NATO khiến Nga phải "xoay chuyển" chiến lược

19:13, 06/05/2015
|

(VnMedia) - Hội đồng An ninh Nga vừa đưa ra quyết định sẽ điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia tới năm 2020 cũng như học thuyết an ninh thông tin của nước này. Thông tin trên vừa được Thư ký của Hội đồng An ninh Nga – ông Nikolay Patrushev đưa ra trên đặc san của tờ Krasnaya Zvezda.
  
Trong bài viết, ông cho biết: “Trước hết, đây là việc làm tất yếu do những mối đe doạ quân sự mới nổi. Những dấu hiệu có thể thấy được trong các diễn biến của phong trào Mùa Xuân Ả-Rập, Syria, Iraq và Ukraine".
  
Ông cáo buộc, những cường quốc hàng đầu đang sử dụng “những hành động gián tiếp” dựa trên các cuộc biểu tình của nhân dân, các tổ chức cực đoan và quá khích, các nhóm quân sự riêng lẻ để theo đuổi lợi ích riêng của mình.

Ảnh minh họa

Thư ký Hội đồng An ninh Nga cũng lưu ý rằng: "Mỹ và NATO ngày càng hiếu chiến hơn với Nga. Họ củng cố lực lượng gần biên giới chúng tôi và đang tích cực triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu".
 
Theo ông, đó chính là những lý do trên khiến Nga buộc phải sửa đổi học thuyết quân sự để  đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm của các lực lượng vũ trang, phát triển lĩnh vực quốc phòng và có những bước đi phù hợp để ngăn chặn xung đột vũ trang.
 
"Học thuyết quân sự của Nga đã được sửa đổi vào cuối năm 2014”, ông Patrushev cho biết, đồng thời thêm rằng:“Học thuyết này tập trung hơn vào các vấn đề trong nước, sự đối đầu về mặt thông tin. Nó chỉ rõ một số quy định trong học thuyết quân sự hiện nay. Đồng thời, nó duy trì bản chất phòng thủ và tái khẳng định cam kết của Nga đối với việc sử dụng các biện pháp quân sự nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia khi tất cả những biện pháp phi vũ lực đã “cạn kiệt”.

Kể từ khi Nga quyết định sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine, mối quan hệ giữa Moscow và NATO đã đi theo chiều hướng ngày càng xấu đi, thậm chí còn xấu hơn cả thời Chiến tranh Lạnh khi cả hai bên đều có những hành động tăng cường quân sự. Moscow đã tiến hành hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục nghìn binh sĩ và tất cả các đơn vị quân đội.

Các chuyên gia Nga nhận định Nga đang dùng chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” với NATO và phương Tây. Theo đó, một mặt Nga gây áp lực buộc phương Tây phải nhượng bộ giữa lúc phương Tây áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga, mặt khác vẫn đảm bảo lực lượng vũ trang nước này sẵn sàng trước bất kỳ những cuộc đối đầu quân sự toàn diện. Nga cũng tăng cường kho vũ khí, củng cố sức mạnh quân sự của mình. Tổng thống Putin khẳng định việc phát triển các lực lượng hạt nhân chiến lược sẽ là ưu tiên của quân đội Nga trong năm 2015, tăng cường sức mạnh phòng thủ với nhiều loại vũ khí tối tân, triển khai thêm tên lửa, tàu chiến, tàu ngầm hiện đại.

Trong chiến lược quân sự mới của mình, Nga cũng đẩy mạnh tăng cường hợp tác quân sự với nhiều nước và khu vực khác, bao gồm các nước BRICS, các nước Trung Á và Mỹ Latinh, Nam Ossetia và Abkhazia - hai khu vực ly khai tại Georgia.

Ngoài ra, Nga cũng tăng cường bảo vệ các nước thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), cùng một số nước quan sát viên khác. Đồng thời, nước này cũng mở rộng hợp tác với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
 
Trong một diễn biến khác, ông Anatoly Aksyonov, người đại diện Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport (Nga) tại triển lãm quân sự quốc tế IDEF-2015 ở Instanbul vào hôm 5/5 cho biết, họ đang có kế hoạch mở rộng việc buôn bán vũ khí và thiết bị quân sự cho Thổ Nhĩ Kì.
 
Đại diện của Rosoboronexport cho biết, Nga và Thổ Nhĩ Kì cũng sẽ thúc đẩy việc hợp tác trên nhiều lĩnh vực công nghệ cao khác trong đó có cả việc phát triển các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn, thông tin liên lạc điện tử và nghiên cứu các loại vũ khí thiết bị quân sự hiện đại, cũng như hợp tác trên không gian vũ trụ.
 
Thông tin được đăng tải trên trang mạng của Rosoboronexport cho hay, Nga hiện đang cung cấp cho Thổ Nhĩ Kì các dịch vụ sau bán hàng và tiếp tục bàn giao nhiều phụ kiện thay thế liên quan đến trực thăng vận tải Mi-17. Phía Nga cũng đã đề nghị được thầu các gói nâng cấp đối với các thiết bị quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Theo RIA, Nga và Thổ Nhĩ Kì đã bắt đầu hợp tác quân sự từ khi cùng ký kết Hiệp ước Hữu nghị, tạo điều kiện cho hàng loạt các gói hỗ trợ tài chính và công nghệ quân sự của Nga được chuyển đến cho Thổ Nhĩ Kì.
 
Triển lãm IDEF-2015 vừa khai mạc hôm qua 5/5 và sẽ kéo dài đến 8/5 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nga bắt đầu tham gia triển lãm này thường niên từ năm 1995. Được biết, năm 2013, gian hàng của Rosoboronexport đã được thăm quan bởi 50 đoàn đại biểu đến từ 17 nước khác nhau.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc