Trung Quốc vùng vẫy tuyệt vọng trong “chiếc vòng kim cô”?

08:48, 30/06/2015
|

(VnMedia) - Trung Quốc càng khuấy đảo Biển Đông thì chiếc "vòng kim cô" sẽ càng thắt chặt quanh nước này. Khi tham vọng bị phơi bày ngày càng rõ nét thì cũng là lúc Trung Quốc phải đối diện với sự bao vây chưa từng có của những cường quốc lớn.

Ảnh minh họa

Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động phơi bày tham vọng giành quyền kiểm soát Biển Đông


Thủ tướng Australia Tony Abbott mới đây đã thẳng thừng cảnh báo Trung Quốc về hành động đơn phương tìm cách phá thế nguyên trạng ở Biển Đông. Như vậy, Australia đã điền tên mình vào danh sách hàng loạt các nước lớn đang đứng lên chống lại tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Thủ tướng Abbott đã không ngại ngần chỉ trích những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, kêu gọi tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp đang diễn ra ở vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên này. Ông Abbott lên án thẳng vào hoạt động đơn phương tìm cách thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông. Đây rõ ràng là một lời ám chỉ nhằm vào những dự án bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo đầy tham vọng của Trung Quốc. Những dự án nay được thiết kế để có thể triển khai vũ khí quân sự.

 

Trong những tuần gần đây, Australia đã cùng Mỹ và nhiều quốc gia khác bày tỏ lập trường cứng rắn bằng những ngôn từ mạnh mẽ, nghiêm khắc nhất nhằm vào các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Sự quan ngại về Trung Quốc và tình hình Biển Đông đã thúc đẩy chính phủ của Thủ tướng Abbott thắt chặt quan hệ với hầu hết các nước lớn trong khu vực, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ... cũng như các nước như Philippines , Malaysia , Việt Nam và gần đây nhất là Singapore .

 

Thủ tướng Abbott đã đến Singapore trong khuôn khổ chương trình tăng cường quan hệ giữa Australia với các nước bị ảnh hưởng bởi vấn đề Biển Đông. Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews đã phát đi thông điệp tại cuộc Đối thoại Shangri-La ở Singapore rằng Australia có thể sẵn sàng tham gia cùng Mỹ và các nước khác trong nỗ lực đẩy lùi các hoạt động tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

 

Bộ trưởng Andrews vào thời điểm đã nói rằng Australia “có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và sự ổn định cũng như tự do hàng hải và tự do giao dịch thương mại” ở Biển Đông.

 

Ngày hôm qua (29/6), ông Abbott đã đưa ra một phát biểu cứng rắn, mạnh mẽ chưa từng có về tình hình Biển Đông. Cụ thể, Nhà lãnh đạo Australia nói: “Trên Biển Đông, rõ ràng đang có những vấn đề. Giống như Singapore , Australia không có tranh chấp và chúng tôi cũng không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp nhưng chúng tôi chắc chắn lên án bất kỳ hành động đơn phương thay đổi thế nguyên trạng nào. Chúng tôi nghĩ rằng, mọi việc nên được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, và giống như Singapore, chúng tôi bảo vệ sự tự do hàng hải ở trên biển và trên không” trong khu vực.

 

"Chúng tôi có thể tập trung vào Biển Đông nếu chúng tôi muốn và nghĩ là có vấn đề nhưng nói thẳng ra, tôi vẫn muốn được chứng kiến thói quen hợp tác đang phát triển trong khu vực của chúng ta”, ông Abbott nhấn mạnh trong cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

 

Ông Lý Hiển Long thừa nhận, mối quan ngại về tình hình Biển Đông đang lan rộng.

 

Australia đã nối dài thêm danh sách các nước lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây và thể hiện sự kiên quyết trong việc ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trong khu vực.

 

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.


Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép trên các bãi cạn, bãi đá ở Biển Đông.


Việc Trung Quốc tăng cường hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên Biển Đông đang gây ra nỗi quan ngại rất lớn không chỉ với các nước có liên quan trong khu vực mà với cả cộng đồng thế giới. Hàng loạt nước, đặc biệt là Mỹ, đã liên tiếp lên tiếng bày tỏ thái độ bất bình đối với các hành động của Trung Quốc.

 

Khi tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc ngày một lộ rõ thì Mỹ cũng bắt đầu công khai thách thức cường quốc Châu Á trên vùng biển chứa tuyến đường hàng hải chiến lược hàng đầu của thế giới. Washington tuyên bố, dù họ không có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông nhưng sẽ quyết bảo vệ sự tự do hàng hải ở khu vực.


Mỹ đã bắt đầu đưa máy bay tuần tra săn ngầm tối tân nhất - P-8A Poseidon ra Biển Đông từ hồi đầu năm nay. Mỹ - đồng minh thân thiết nhất và lâu đời nhất của Philippines , đã cam kết sẽ chia sẻ thông tin nhanh nhất về những gì đang xảy ra ở vùng lãnh hải của Philippines ở Biển Đông khi Trung Quốc đang gia tăng hoạt động ở khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này. Trong chiến lược của mình, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong khu vực, cùng phối hợp với nhiều nước khác trong khu vực.

 

Một nhân tố mới đáng chú ý ở Biển Đông chính là Nhật Bản. Nước này gần đây bắt đầu công khai thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông. Là một trong những cường quốc hàng đầu trong khu vực, Tokyo có lý do để lo ngại về tham vọng của Trung Quốc. Chính vì thế, nước này đã thể hiện sự sẵn sàng trong việc phối hợp với đồng minh Mỹ và Philippines để tạo thế trận bao vây, kìm kẹp Trung Quốc. Tokyo đang tính chuyện tiến hành tuần tra Biển Đông chung với Mỹ. Nhật Bản cũng vừa có cuộc tập trận chung với Philippines ở Biển Đông. Đây rõ ràng là một lời cảnh báo của Tokyo dành cho Bắc Kinh.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc