“Nga, EU không thể sống thiếu nhau”

17:24, 12/05/2015
|

(VnMedia) - Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo đã kêu gọi bình thường hoá quan hệ giữa Nga và Châu Âu trong cuộc họp diễn ra ngày hôm qua (11/5) của Hội đồng Thường trực Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE). Theo ông Garcia-Margallo, Nga và EU không thể sống thiếu nhau.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


"Chúng ta cần phải xem xét các cách thức để bình thường hoá quan hệ giữa Nga và Châu Âu bởi một bên sẽ không thể tưởng tượng được nếu thiếu bên kia”, tờ Agencia EFE dẫn lời Ngoại trưởng Tây Ban Nha Garcia-Margallo cho biết.
 
Ông Garcia-Margallo cũng cho rằng, Nga nên được xem là “một đồng minh chiến lược chứ không phải là một đối thủ” của Liên minh Châu Âu (EU).
 
Nhà ngoại giao hàng đầu Tây Ban Nha còn nói thêm rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine không thể được giải quyết bằng biện pháp quân sự và rằng thoả thuận Minsk cần phải được tôn trọng. Ông Garcia-Margallo nhấn mạnh vai trò của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu trong việc giám sát và xác nhận tình trạng tuân thủ các thoả thuận Minsk, coi đó là điều “cơ bản”.
 
"Việc tuân thủ lệnh ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự phải là một mục tiêu trước mắt. Phái đoàn giám sát nên được cho phép thực hiện các nhiệm vụ của họ trong tình trạng được đảm bảo an ninh đầy đủ”, ông Garcia-Margallo cho hay.
 
EU sắp dỡ bỏ lệnh ngừng phạt đối với Nga?
 
Trong một động thái khác cho thấy EU dường như đang thay đổi lập trường với Nga theo hướng dịu nhẹ hơn, Tổng thống Czech Milos Zeman vừa cho biết, các biện pháp trừng phạt mà EU đang áp đặt lên Nga có thể được dỡ bỏ vào cuối năm nay.
 
"Tôi cũng sẽ nói thêm rằng, EU có thể sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt đối với Nga, có thể thậm chí trước cuối năm nay. Hội đồng Châu Âu sẽ thảo luận về vấn đề này vào tháng 6, tôi nghĩ là như vậy”, ông Zeman cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Kommersant ngày hôm nay (12/5).
 
Theo Nhà lãnh đạo Czech, các biện pháp trừng phạt về kinh tế là “hoàn toàn vô ích” trong khi đã có những giới hạn về chính trị được áp đặt để ngăn chặn Nga “xâm lược miền đông Ukraine”.
 
"Tôi tin rằng, tất cả những bước đi chính thức của giới lãnh đạo Nga hiện nay đã chứng minh rằng họ hoàn toàn không can thiệp gì vào tình hình miền đông Ukraine”, ông Zeman phát biểu đồng thời thêm rằng ông tin là cuộc xung đột nội bộ ở khu vực miền đông Ukraine đang dần đi đến hồi kết.
 
Mối quan hệ của Nga với Liên minh Châu Âu đã xấu đi một cách tồi tệ chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mỹ cùng với Liên minh Châu Âu ra sức đổ lỗi cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng, kích động cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Dù Moscow kiên quyết bác bỏ những cáo buộc trên, Liên minh Châu Âu và Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có những đòn trừng phạt gây tổn thương sâu sắc đến nền kinh tế Nga. Đáp lại, Moscow cũng tung đòn trả đũa bằng cách áp dụng lệnh cấm vận nông sản, thực phẩm đối với tất cả các nước áp dụng chính sách trừng phạt với Nga. Kết quả là cả Nga và Liên minh Châu Âu đều phải hứng chịu tổn thất nặng nề từ “cuộc chiến” trừng phạt nói trên.
 
Trên thực tế, EU không hề muốn trừng phạt Nga – đối tác thương mại và năng lượng hàng đầu của liên minh này. Tuy nhiên, dưới sức ép mạnh mẽ của Mỹ, EU buộc phải ra tay dù biết trước hậu quả mà họ phải gánh chịu.
 
Khi càng ngày càng phải ngấm đòn đau từ các biện pháp trừng phạt của chính EU và từ đòn trả đũa của Nga, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu gồm Hungary, Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha và Cyprus... bắt đầu lên tiếng phản đối chính sách trừng phạt Nga đồng thời bày tỏ hy vọng hòa giải với Nga. Các nước này đều nói đến những khó khăn kinh tế mà họ phải hứng chịu từ biện pháp cấm vận thực phẩm và nông sản của Nga.
 
Trong khi đó, nước dẫn dắt EU trong cuộc đối đầu với Nga là Mỹ lại dường như không hề hấn gì. Điều này khiến cho nhiều nước EU càng thêm bất mãn. Liên tiếp trong nhiều tháng nay, giới chức lãnh đạo và cả các chuyên gia của EU nhiều lần lên tiếng kêu gọi EU thay đổi chính sách với Nga.
 
Cuộc họp của EU vào tháng 6 tới có thể sẽ mở đường cho liên minh này thoát khỏi thế bế tắc hiện nay trong quan hệ với Nga. Điều kiện hiện tại cũng tạo cơ hội cho EU bởi cuộc khủng hoảng ở Ukraine giờ đây cũng đã dịu nhẹ đi rất nhiều. Giới chức EU thường tuyên bố, việc họ có dỡ bỏ biện pháp trừng phạt Nga hay không phụ thuộc vào tiến triển của tình hình ở Ukraine.
 
Hiện giờ, không thể phủ nhận là miền đông Ukraine đang được chứng kiến những ngày tương đối bình yên sau thời gian dài hứng chịu khói lửa, bom đạn vì cuộc xung đột ác liệt và đẫm máu giữa quân Kiev với lực lượng ly khai. Hai bên đối địch nhau ở miền đông Ukraine đang thực thi thoả thuận ngừng bắn tương đối tốt dù vẫn còn tình trạng vi phạm ở đâu đó. Tình trạng bạo lực, giao tranh đã giảm rõ rệt, nhờ đó thương vong cũng giảm mạnh. Nếu xét trên tình hình này, EU có lý do để dỡ bỏ một phần hay hoàn toàn các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
 
Về phần mình, Nga cũng tỏ ra rất cứng rắn, tuyên bố sẽ không đề cập đến vấn đề trừng phạt với EU và rằng EU tự áp đặt các biện pháp trừng phạt thì tự EU quyết định có dỡ bỏ hay không. Phát biểu của Nga ám chỉ, họ sẽ không nhượng bộ trước các đòn trừng phạt của EU.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc