Bị vạch mặt, Trung Quốc tức tối vu khống láng giềng

07:05, 01/05/2015
|

(VnMedia) - Sau nhiều tuần đối diện với sự chỉ trích dữ dội của cộng đồng quốc tế về những hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép ở Biển Đông, Trung Quốc ngày 29/4 đã tức tối quay sang “tấn công” Philippines, Việt Nam và các nước khác bằng cách cáo buộc các nước này cũng có hoạt động xây dựng trái phép ở Biển Đông.
 

Ảnh minh họa

Những hành động ở Biển Đông của Trung Quốc đang gây bất bình với các nước trong khu vực và cộng đồng thế giới


Trung Quốc đang ngang ngược đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển chiến lược giàu tài nguyên. Để thực hiện tham vọng của mình, Trung Quốc quyết liệt tranh giành chủ quyền với các nước láng giềng xung quanh như Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và cả Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Những hình ảnh thu được từ vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động xây dựng một đường băng thích hợp cho mục đích quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và có thể còn đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một đường băng khác tương tự.
 
Các động thái trên của Trung Quốc cùng với hàng loạt hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo một cách trái phép ở Biển Đông đã gây ra nỗi quan ngại sâu sắc không chỉ với các nước láng giềng mà trên khắp thế giới. Nhiều nước ngoài khu vực đã phải lên tiếng, trong đó có Mỹ. Hoạt động bồi đắp, xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông cũng là vấn đề thống trị, bao phủ trong những vấn đề được đưa ra bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa diễn ra trong tuần. ASEAN đã có tiếng nói mạnh mẽ trước những bước đi gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh không khỏi khó chịu, tức tối.
 
Tại một cuộc họp báo định kỳ diễn ra ngày hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã lên tiếng cáo buộc rằng, các nước khác cũng đang tiến hành hoạt động xây dựng, bồi đắp, cải tạo ở quần đảo Trường Sa của Biển Đông.
 
"Trong một thời gian dài, Philippines, Việt Nam và các nước khác đã và đang tiến hành các hoạt động bồi đắp trên quần đảo của Trung Quốc mà họ đang chiếm đóng bất hợp pháp, trong đó có việc xây dựng các sân bay và những cơ sở hạ tầng cố định khác, thậm chí còn triển khai tên lửa và các thiết bị quân sự”, ông Hồng Lỗi đã ngang nhiên nói như vậy.
 
Ở thủ đô  Manila, một quan chức cấp cao của Lực lượng Vũ trang Philippines đã lên tiếng phủ nhận, khẳng định Philippines tại thời điểm này không tiến hành bất kỳ hoạt động bồi đắp, cải tạo hay xây dựng nào.
 
"Hãy chứng minh cáo buộc”, vị quan chức giấu tên của Philippines phát biểu, thách Trung Quốc đưa ra được bằng chứng chứng minh cho cáo buộc mà ông Hồng Lỗi vừa đưa ra.
 
Ông Hồng Lỗi cũng tố rằng Việt Nam đang xây dựng cảng biển, đường băng, căn cứ tên lửa, các tòa nhà văn phòng, doanh trại, khách sạn, ngọn hải đăng và bãi đỗ trực thăng ở hơn 20 bãi đá và đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn trắng trợn tuyên bố: “Trung Quốc phản đối các hoạt động bất hợp pháp và kêu gọi các nước có liên quan dừng ngay lập tức những hành động vi chủ quyền và quyền chủ quyền của Trung Quốc”.
 
Những phát biểu của ông Hồng Lỗi không chỉ thể hiện sự ngang ngược, vu khống trắng trợn mà còn khiến người ta cảm thấy nực cười.
 
Quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.
 
Trong thời kỳ Pháp thuộc (từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20), Chính phủ Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối yêu sách của các nước khác đối với hai quần đảo này.
 
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951 – Hội nghị giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 với sự tham gia của 51 quốc gia. Tại Hội nghị này, Trưởng Phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào từ 50 quốc gia tham dự còn lại. Mặt khác, đề xuất của đoàn Liên Xô trao chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc đã bị đa số đại biểu trong Hội nghị phản đối với tỷ lệ số phiếu là 46 phiếu chống.
 
Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Theo Hiệp định, Pháp sẽ rút khỏi lãnh thổ của Việt Nam theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam và trong thời hạn thỏa thuận giữa các bên. Phù hợp với Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố khẳng định chủ quyền và có các hành vi thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Trung Quốc là một trong những nước tham gia Hội nghị quốc tế về Đông Dương tại Giơ-ne-vơ 1954 biết rất rõ điều này và Trung Quốc có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện quốc tế của Hội nghị đó.
 
Với bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, việc Trung Quốc cáo buộc Việt Nam xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa rõ ràng là một điều hết sức nực cười, lố bịch và phi lý.
 
Nếu Việt Nam thực sự có hành động trái phép ở Biển Đông thì tại sao Việt Nam không bị cộng đồng quốc tế lên án mà chính Trung Quốc lại đang phải hứng chịu làn sóng chỉ trích, lên án dữ dội chưa từng có từ các nước láng giềng xung quanh và cộng đồng quốc tế.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc