Nga triển khai trực thăng "khủng" nhất thế giới

11:12, 26/05/2015
|

(VnMedia) - Trực thăng Kamov Ka-52 được chế tạo để sử dụng trên tàu trực thăng đổ bộ lớp Mistral của Pháp sẽ được đưa vào phục vụ cho Hải quân Nga, bất chấp việc hợp đồng mua tàu chiến này với Pháp thất bại. Thông tin trên vừa được trưởng nhóm thiết kế trực thăng Kamov đư ra hôm qua (25/5).
 
“Tình huống (về việc bàn giao tàu Mistral) đã dẫn đến thực tế rằng, Hải quân Nga sẽ giữ loại trực thăng đặc dụng này để triển khai cho các tàu chiến khác”, ông Sergei Mikheev cho hay.
 
Ông Mikheev cho biết, loại trực thăng này có những tính năng đặc biệt giúp nó có thể triển khai trên bất cứ loại tàu nào của Hải quân Nga.
 
Ka-52 là một máy bay trực thăng trinh sát và chiến đấu thế hệ mới của Nga, nó được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép và các công sự trên mặt đất, máy bay trực thăng của quân địch.

Ảnh minh họa

Trực thăng Ka-52 hiện được đánh giá là một trong những trực thăng tấn công tốt nhất thế giới.
 
Ka-52 Alligator (cá sấu) là loại trực thăng tấn công đa năng hoạt động trong mọi thời tiết, cả ban ngày lẫn ban đêm, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, trinh sát, định vị mục tiêu, hỗ trợ cho các đơn vị mặt đất và phối hợp hoạt động của các trực thăng quân sự khác. Nó cũng có khả năng tấn công và tiêu diệt các loại mục tiêu mặt đất (xe bọc thép lẫn công sự), chi viện hỏa lực hay tấn công các mục tiêu đường không ở tốc độ thấp trong mọi điều kiện thời tiết.
 
Ka-52 cũng là trực thăng tấn công đầu tiên trên thế giới trang bị ghế phóng K-37-800M giúp phi công thoát ra ngoài trong trường hợp trực thăng bị trúng đạn hoặc gặp sự cố nghiêm trọng.
   
Điểm vượt trội của Ka-52 so với các trực thăng tấn công khác là khả năng cơ động rất cao. Nó có thể bay lùi với tốc độ 130 km/h và bay ngang với tốc độ 100 km/h.
 
Một ưu thế nữa của Ka-52 là khả năng bay kiểu xoáy, nghĩa là bay xung quanh một điểm ngắm và hướng hệ thống vũ khí về phía mục tiêu. Thiết kế nhỏ, gọn của máy bay đồng trục Ka- 52 cũng cho phép bay cao hơn.
 
Hệ thống vũ khí của Ka-52 rất mạnh với 6 giá treo vũ khí hai bên hông với tổng tải trọng vũ khí lên đến 2.000 kg bao gồm: 6 tên lửa chống tăng bám chùm laser bán tự động Vikhr cùng 2 bệ phóng rocket không điều khiển B8V-20 cỡ 80 mm.
 
Được trang bị vô cùng tân tiến và nhận được nhiều kì vọng, tháng 5/2011, Ka-52 đã chính thức được biên chế vào quân đội Nga. Theo dự định, các mẫu Ka-52K dành riêng cho hải quân sẽ được triển khai trên các tàu đổ bộ tấn công Mistral.
 
Với các tính năng rất hiện đại như vậy, Ka-52 được đánh giá là một trong những mẫu trực thăng tấn công hàng đâu thế giới hiện nay. Xét riêng trong cộng đồng các nước có truyền thống sử dụng vũ khí Liên Xô thời trước và Nga ngày nay, Ka-52 là một lựa chọn tốt để thay thế các mẫu trực thăng thế hệ cũ như Mi-8, Mi-24.
 
Bên cạnh đó, Ka-52 còn có phiên bản Ka-52K dành cho tác chiến chống ngầm. Với các thiết bị sonar hiện đại, Ka-52K sẽ hỗ trợ khả năng săn ngầm cho các tàu Gepard tốt hơn so với trực thăng Ka-28 đang được dùng trên các tàu này.
 
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thời hạn bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga đã qua đi nhiều tháng mà Pháp vẫn không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình. Lý do của sự trì hoãn này là do sức ép của phương Tây đặt lên vai Pháp liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trong trường hợp Pháp tự ý hủy hợp đồng thì đương nhiên nước này phải chấp nhận thanh toán một khoản tiền phạt. Giới chức ở Moscow từng tuyên bố sẵn sàng không nhận tiền phạt phá ngang hợp đồng của Paris nhưng họ vẫn đòi hỏi Pháp phải thanh toán các chi phí và tổn thất mà họ phải bỏ ra trong quá trình theo đuổi hợp đồng với Pháp. 
 
Vì giá trị kinh tế to lớn của hợp đồng này, suốt thời gian dài vừa qua, Pháp đang bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu thỏa mãn mong muốn của các đồng minh, Pháp sẽ phải hứng chịu tổn thất cực kỳ lớn vì phá hợp đồng với Nga. Không chỉ phải trả lại khoản tiền lớn của hợp đồng mà Nga thanh toán trước cho Pháp, Paris còn phải trả khoản tiền phạt khổng lồ lên tới hơn 10 tỉ euro (13 tỉ USD) vì không tuân thủ hợp đồng với Nga. Đây được xem là một thảm họa đối với cả nền kinh tế Pháp lẫn uy tín của ngành công nghiệp vũ khí Pháp. Còn nếu Pháp giao tàu chiến cho Nga, nước này sẽ khiến các đồng minh phương Tây nổi giận. 
 
Tuy nhiên, đến ngày 15/5 vừa qua, Pháp đã bất ngờ phác thảo và gửi Moscow bản đề nghị hủy bỏ hợp đồng siêu tàu chiến lớp Mistral mà hai nước đã ký kết với nhau.
 
Lời đề nghị mà Pháp đưa ra hàm ý rằng họ sẽ “trả lại Nga khoản tiền 785 triệu euro nhưng Nga chỉ nhận được khoản tiền này sau khi chính phủ ở Moscow có văn bản chính thức đồng ý cho phép Pháp bán hai siêu tàu Mistral cho bất kỳ bên thứ ba nào mà không có điều kiện gì”.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc