Sốc cảnh sát Mỹ bắn chết gần 500 người

15:00, 10/06/2015
|

(VnMedia) - Người ta vừa công bố một con số thật sự gây sốc, theo đó cảnh sát Mỹ đã bắn chết 496 người từ đầu năm đến giờ.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Thật khó để có thể so sánh dữ liệu ở những thời kỳ khác nhau, theo các phương pháp khác nhau, ở những khu vực khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, như con số được The Counted công bố, số người bị cảnh sát Mỹ bắn chết đã leo lên mức kỷ lục trong năm nay.
 
Trong 24 ngày đầu tiên của năm 2015, cảnh sát ở Mỹ đã bắn chết số người nhiều hơn cả cảnh sát Anh và Wales bắn chết cộng lại trong vòng 24 năm.
 
Theo The Counted, có 59 vụ cảnh sát bắn chết người ở Mỹ trong thời gian từ 1/1 đến 24/1/2015. Trong khi đó, con số được nhóm Inquest của Anh thu thập cho hay, có 55 vụ cảnh sát Anh và Wales bắn chết người trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2014.
 
Dân số Mỹ gấp gần 6 lần dân số của Anh và Wales cộng lại. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỉ lệ cố ý giết người theo đầu người ở Mỹ là gấp 5 lần so với Anh.
 
Không có một hệ thống được chuẩn hoá để ghi chép lại những vụ bắn chết người của lực lượng thực thi pháp luật với quân số lên tới hàng ngàn người trên khắp đất nước Mỹ. Nhưng theo những dữ liệu thu thập được của tờ Washington Post, số người bị cảnh sát Mỹ bắn chết cao gấp hai lần so với con số công bố chính thức.
 
Tờ Washing Post cũng cho biết, trong 5 tháng đầu của năm nay, đã có 385 người bị cảnh sát Mỹ bắn chết. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày có hơn 2 người bị cảnh sát bắn chết ở Mỹ. Người da đen bị bắn chết chiếm tỉ lệ cao trong số các nạn nhân, đặc biệt là những người da đen không có vũ khí trong tay.
 
Tính từ năm 2008, mỗi năm trung bình có khoảng 400 người bị cảnh sát Mỹ bắn chết.

Không thể phủ nhận rằng, cảnh sát Mỹ đang phải đối mặt với nhiều tình huống bạo lực hơn và với nhiều cá nhân được vũ trang nặng hơn so với bất kỳ cảnh sát ở xã hội dân chủ nào. Tuy nhiên, nhìn vào những con số được công bố ở trên, người ta có thể hình dung một bức tranh đáng ngại trong cách thức xử lý tình hình của cảnh sát Mỹ. Bức tranh này càng lộ rõ khi làn sóng biểu tình lan khắp toàn cầu kể từ sau khi xảy ra vụ cảnh sát bắn chết một cậu bé da đen ở Ferguson, Missouri.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc