Khám phá sức mạnh quân sự của Ukraine

15:03, 14/05/2015
|

(VnMedia) - Văn phòng báo chí của Tổng thống Ukraine - Petro Poroshenko mới đây cho biết, nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ, Ukraine dự kiến sẽ tăng chi tiêu quân sự lên mức chiếm 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2015.
 
Ông Poroshenko trước đó cũng nhận định rằng, hệ thống tài chính của Ukraine cần được điều chỉnh để đáp ứng các mục tiêu quân sự. 

Ảnh minh họa

“Về vấn đề hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực an ninh và quốc phòng, Chính phủ đã được giao nhiệm vụ đặc biệt đó là hoàn tất một gói ngân sách dự thảo quốc gia cho Ukraine vào năm 2015, trong đó ưu tiên chi tiêu cho các chương trình quốc phòng. Ví dụ, những nhu cầu về an ninh quốc gia sẽ được cấp mức ngân sách không dưới 3% GDP của cả nước”, thông cáo của văn phòng báo chí trên cho hay.
     
Sau cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine, chính phủ Kiev đang tích cực đổ tiền vào ngành công nghiệp quốc phòng và kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
 
Trước đó, Thủ tướng Ukraine - Arseniy Yatsenyuk cho biết, chính phủ nước này sẽ đầu tư hơn 76 triệu USD vào chương trình mua sắm và nâng cấp vũ khí quốc phòng.
 
Từng là một phần của Liên Xô cũ, Ukraine được thừa hưởng nhiều công nghệ quan trọng trong sự phát triển của các hệ thống vũ khí của siêu cường một thời. Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Kiev nắm giữ khoảng 30% nền công nghiệp quốc phòng.
 
Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, Ukraine đủ khả năng để tạo dựng một nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh có thể sánh ngang với Nga, tuy nhiên, điều mà nước này đang thiếu là tiềm lực tài chính.
 
Được biết, đến nay vẫn còn có một số nhà máy sản xuất vũ khí quan trọng của Liên Xô cũ vẫn nằm trên lãnh thổ Ukraine như: Hãng chế tạo máy bay nổi tiếng Antonov, nhà máy sản xuất xe tải hạng nặng chuyên dụng KrAZ, nhà máy Kiev Arsenal, Cục thiết kế Yuzhnoye nơi thiết kế các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa của Liên Xô trước đây.
 
Bên cạnh đó, Ukraine còn nắm nhiều công nghệ quan trọng liên quan đến hệ thống dẫn đường cho tàu ngầm, công nghệ radar, cùng các công nghệ dẫn đường tiên tiến cho tên lửa.
 
Hệ thống công nghiệp quốc phòng Ukraine được đánh giá là tiên tiến, gồm 85 tổ chức khoa học tập trung cho việc phát triển các hệ thống vũ khí phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ukraine sở hữu 18 viện thiết kế và 64 doanh nghiệp sản xuất, chuyên trách phát triển các hệ thống phức tạp trên không và không gian vũ trụ.
 
Ngoài ra, nước này còn có 15 viện nghiên cứu và phát triển, 40 viện thiết kế và 67 doanh nghiệp phát triển vũ khí vàu tàu chiến cho hải quân cùng với 6 văn phòng thiết kế và 28 nhà máy sản xuất nghiên cứu, chế tạo tên lửa, đạn dược  và các thiết bị liên quan.
 
Cùng với đó, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine có nhiều thế mạnh trong phát triển các loại động cơ dùng cho máy bay và tàu chiến, xe tăng nhất là động cơ tuabin khí dùng trong tàu chiến và xe tăng. Kiev cũng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các loại tên lửa đối không, xe tăng và công nghệ radar.
 
Một số lĩnh vực của công nghiệp quốc phòng Ukraine được sản xuất theo công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay như: Tên lửa hành trình; vệ tinh và các thiết bị nghiên cứu vũ trụ; các hệ thống tên lửa đối không tích hợp và các thiết bị quang học chính xác.
 
Không chỉ có vậy, theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Ukraine từng đứng thứ 11 trong top 15 quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, điều này vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của họ. 
 
Những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Ukraine có thể kể đến như: Xe tăng chiến đấu chủ lực T-84 Oplot, T-84 Oplot đã được xuất khẩu cho Gruzia, Thái Lan. Ngoài ra, phải kể tới xe thiết giáp BTR-3BR, BTR-3E, loại xe chiến đấu bộ binh này đã được xuất khẩu rộng rãi cho nhiều quốc gia trên thế giớ như: Myanmar, Thái Lan, Nigeria, Ecuador...

Một trong những sản phẩm có thể coi là tiêu biểu cho nền công nghiệp quốc phòng Ukraine là hệ thống radar thụ động Kolchuga-M, đây là hệ thống cảm biến thụ động phát hiện máy bay tàng hình tiên tiến nhất thế giới.

Ukraine cũng là quốc gia cung cấp tên lửa không đối không tầm trung R-27 (NATO định danh là AA-10 Alamo) cho một số quốc gia khác có sử dụng tiêm kích dòng Su-27/30 của Nga.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc