu Pháp cố tình thúc đẩy việc thực hiện hợp đồng tàu chiến Mistral với Nga khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine còn lâu mới được giải quyết.
 
Trong bối cảnh như vậy, người Nga đang đòi Pháp phải trả lại số tiền mà họ đã thanh toán trước cùng khoản tiền phạt vì tự ý hủy bỏ hợp đồng. “Nga sẽ không tiếp nhận tàu chiến Mistral. Mọi việc đã rõ. Giờ chỉ có một cuộc thảo luận duy nhất đang diễn ra: đó là, Pháp nên trả lại Nga bao nhiêu tiền?”.
 
Đánh chìm hay bán?
 
Chiếc tàu lớp Mistral đầu tiên mà Pháp đóng cho Nga – Vladivostok đáng ra đã phải được bàn giao từ tháng 11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sebastopol dự kiến sẽ đến Nga vào năm 2016. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, khả năng hai chiếc tàu lớp Mistral được bàn giao cho Nga là điều gần như không thể.
 
Các nguồn tin từ Nga và Pháp tiết lộ, Moscow muốn Paris phải trả khoản tiền là 1,163 tỉ euro (1,29 tỉ USD), trong đó bao gồm số tiền khoảng 800 triệu euro mà Nga đã thanh toán trước cho Pháp cộng thêm các khoản tiền bồi thường cho chi phí, tổn thất mà Nga phải hứng chịu khi theo đuổi hợp đồng với Pháp như mua thiết bị và đào tạo lính thủy.
 
Đặc phái viên của Pháp - ông Louis Gautier từ cuối tháng 3 đến giờ liên tục có các chuyến bay qua lại giữa hai thủ đô Moscow và Paris. Ông này đang đàm phán để Pháp chỉ phải trả cho Nga khoản tiền 785 triệu euro nhưng giới chức Nga miêu tả đề nghị trên là điều “không thể chấp nhận”.
 
Ông Gautier đã yêu cầu Nga hoặc cùng đóng góp vào chi phí tháo dỡ hai chiếc tàu Mistral hoặc cho phép Pháp bán những con tàu này cho một đối tác thứ ba. Canada, Singapore đang có ý định mua tàu Mistral. Ai Cập cũng vậy và nước này vừa mua những chiếc chiến đấu cơ và tàu khu trục của Pháp.
 
Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Nga trước đó khẳng định, hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral sẽ không thể bị bán lại bởi chúng được đóng riêng cho hải quân Nga, với những thông số, tiêu chuẩn riêng. Vì thế, đó là “vấn đề thuộc an ninh quốc gia”.
 
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thời hạn bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga đã qua đi nhiều tháng mà Pháp vẫn không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình. Khả năng Pháp bàn giao hai siêu tàu chiến Mistral cho Nga đến thời điểm này được cho là khó có thể xảy ra. Lý do của sự trì hoãn này là cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Phương Tây cáo buộc, đổ lỗi cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và đẫm máu ở nước láng giềng Ukraine. Vì thế, Mỹ cùng Liên minh Châu Âu (EU) đã gây sức ép với Pháp để nước này không thực hiện hợp đồng bán tàu Mistral cho Nga.
 
Pháp hiểu rất rõ hậu quả rất lớn mà họ phải hứng chịu nếu hủy bỏ hợp đồng với Nga. Tuy nhiên, Paris cũng rất lo sợ việc làm phật lòng các đồng minh Châu Âu và Mỹ.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc