Nga sẽ khơi mào thế chiến III?

20:33, 11/06/2015
|

(VnMedia) - Ông Bryan MacDonald là một nhà văn và nhà bình luận người Ireland . Ông thường xuyên có những bài viết tập trung vào Nga và nền địa chính trị quốc tế. Mới đây, ông đã có bài viết liên quan đến Nga và viễn cảnh về một cuộc chiến tranh thế giới thứ III. VnMedia xin trích dẫn bài viết này.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Tổng thống Vladimir Putin gần đây có nói rằng, “Nga sẽ tấn công NATO chỉ trong giấc mơ của một kẻ điên rồ”. Không may, có rất nhiều người điên trong nền chính trị và truyền thông phương Tây hiện nay.

 

Nếu các nước G7 được lựa chọn dựa trên GDP, được điều chỉnh dựa trên sức mua, thì nhóm nước này sẽ bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Đức và Brazil. Một tập hợp như này sẽ có ảnh hưởng đáng kể khi chiếm đến 53% GDP toàn cầu và bao gồm 3 siêu cường quân sự thực sự.

 

Tuy nhiên, nếu nhóm trên được hình thành thì vấn đề mà Washington phải đối mặt là nhóm G7 được giả định có thể sẽ trở thành một diễn đàn cho một cuộc tranh luận thực sự về trật tự thế giới.

 

Thay vì có một G7 thực sự, chúng ta đang có một G7 không đúng nghĩa. Một nước Mỹ áp đảo mọi cuộc thảo luận. Không có sự chống đối. Sự thống trị của Washington là chắc chắn, không có ai hoài nghi và tất cả đều vui vẻ với nhau. Đặc biệt, kể từ khi họ loại Nga ra khỏi nhóm. Tổng thống Vladimir Putin là vị khách duy nhất thách thức sự đồng thuận nói trên.

 

Tuy nhiên, vấn đề là nhóm G7 “thuận lợi” này đang đi dần qua thời hoàng kim. Những ngày khi các nước thành viên G7 có thể thống trị thế giới trong lĩnh vực kinh tế đã đi xa như thời của Grunge và Britpop. Ngày nay, G7 có thể chỉ còn chiếm 32% miếng bánh GDP toàn cầu. Thay vì có những đối thủ nặng ký như Trung Quốc và Ấn Độ, G7 đang có các thành viên là những nước hạng trung như Canada và Italia. Italia hiện tại là một nước được ví như “thương binh” trong vấn đề kinh tế trong khi GDP của Canada chỉ hơn được nước đang gặp khủng hoảng là Tây Ban Nha và dưới cả Mexico lẫn Indonesia.

 

Tuy nhiên, Thủ tướng của Canada vẫn có mặt ở Bavaria suốt cuối tuần vừa rồi với sự tự tin của một người đàn ông tin rằng ý kiến của ông ta rất có trọng lượng. Tất nhiên, ông Harper sẽ không gây áp lực đối với Tổng thống Obama. Thay vào đó, ông này sẽ tán dương, ca tụng Nhà lãnh đạo Mỹ.

 

Có rất nhiều cuộc thảo luận “về sự xâm lược, gây hấn của Nga” tại G7. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi mà 6 trong số 7 thành viên của nhóm G7 cũng là thành viên của NATO – một tổ chức khác cũng nằm dưới sự thống trị của Mỹ. Tổng thống Obama có mặt ở đó, Thủ tướng Anh David Cameron “nói như con vẹt” về cảm giác của ông này về Nga và Thủ tướng Harper lớn tiếng kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga. Có lẽ chưa bao giờ bộ ba kia nảy ra trong đầu ý nghĩ rằng việc giải quyết những vấn đề của họ với Nga có thể sẽ dễ dàng hơn nếu Tổng thống Putin có mặt ở Bavaria ? Việc vội vàng loại Nga ra khỏi câu lạc bộ G8 gần như không có lợi cho tiến trình đối thoại.

 

Trong khi đó, Thủ tướng Italia Matteo Renzi gần như yên lặng. Có tin rằng, Nhà lãnh đạo Italia trên thực tế phản đối các biện pháp trừng phạt Nga của EU vì điều đó đang gây ảnh hưởng đến nền kinh tế không mấy sáng sủa của nước ông. Nhiệm vụ tiếp theo của ông Renzi sau hội nghị G7 là chào đón Tổng thống Putin đến Rome .

 

Trước chuyến thăm, Tổng thống Putin đã có cuộc trả lời phỏng vấn tờ Il Corriere della Sera của Italia. Trong cuộc trả lời phỏng vấn này, ông Putin đã thẳng thắn trả lời những câu hỏi mà Tổng thống Obama, Thủ tướng Cameron và Thủ tướng Harper có thể đặt ra nếu họ không loại Nga ra khỏi nhóm G8. Ông chủ điện Kremlin đã nhấn mạnh, mọi người không nên tin vào những tin đồn nhảm, gây hoảng hốt về cái gọi là “sự xâm lược” của Nga mà phương Tây đang rêu rao bởi một cuộc xung đột quân sự toàn cầu là điều không thể tưởng tượng được trong thế giới hiện đại.

“Tôi cho rằng, chỉ có kẻ điên và chỉ trong giấc mơ người ta mới tin rằng Nga sẽ đột ngột tấn công NATO. Tôi cho rằng, một số nước đơn giản là đang muốn lợi dụng nỗi sợ của mọi người liên quan đến Nga. Họ chỉ muốn đóng một vai trò của những nước ở tuyến trên để nhận được một số sự trợ giúp, viện trợ về quân sự, tài chính và kinh tế”, ông Putin nói.

 

Nhà lãnh đạo Nga cũng thẳng thừng cho biết, “chúng tôi có nhiều điều hay ho để làm hơn là khơi mào cho một cuộc chiến tranh thế giới thứ III”.

 

Chính sách quân sự của Nga là “không mang tính toàn cầu, không tấn công và không gây hấn, xâm lược”, ông Putin khẳng định, nhấn mạnh thêm rằng Nga “hầu như không có các căn cứ ở bên ngoài” trong khi Mỹ rải các căn cứ quân sự trên khắp toàn cầu.

Trong khi Nga nỗ lực giảm quy mô của sự hiện diện quân sự trên toàn cầu thì Mỹ lại đang làm điều ngược lại. Theo lời ông Putin, nhìn vào bản đồ thế giới, có thể thấy mạng lưới căn cứ quân sự của Mỹ dày đặc trong khi Nga đã giải tán hàng loạt căn cứ ở nhiều khu vực khác nhau của thế giới, trong đó có ở Cuba , Việt Nam ...

 

Chi tiêu quân sự của các nước NATO hiện đang gấp hơn 10 lần so với Liên bang Nga và các nước này đang tăng cường sức mạnh quân sự và sự hiện diện quân sự gần Nga, ông Putin chỉ rõ. Sẽ chỉ mất 17 phút để tên lửa được phóng đi từ các tàu ngầm Mỹ ở bờ biển Na-uy chạm tới thủ đô Moscow . Tuy nhiên, thực tế này lại không bị báo chí coi là “hành động gây hấn”. Ngoài ra, báo chí cũng chẳng nói gì khi Mỹ liên tục tiến hành các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược ở khu vực dọc biên giới Nga kể từ thời Xô-viết mà không hề ngừng nghỉ. Trong khi đó, Nga đã ngừng hoạt động này từ đầu năm 1990 và chỉ mới bắt đầu nối lại gần đây nhưng lại liên tục trở thành mục tiêu bị báo chí phương Tây công kích.


Kiệt Linh - (theo RT)

Ý kiến bạn đọc