Ba Lan lại khiến Nga giận tím mặt

13:45, 16/06/2015
|

(VnMedia) - Ba Lan hồi cuối tuần vừa rồi cho biết, nước này đang đàm phán với Mỹ về khả năng đưa “kho vũ khí hạng nặng” của Washington đến đặt trên đất Ba Lan. Động thái này diễn ra khi mà căng thẳng trong khu vực đang leo thang vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine và phương Tây đang “làm toáng” lên về mối đe doạ mang tên Nga.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak hôm Chủ nhật (14/6) cho biết, cuộc đàm phán là một phần trong những cuộc thảo luận nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Ba Lan và các nước thành viên Đông Âu khác của NATO.
 
Ông Siemoniak đã xác nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin PAP rằng, Ba Lan đang tiến hành những cuộc đàm phán như vậy với Mỹ, nói thêm rằng ông cũng đã thảo luận về vấn đề đó với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong chuyến thăm đến thủ đô Washington hồi tháng 5.
 
"Chúng tôi đã xúc tiến làm việc trong một thời gian nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Ba Lan và trên khắp sườn phía đông của NATO”, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan tiết lộ.
 
"Sẽ là tương đối dễ dàng để triển khai quân nhưng việc đưa vũ khí đến gần các vùng nguy hiểm là điều rất tốt", ông Siemoniak nói đồng thời cho biết thêm ông này đã được thông báo rằng Washington sẽ sớm đưa ra quyết định về vấn đề nói trên.
 
Giới chức cấp cao Mỹ được dẫn lời bởi tờ The New York Times cho biết, đề xuất đưa vũ khí hạng nặng đến triển khai ở các nước Baltic và Đông Âu có thể được Lầu Năm Góc thông qua trước cuộc họp vào ngày 24-25/6 tới giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO.
 
Thông báo về cuộc đàm phán mà Ba Lan nói ở trên được đưa ra sau khi tờ New York Times hôm 13/6 đưa tin, Lầu Năm Góc Mỹ “đang ở trạng thái sẵn sàng” để đưa vũ khí hạng nặng đủ cho tới 5.000 binh lính đến các quốc gia Đông Âu và Baltic để ngăn chặn cái mà họ gọi là “sự xâm lược, gây hấn” của Nga.
 
Theo Mỹ, động thái này là nhằm để trấn an nỗi quan ngại của các nước NATO. Mỹ dự định đưa vũ khí, thiết bị quân sự hạng nặng tới từng nước trong 3 quốc gia Baltic gồm Lithuania, Latvia và Estonia cũng như Ba Lan, Rumani, Bulgari và có thể là cả Hungary
 
Tờ New York Times miêu tả đề xuất trên nếu được thực hiện sẽ là “một bước đi có ý  nghĩa nhằm ngăn chặn sự gây hấn, xâm lược ở Châu Âu”. Tờ báo này cũng cho rằng, nếu được thông qua, kế hoạch đặt “một kho vũ khí hạng nặng” lớn như vậy ở các nước Đông Âu và Baltic sẽ “chứng kiến lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đưa vũ khí quân sự hạng nặng, trong đó có xe tăng chủ lực, vào những nước thành viên mới của NATO – những nước từng nằm trong vòng ảnh hưởng của Moscow như một phần của Liên Xô.
 
Mỹ đưa vũ khí đến Ba Lan, căng thẳng sẽ leo thang
 
Bình luận về tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan về việc cơ quan này đang tổ chức các cuộc đàm phán với phía Mỹ về việc đưa vũ khí hạng nặng đến đặt trên đất Ba Lan, Phó Đô đốc cũng là một chính khách của Ba Lan – ông Marek Toczek đã thẳng thắn cho biết, một động thái như vậy sẽ không làm tăng được an ninh quốc gia cho Ba Lan mà chỉ khiến tình hình căng thẳng giữa NATO và Nga thêm leo thang.
 
“Đây là một bước tiếp theo nữa khiến tình hình căng thẳng thêm nghiêm trọng. Điều đó có thể dẫn đến một thảm kịch lớn. Bước đi này chẳng có ích gì cho việc khôi phục các mối quan hệ”, vị cựu quan chức của Hải quân Ba Lan và giờ là một chính khách đã nhận định như vậy.
 
"Tôi không thấy có bất kỳ hành động cụ thể nào về phía Nga hay các nước khác ở phía đông Ba Lan muốn ủng hộ cho một bước đi như thế. Theo quan điểm của tôi, kiểu hành động này chỉ tạo nền tảng cho một sự leo thang, thông qua những hành động tương tự từ phía bên kia. Tôi tin rằng, bước đi này sẽ đi ngược lại lợi ích của Ba Lan và các nước khác trong khu vực", ông Toczek cho biết.
 
Nhắc đến phát biểu của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra hồi đầu tháng này, Nga không gây ra mối đe doạ trực tiếp cho Nga, ông Toczek nhấn mạnh, ông “không biết tại sao các chính khách lại đưa ra những phát biểu mâu thuẫn, đối lập với nhau”, nhấn mạnh rằng một quyết định như vậy sẽ “chẳng giúp gì cho việc tìm kiếm một giải pháp mang tính xây dựng cho các vấn đề đang tồn tại ở Ukraine. Nếu chúng ta tập trung vào mối đe doạ tưởng tượng từ Nga trong mối quan hệ với Ba Lan và các nước khác trong khu vực, chúng ta chỉ có thể đón nhận sự căng thẳng leo thang và đây là điều không có lợi cho người Ba Lan".
 
Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Trong thời gian qua, Mỹ cùng với phương Tây bị cáo buộc là đang tìm cách thổi phồng về mối đe dọa của Nga đối với các nước láng giềng để lấy cớ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực. Sự thổi phòng về mối đe doạ từ Nga cũng khiến nhiều nước láng giềng Đông Âu và Baltic ra sức đòi Mỹ và NATO tăng cường sự hiện diện quân sự ở nước họ.
 
Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Ba Lan luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với Nga. Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, Ba Lan cũng thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ Nga, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga. Có thể nói, trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường hiếu chiến hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác trong việc phản ứng thế nào với cái gọi là “sự can thiệp” của Nga vào Ukraine.
 
Thái độ của Ba Lan khiến Nga thực sự tức giận và liên tiếp đưa ra những lời cảnh báo nghiêm khắc.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc