Bỏ Nga theo phương Tây, 6 nước cựu Xô-viết vỡ mộng?

19:50, 22/05/2015
|

(VnMedia) - Giới lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đã có cuộc gặp với 6 nước láng giềng cựu Xô-viết của Nga ở Riga trong một động thái nhằm tập hợp lực lượng đối phó với Nga sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, những nước cựu Xô-viết không khỏi thất vọng về liên minh mà họ đang hướng tới.
 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Merkel (áo vàng)


"Liên minh Châu Âu đã tiếp tục theo đuổi tiến trình bất chấp sự dọa dẫm, gây hấn và thậm chí cả chiến tranh trong năm ngoái”, chủ tọa hội nghị thượng đỉnh giữa EU và 6 nước cựu Xô-viết – ông Donald Tusk đã phát biểu như vậy. Ông này bác bỏ mối quan ngại của Moscow về việc EU đang tìm cách ve vãn, lôi kéo các nước láng giềng xung quanh Nga. Ông Tusk còn cáo buộc Nga “dọa dẫm” các nước cựu Xô-viết để bù đắp vào sự thiếu hấp dẫn của Nga với tư cách như một đồng minh.
 
Tuy nhiên, đang có sự lo ngại và thận trọng giữa các cường quốc lớn của Châu Âu về việc hành động của họ sẽ chọc giận Tổng thống Vladimir Putin. Thực tế này đã kiềm chế bớt tham vọng ở Brussels và hầu hết giới lãnh đạo thân phương Tân của 6 nước thuộc “Đối tác Phương Đông” không thể che giấu được nổi thất vọng về việc thiếu những lời cam kết chắc chắn của EU trong việc họ cuối cùng sẽ được gia nhập vào liên minh phương Tây này.
 
Giới chức EU vẫn đang phác thảo một thông cáo chung cho ngày hôm nay (22/5) – một thông cáo có thể làm hài lòng tất cả 34 phái đoàn tham gia hội nghị thượng đỉnh.
 
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khăng khăng cho rằng ông không cảm thấy thất vọng với một bản tuyên bố chung phác thảo được đưa ra trong ngày hôm nay, trong đó chỉ tái khẳng định “nguyện vọng Châu Âu” của Kiev và các nước khác. Tuy nhiên, ông Poroshenko nhấn mạnh, tương lai gia nhập EU vẫn là một mục tiêu.
 
Một số thành viên mới hơn của EU ở phía đông tỏ ra lấy làm tiếc trước sự thận trọng của Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói rõ tại Quốc hội ở Berlin trước khi đến tham dự hội nghị rằng, “Chúng ta không thể tạo ra một sự kỳ vọng sai lầm”. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố, “họ chưa sẵn sàng và chúng ta cũng chưa sẵn sàng” nhưng ông này cũng thêm rằng “tiến trình đang diễn ra”.
 
Thông điệp phũ phàng của EU với các đồng minh Đông Âu
 
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói với các đối tác Đông Âu của EU rằng, họ đừng nên chờ đợi, kỳ vọng quá nhiều ở liên minh này đồng thời cũng lên tiếng cảnh báo Nga hãy thay đổi chính sách trong vấn đề Ukraine nếu muốn gia nhập trở lại câu lạc bộ G7 của các cường quốc hàng đầu thế giới.
 
Tại các cuộc hội đàm, giới lãnh đạo EU sẽ tái khẳng định cam kết của họ trong việc phát triển các mối quan hệ kinh tế và chính trị với Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Moldova và Ukraine. Tuy nhiên, bà Merkel thẳng thừng cho hay, “Đối tác Phương Đông” không phải là “một công cụ” để mở rộng EU. “Vì thế, chúng ta không được tạo ra những kỳ vọng giả mà chúng ta sau đó không thể thực hiện được”.
 
Nhiều nước láng giềng của Nga đang rời bỏ Moscow tìm cách gia nhập vào Liên minh Châu Âu. Những nước này đương nhiên đặt kỳ vọng rất nhiều vào việc họ sẽ được hưởng các lợi ích lớn từ việc trở thành một thành viên của EU. Tuy nhiên, các nước láng giềng của Nga không tránh khỏi cảm giác thất vọng khi phải chờ đợi mỏi mòn mà những thứ họ trông mong, chờ đợi dường như vẫn còn xa vời.
 
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, Liên minh Châu Âu dù lôi kéo các nước cựu Xô-viết về phía mình, nhưng lại không hề muốn chọc giận Nga. EU thừa hiểu, họ và Nga rất cần nhau và phụ thuộc vào nhau rất nhiều. Nga vốn là một đối tác thương mại và năng lượng hàng đầu của Châu Âu. Vì thế, trong lúc lôi kéo các nước láng giềng của Nga, EU vẫn tìm cách cân bằng quan hệ với Nga để tránh không làm Nga tức giận. Điều này cũng được thể hiện rõ qua hội nghị thượng đỉnh giữa EU và 6 nước cựu Xô-viết đang diễn ra ở Riga.
 
Trong khi nói với các nước cựu Xô-viết là đừng trông mong quá nhiều vào EU thì Thủ tướng Đức Merkel còn lên tiếng trấn an Moscow. Nhà lãnh đạo của cường quốc hàng đầu Châu Âu nói rằng, Nga không có lý do gì phải lo ngại về mối quan hệ ngày càng gắn bó hơn, thân thiết hơn giữa Liên minh Châu Âu gồm 28 thành viên và 6 nước cựu Xô-viết.
 
"Đối tác Phương Đông không phải là một thứ nhằm vào bất kỳ ai, đặc biệt không phải nhằm vào Nga", Thủ tướng Merkel đã nhấn mạnh như vậy.
 
Quan hệ giữa Nga và EU đang xấu đi nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. EU và Mỹ ra sức đổ lỗi, chỉ trích Moscow về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Với lý do này, Mỹ và phương Tây tìm mọi cách dồn ép, gây áp lực với Nga. Các nước này đã liên tiếp tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đồng thời không ngừng chỉ trích và lên án Nga trên các phương tiện truyền thông thế giới. Phương Tây cũng tìm cách thổi phồng mối đe dọa từ Nga, khiến các nước láng giềng xung quanh Nga cảm thấy bất an. Người ta tin rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine thực chất là cuộc đấu nhằm tranh giành các nước cựu Xô viết giữa Nga và phương Tây.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc