Nga bị "đánh hội đồng", Trung Quốc bênh vực

08:24, 09/06/2015
|

(VnMedia) - Lãnh đạo của 7 cường quốc hàng đầu thế giới trong nhóm G7 hôm qua (8/6) lại đưa ra lời cảnh báo sắc lạnh đối với Nga. Rất nhanh chóng, Trung Quốc đã lên tiếng bênh vực đồng minh thân thiết của mình.

 

Ảnh minh họa

Hội nghị thượng đỉnh G7


Các nhà lãnh đạo G7 tuyên bố, họ sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nếu tình hình ở Ukraine tiếp tục tồi tệ đi, tuyên bố chung của các nước thành viên G7 được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày ở miền nam nước Đức đã nói như vậy.

 

Ngày hôm qua, nhóm G7 đã ra một thông cáo chung tổng kết lại kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này. Đề cập đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine , lãnh đạo các nước thành viên G7 đã nhất trí rằng: “thời gian áp dụng các biện pháp trừng phạt nên có liên quan trực tiếp và rõ ràng đến việc Nga thực hiện các thỏa thuận Minsk cũng như tôn trọng chủ quyền của Ukraine ”.

 

“Tuy nhiên, nếu cần thiết, chúng tôi cũng luôn sẵn sàng tung ra thêm các biện pháp trừng phạt để bắt Nga phải trả thêm giá cho những hành động của họ”, tuyên bố của G7 cho hay.

 

Trong các cuộc họp báo riêng rẽ sau đó cùng ngày, giới lãnh đạo G7 đã tái xác nhận về lập trường của họ. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, nhóm nước G7 có “sự đồng thuận rất mạnh mẽ trong việc cần tiếp tục gây áp lực để Nga tuân theo thỏa thuận Minsk ”.

 

“Đã có những cuộc thảo luận về những bước đi thêm nữa”, nếu Nga “tăng gấp đôi hành động xâm lược của họ ở Ukraine ”. Tuy nhiên, những cuộc thảo luận đó chưa đến cấp độ chính trị và kỹ thuật, ông Obama nói thêm. Ông chủ Nhà Trắng còn bày tỏ, “hy vọng của chúng tôi là chúng tôi sẽ không phải áp dụng thêm các bước trừng phạt nữa”.

 

Nói về ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Tổng thống Obama cho rằng, người đồng cấp Vladimir Putin sẽ phải quyết định xem liệu ông này có nên “tiếp tục phá hỏng nền kinh tế của đất nước và tiếp tục duy trì thế bị cô lập của Nga để theo đuổi một mong muốn sai lầm là tái tạo lại những chiến thắng thời Xô-viết, hay là ông này cần phải thừa nhận rằng sự vĩ đại của Nga không phụ thuộc vào việc vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước khác”.

 

Lãnh đạo nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay – nữ Thủ tướng quyền lực của Đức – bà Angela Merkel cũng chia sẻ quan điểm của Tổng thống Mỹ Obama bằng phát biểu, nhóm các cường quốc hàng đầu thế giới “sẵn sàng thắt chặt các biện pháp trừng phạt nếu thấy cần thiết hoặc tình hình đòi hỏi phải như thế nhưng đây không phải là điều chúng tôi muốn”.

 

Bà Merkel nhấn mạnh, G7 chia sẻ lập trường chung về tình hình Ukraine .Cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu chỉ có thể được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị trên cơ sở của các thỏa thuận Minsk , nữ Thủ tướng Đức nhấn mạnh.

 

Trong khi đó, phát biểu trước các phóng viên, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng “hiện chưa có lý do gì” để các nước dỡ bỏ những đòn trừng phạt nhằm vào Nga. Về phần mình, Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định, các nước G7 đoàn kết, thống nhất với nhau rằng, “các biện pháp trừng phạt hiện nay cần phải tiếp tục được duy trì cho đến khi những thỏa thuận Minsk được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc. Điều này đòi hỏi hành động từ cả Ukraine và Nga”.

 

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Merkel cũng tuyên bố, các cuộc xung đột quốc tế có thể được giải quyết cùng với sự hợp tác của Nga. “Chúng tôi có nhiều cơ chế đàm phán mà Nga đang tham gia”, bà Merkel cho biết trong một cuộc họp báo.

 

Trước đó, hôm Chủ nhật (7/6), Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã đưa ra phát biểu, “tất cả chúng tôi đều muốn Nga có mặt tại bàn làm việc của G7”. Tuy nhiên, ông này thêm rằng, ông không thấy viễn cảnh đó có thể diễn ra sớm vào lúc này.

 

Phản ứng trước những phát biểu của giới lãnh đạo G7, phát ngôn viên điện Kremlin – ông Dmitry Peskov hôm qua đã nói với cánh phóng viên rằng, Tổng thống Putin đang tập trung “công việc tại những cơ chế, tổ chức hiệu quả hơn”, phản ứng đúng thực tế tình hình quốc tế hơn.

 

Nga đã nhiều lần nhấn mạnh, nước này không tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine mà chỉ kêu gọi lực lượng ly khai miền đông tuân thủ các thỏa thuận Minsk . Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho hay, Moscow sẵn sàng “tiếp tục đối thoại” nếu các bên đồng ý kiềm chế không tìm cách biến Nga “thành một bên của cuộc xung đột”.

 

Trung Quốc lên tiếng bênh vực Nga, phản đối các biện pháp trừng phạt

 

Trung Quốc hôm qua đã nhanh chóng lên tiếng phản ứng trước những lời đe dọa, cảnh báo từ G7 về việc sẽ tung ra thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Hồng Lỗi hôm qua đã phát biểu tại một cuộc họp báo rằng, Bắc Kinh phản đối các biện pháp trừng phạt cũng như những đe dọa về việc dùng chính sách trừng phạt để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

 

"Liên quan đến vấn đề Ukraine , chúng tôi liên tục bày tỏ lập trường của chúng tôi về các biện pháp trừng phạt cũng như những lời đe dọa về việc sử dụng chính sách đó. Chúng tôi chắc chắn rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua một cuộc đối thoại và các cuộc tham vấn”, ông Hồng Lỗi nhấn mạnh.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc