Ớn lạnh viễn cảnh chiến tranh với Trung Quốc

09:18, 20/06/2015
|

(VnMedia) - Mặc dù Trung Quốc luôn miệng khẳng định sự hiện diện quân sự của họ ở Biển Đông là vì những mục đích dân sự và vì các lý do ổn định nhưng phần lớn người dân Philippines không tin điều này. Họ đều đang hết sức lo ngại về viễn cảnh bùng phát chiến tranh với Trung Quốc.
 

Ảnh minh họa

Quân đội Philippines kiểm tra tàu cá của ngư dân Trung Quốc


Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh sự hiện diện quân sự của họ ở các vùng tranh chấp thuộc Biển Đông là nhằm phục vụ cho các hoạt động cứu trợ, nhân đạo quốc tế cũng như vì lý do ổn định tình hình. Tuy nhiên, bất chấp những lời khẳng định chắc như đinh đóng cột đó của Trung Quốc, người dân Philippines vẫn không tin. Theo một cuộc thăm dò dư luận mới được công bố gần đây, đa số người dân Philippines đều có chung mối quan ngại về việc giữa nước họ với nước láng giềng Trung Quốc sẽ bùng phát một cuộc xung đột quân sự ở Biển Đông.
 
Cụ thể hơn, kết quả của cuộc thăm dò dư luận cho thấy, cứ 10 người dân Philippines thì có đến 8 người lo ngại về tình trạng leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila khi khi nước đang tranh chấp nhau bãi cạn Scarborough.
 
Cuộc thăm dò của Trạm Khí tượng Xã hội cho hay, khoảng 49% trong số 1.200 người được hỏi nói rằng, họ “rất lo ngại” trong khi 35% trả lời là họ “hơi lo ngại” khi được hỏi về cuộc đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông. Cuộc thăm dò dư luận được tiến hành hồi tháng 3 và kết quả này khá giống với những năm 2012, 2013 và 2014. Điều đó phản ánh thực tế người dân Philippines trong những năm gần đây càng ngày càng trở nên lo ngại về nước láng giềng Trung Quốc.
 
Sự lo ngại của người dân Philippines không phải là không có cơ sở khi cuộc đối đầu giữa nước họ với Trung Quốc vì tranh chấp ở Biển Đông mỗi lúc một leo thang căng thẳng, mỗi lúc một nóng bỏng và cả hai bên đều quyết không lùi bước hay nhượng bộ.
 
Trung Quốc quyết liệt theo đuổi tham vọng độc chiếm Biển Đông bất chấp dư luận quốc tế cũng như sự phản đối mạnh mẽ của các nước xung quanh. Về phần mình, Philippines cũng quyết liệt không kém trong việc ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc.
 
Một trong những động thái cho thấy sự quyết liệt, cứng rắn của Manila trong tranh chấp Biển Đông là nước này sẽ chính thức “ra đòn” quyết định với Trung Quốc khi tham gia phiên xét xử vụ kiện nhằm phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại toà án The Hague vào tháng tới. Toà án Liên Hợp Quốc ở Hà Lan dự kiến sẽ tiến hành phiên xét xử vụ kiện do Philippines trình lên năm 2013 từ ngày 7/7 tới. Tại phiên tòa này, nhóm pháp lý của Philippines sẽ trình bày các luận cứ, luận điểm của mình nhằm phản đối yêu sách chủ quyền thái quá và phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
 
Manila bắt đầu ra đòn pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông sau khi hai nước xảy ra một cuộc tranh chấp nóng bỏng ở bãi cạn Scarborough. Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Bãi cạn này là nơi chứng kiến cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc được châm ngòi từ một vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm 2012.
 
Sau vụ va chạm trên, Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vốn là ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines.
 
Trước diễn biến trên, vào tháng 1 năm 2013, Manila đã quyết định đưa vụ tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án quốc tế với lý do họ đã “dùng mọi biện pháp hòa bình” có thể để giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh nhưng không có tác dụng.
 
Bắc Kinh luôn chủ trương giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông trong khuôn khổ song phương, với từng nước một để dễ bề gây sức ép với các nước nhỏ hơn. Hành động đưa vụ tranh chấp ra tòa án quốc tế của Philippines được cho là một đòn thách thức chưa từng có nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc đương nhiên là không thể chấp nhận.
 
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông.
 
Trung Quốc gần đây đã đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên hàng loạt bãi đá, bãi san hô ở Biển Đông, trong đó có những khu vực thuộc quần đảo Trường Sa – nơi vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
 
Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông có thể sẽ được sử dụng cho các mục đích quân sự nhằm tranh giành chủ quyền với các nước trong khu vực. Điều này càng khiến cộng đồng thế giới đặc biệt quan ngại. Hàng loạt nước cùng các tổ chức, liên minh quốc tế đã lên tiếng phản đối Trung Quốc như Liên minh Châu Âu (EU), G7, ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam....


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc