Vũ khí tối tân của Mỹ khiến đồng minh "lo sốt vó"

14:10, 20/05/2015
|

(VnMedia) - Vụ tai nạn chết người mới đây của chiếc máy bay “hung thần chiếm đảo” Osprey của Thuỷ quân lục chiến Mỹ đã khiến đồng minh Nhật Bản của nước này "lo sốt vó" bởi Tokyo chọn chiếc máy bay này là một trong những vũ khí “đinh” trong chiến lược đối phó với Trung Quốc. Sự lo ngại của Nhật Bản là không phải không có cơ sở bởi vụ tai nạn cho thấy mức độ an toàn của máy bay Osprey của Mỹ có vấn đề.
 

Ảnh minh họa

  Máy bay MV-22 Osprey


Thống đốc Takeshi onaga ở quần đảo phía nam Okinawa hồi đầu tuần đã phát biểu rằng, những chuyến bay của máy bay Osprey nên được tạm ngừng cho đến khi nguyên nhân của vụ tai nạn hôm 17/5 được xác định.
 
Chiếc máy bay Osprey của Thuỷ quân lục chiến Mỹ đã bốc cháy sau khi bị rơi trong một “cú hạ cánh khó khăn” ở Hawaii. Vụ tai nạn này khiến một lính thuỷ đánh bộ thiệt mạng và 21 người khác phải nhập viện.
 
"Từ quan điểm của những người dân ở đảo Okinawa, việc triển khai những chiếc Osprey vào lúc này là không thể chấp nhận được. Tác động của vụ tai nạn là cực kỳ lớn. Chúng tôi đang tìm kiếm câu trả lời đầy đủ về nguyên nhân của vụ tai nạn và cần một lời giải thích. Và tất nhiên, cuối cùng chúng tôi yêu cầu rút những chiếc máy bay Osprey", ông onaga đã nói như vậy tại một cuộc họp báo được phát sóng trên truyền hình.
 
Theo lời ông onaga, ông này có kế hoạch yêu cầu quân đội Mỹ ngừng mọi chuyến bay của máy bay Osprey trên đảo Okinawa cho đến khi giới chức có liên quan xác định được nguyên nhân vụ tai nạn mới nhất này.
 
Quân đội Mỹ cho rằng, máy bay tối tân Osprey của họ là an toàn nhưng người dân Okinawa lại lo ngại loại máy bay đó dễ bị tai nạn. Tư tưởng chống Mỹ đặc biệt cao trong người dân Okinawa – nơi là nhà của một nửa trong số khoảng 50.000 quân Mỹ đóng tại Nhật Bản theo hiệp ước an ninh song phương. Nhiều người Okinawa phàn nàn về tiếng ồn cũng như tình trạng tội phạm có liên quan đến các căn cứ của Mỹ ở trên đảo.
 
Mỹ đang triển khai tới 24 chiếc máy bay Osprey trên đảo Okinawa và cách đây một tuần, nước này còn thông báo sẽ triển khai thêm 10 chiếc bay tương tự đến căn cứ không quân Yokota gần thủ đô Tokyo, bắt đầu từ năm 2017. 3 chiếc Osprey đầu tiên sẽ đến Yokota trong nửa cuối năm 2017 và 7 chiếc còn lại sẽ được triển khai đến năm 2021. Thông báo trên được đưa ra đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ những người dân Nhật Bản sống gần căn cứ. Hàng chục người dân đã tiến hành biểu tình hồi cuối tuần vừa rồi.
 
Chưa hết, Nhật Bản còn lựa chọn Osprey là một trong những vũ khí hàng đầu trong chiến lược đối phó với Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
 
Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch mua 17 chiếc máy bay Osprey để triển khai ở các căn cứ trong vài năm tới mặc dù những địa điểm cụ thể triển khai loại vũ khí này chưa được công bố. Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ hồi đầu tháng này thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đồng ý về khả năng bán cho Nhật Bản những chiếc V-22B Blok C Osprey và các thiết bị liên quan với giá trị hợp đồng ước tính lên tới 3 tỉ USD.
 
Phát biểu tại một cuộc họp báo định kỳ hôm 18/5, Tổng thư ký nội các Nhật Bản – ông Yoshihide Suga cho biết, ông tin rằng máy bay Osprey của Mỹ là an toàn nhưng đề nghị phía Mỹ nhanh chóng cung cấp thông tin về vụ tai nạn.
 
Giới chức đến từ 6 thành phố gần căn cứ Yokota cũng yêu cầu chính phủ Nhật Bản làm rõ và cung cấp thông tin về vụ tai nạn liên quan đến máy bay Osprey của Mỹ.
 
Osprey là loại máy bay máy bay vận tải cánh quạt nghiêng do Boeing Co. và Bell – một đơn vị của tập đoàn Textron Inc., Mỹ chế tạo. Chiếc máy bay này đạt tốc độ tối đa lên tới 530km/giờ - gần gấp đôi tốc độ của cũng những chiếc trực thăng vận tải khác hiện nay. Osprey có thể cất cánh thẳng đứng giống như một chiếc trực thăng nhưng lại bay giống như một chiếc máy bay tiêu chuẩn.
 
Tầm hoạt động của Osprey đạt mức 3.900km, gấp 5 lần tầm hoạt động của những chiếc trực thăng CH-46 Sea Knight mà Mỹ đã xóa sổ ra khỏi lực lượng để nhường chỗ cho các phi đội Osprey thiện chiến, tối tân. Trực thăng Osprey được xem là phương tiện tốt nhất để có thể nhanh chóng triển khai quân đến những điểm nóng tiềm năng.
 
Máy bay Osprey có thể chở 32 binh lính với khối lượng hàng hóa tối ưu lên tới hơn 9 tấn, gấp 4 lần so với những chiếc trực thăng đang được quân đội Mỹ thay thế. Osprey cũng có thể hoạt động từ tàu sân bay và có thể tiếp nhiên liệu trên không.
 
Những chiếc Osprey có thể được trang bị hệ thống radar, laser và một hệ thống phòng không.
 
Với những đặc điểm trên, Osprey được ví là “hung thần chiếm đảo”. Loại máy bay này đã được triển khai đến hai chiến trường Iraq và Afghanistan. Một số máy bay Osprey cũng đã được điều động đến trợ giúp cho các nỗ lực cứu trợ cho Nepal trong trận động đất vừa qua.
 
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang thúc đẩy kế hoạch mua một loạt chiếc máy bay MV-22 Osprey. Cùng với chiến đấu cơ F-35 thiện chiến, máy bay không người lái Global Hawk hiện đại và hệ thống radar X-band tinh vi, sự có mặt của những chiếc máy bay vận tải tối tân Osprey được chính phủ Tokyo hy vọng sẽ tạo thành một dàn vũ khí “khủng” trên biển, khiến Trung Quốc phải “toát mồ hôi” vì lo ngại.
 
MV-22 Osprey được xem là vô cùng quan trọng để Nhật Bản chuyển từ chiến lược đối phó với mối đe dọa trên mặt đất từ Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh sang chiến lược phòng thủ linh hoạt hơn dựa vào khả năng triển khai quân nhanh chóng nhằm đối phó với mối đe dọa đối với lãnh thổ Nhật Bản ở dãy đảo phía tây nam nước này.
 
Trong những năm gần đây, Tokyo nhìn nhận mối đe dọa đối với họ là từ Trung Quốc sau khi hai nước này rơi vào một cuộc đối đầu gay gắt và quyết liệt kéo dài vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Osprey là một trong một loạt vũ khí mà Nhật Bản đang hướng tới nhằm chuẩn bị khả năng sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa tiềm năng từ Trung Quốc.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc