Tàu chiến Mỹ chạm trán với tàu Trung Quốc gần Trường Sa

11:01, 20/05/2015
|

(VnMedia) - Tàu chiến đấu duyên hải USS Fort Worth của Mỹ đã có cuộc chạm trán với một tàu của Trung Quốc ở gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Cuộc chạm trán này diễn ra ngay trong lần đầu tiên một tàu chiến đấu duyên hải của Mỹ tiến hành tuần tra vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Trường Sa.
 

Ảnh minh họa

 Tàu chiến đấu duyên hải USS Fort Worth của Mỹ trong chuyến tuần tra Biển Đông hôm 12/5


Tàu chiến đấu duyên hải USS Fort Worth của Mỹ đã sử dụng quy tắc được thoả thuận trước đó dành cho các cuộc chạm trán bất ngờ khi con tàu này gặp tàu của phía Trung Quốc trong cuộc tuần tra gần đây ở Biển Đông, Phó Chỉ huy chiến dịch hải quân Mỹ - Đô đốc Michelle Howard cho biết. 
 
Tàu của Mỹ đã gặp tàu quân sự của Trung Quốc ở gần quần đảo Trường Sa, Đô đốc Michelle Howard hôm qua (19/5) đã cho các phóng viên ở Singapore biết như vậy. Chuyến đi tuần tra diễn ra trong tháng này là chuyến đi đầu tiên của một tàu chiến đấu duyên hải của Mỹ ở khu vực lãnh hải xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
 
“Trước đây, chúng tôi đã thoả thuận với phía Trung Quốc rằng, nếu gặp nhau ở biển, chúng tôi sẽ sử dụng bộ quy tắc dùng cho những cuộc chạm trán bất ngờ trên biển”, bà Howard cho hay. “Tàu Fort Worth đã tình cờ gặp một trong những tàu của đối tác và chúng tôi đã thực hiện theo quy tắc. Vì thế, mọi việc diễn ra một cách chuyên nghiệp như chúng tôi đã thoả thuận với nhau”.
 
Bộ quy tắc mà Mỹ và Trung Quốc đề ra là nhằm tránh một cuộc đối đầu giữa tàu và máy bay của hai nước ở khu vực Biển Đông – nơi đang có căng thẳng leo thang có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn hơn. Những quy tắc trên có thể bị thách thức khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tính đến chuyện mở rộng các hoạt động tuần tra trên biển, trong đó có việc đưa tàu hải quân và máy bay quân sự đến thực hiện tuần tra khu vực trong phạm vi 12 hải lý với với những công trình mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở Biển Đông.
 
Kế hoạch của Mỹ chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của Trung Quốc.

Bà Howard từ chối không cho biết liệu tàu USS Fort Worth của Mỹ có đi vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong chuyến đi tuần tra đầu tiên vừa rồi hay không. Vị Đô đốc Mỹ cũng không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc chạm trán giữa tàu chiến Mỹ với tàu quân sự Trung Quốc. Tuy nhiên, tờ Stars & Stripes đưa tin, tàu của Mỹ đã bị một tàu khu trục của Trung Quốc theo dõi sát sao.
 
Trung Quốc đòi chủ quyền đến hơn 80% Biển Đông và liên tục có những hành động gây sóng gió trong khu vực nhằm tìm cách xác lập chủ quyền theo đòi hỏi thái quá và phi lý của nước này.
 
Việc duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông là điều vô cùng quan trọng bởi nơi đây chứa tuyến đường biển quan trọng có tính sống còn đối với thương mại thế giới. Khoảng một nửa tàu thuyền thương mại của thế giới đi qua vùng lãnh hải này hàng năm.
 
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng ở Biển Đông. Công trình bồi đắp của Trung Quốc ở Biển Đông đã mở rộng “đến hàng vài ngàn héc ta”, bằng kích cỡ của trung tâm tuyển quân ở ngũ đại hồ Great Lake của Hải quân Mỹ. Nơi này có thể chứa 30.000 đến 35.000 người/một năm, Đô đốc Howard, người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên chỉ huy một con tàu trong Hải quân Mỹ và cũng là người phụ nữ đầu tiên được phong hàm Đô đốc 4 sao của Mỹ.
 
“Tôi cho rằng, đã lên lúc Trung Quốc cần phải làm rõ cho mọi người biết những công trình bồi đắp, cải tạo và xây dựng của họ ở Biển Đông có nghĩa gì”, nữ Đô đốc cho hay. “Có một mục đích trong đó và tôi cho rằng để tất cả mọi người sống trong khu vực hiểu rõ lý do, việc Trung Quốc đưa ra lời giải thích là điều nên làm và có ích”.
 
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên 6 bãi san hô mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
 
Việc Trung Quốc tăng cường hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép trên Biển Đông đang là chủ đề gây xôn xao dư luận thế giới và nước này đang vấp phải làn sóng chỉ trích, lên án dữ dội của hàng loạt nước trong và ngoài khu vực
 
Giới chức Mỹ đang liên tục lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc. Mới đây nhất, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã nói với các phóng viên ở thành phố Hồ Chí Minh rằng, hoạt động cải tạo, bồi đắp và xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông là nguy cơ tiềm tàng gây ra những bất ổn trong khu vực.
 
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Thái Bình Dương và Đông Á còn thẳng thừng tuyên bố: “Dù bạn có đắp bao nhiêu cát lên trên một bãi đá ở Biển Đông thì bạn cũng chẳng thể tạo ra được chủ quyền”.


Kiệt Linh - (theo Bloomberg)

Ý kiến bạn đọc