Trung Quốc vùng vẫy trong vòng vây siết chặt của Mỹ

12:11, 05/04/2015
|

(VnMedia) - Mỹ tiếp tục có một loạt những động thái nhằm siết chặt vòng vây xung quanh Trung Quốc. Diễn biến này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc lo lắng đến mức “đứng ngồi không yên”.
 

Ảnh minh họa

  Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã chọn Nhật Bản, Hàn Quốc, hai đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở Châu Á và sát đối thủ Châu Á – là hai điểm dừng chân trong chuyến công du Châu Á-Thái Bình Dương đầu tiên của ông này trên cương vị mới. Đây được xem là một động thái nhằm tập hợp, củng cố liên minh của Mỹ ở khu vực trong một nỗ lực nhằm làm đối trọng và kiềm chế Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ còn công bố ủng hộ Ấn Độ trong công nghệ chế tạo tàu sân bay. Việc Washington giúp đỡ New Delhi phát triển vũ khí tối tân chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc giận sôi bởi Ấn Độ được cho là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Trung Quốc trong khu vực.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Nhật Bản, Hàn Quốc
 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter sẽ đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần tới trong chuyến công du khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đầu tiên của ông này kể từ khi ông tiếp nhận chức vụ ông chủ Lầu Năm Góc. Chuyến thăm của ông Carter được tuyên bố là nhằm để thúc đẩy chính sách tái cân bằng lực lượng của Mỹ ở khu vực, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 3/4 cho biết.
 
Chuyến thăm của Bộ trưởng Carter sẽ bắt đầu vào ngày mai (6/4). Đây là một trong hai chuyến thăm mà ông Carter dự kiến thực hiện ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong vòng 2 tháng tới. Vào tháng 5, ông chủ Lầu Năm Góc sẽ đến thăm Singapore để tham dự cuộc Đối thoại Shangri-La – nơi ông Carter sẽ có cuộc gặp với các đối tác đến từ Đông Nam Á. Sau Singapore, ông Carter sẽ đến Ấn Độ.
 
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực đagn leo thang do việc Trung Quốc và các nước láng giềng gần nhất đang có cuộc tranh chấp quyết liệt ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Mỹ kêu gọi Trung Quốc và các nước láng giềng giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải bằng biện pháp hòa bình.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Carter sẽ đến thăm trường Đại học bang Arizona trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du. Tại đây, ông sẽ có bài phát biểu trước các sinh viên về mối quan hệ giữa an ninh quốc gia và an ninh kinh tế, Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố.
 
Ông Carter cũng sẽ thảo luận về các kế hoạch của chính quyền Mỹ nhằm thúc đẩy chiến lược tái cân bằng ở Châu Á-Thái Bình Dương mà Tổng thống Barack Obama thông báo trong định hướng chiến lược quốc phòng năm 2012. Chiến lược tái cân bằng kêu gọi Lầu Năm Góc cũng như các cơ quan chính phủ khác tăng cường sự tập trung vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Carter sẽ đến Nhật Bản vào chiều ngày thứ Ba (7/4) và sẽ có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Nhật Bản vào thứ Tư (8/4) và thứ Năm (9/4) để thảo luận về các vấn đề an ninh song phương cũng như các vấn đề khác trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe đến Washington vào cuối tháng 4.
 
Sau chặng dừng chân ở Nhật Bản, ông chủ Lầu Năm Góc sẽ đến thăm thủ đô Seoul vào ngày thứ Năm (9/4) và sẽ có cuộc gặp với các quan chức chính phủ cấp cao Hàn Quốc vào ngày thứ Sáu (10/4) để tái khẳng định cam kết của Mỹ với an ninh Hàn Quốc. Ông Carter sẽ có cuộc gặp với giới lãnh đạo quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương trong chuyến thăm đến Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii vào ngày thứ Bảy (11/4).
 
Mỹ ủng hộ Ấn Độ mua công nghệ tàu sân bay
 
Trong một diễn biến khác liên quan đến khu vực Châu Á, chính phủ Mỹ tuyên bố ủng hộ việc bán hệ thống phóng điện từ cho tàu sân bay của tập đoàn General Atomics cùng nhiều công nghệ then chốt khác cho Ấn Độ - đối tác nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Lầu Năm Góc.
 
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Frank Kendall – người đứng đầu nỗ lực chung về hợp tác thương mại và công nghệ quốc phòng Mỹ-Ấn Độ, cho biết, ông rất lạc quan về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong việc phát triển tàu sân bay cho Ấn Độ.
 
"Tôi lạc quan về việc hợp tác với họ trong lĩnh vực đó”, ông Kendall cho hãng tin Reuters biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn khi được hỏi về khả năng của Ấn Độ trong việc sở hữu công nghệ Hệ thống Phóng Máy bay bằng Điện từ (EMALS) do hãng General Atomics sở hữu. Hãng này đóng tại San Diego, California.
 
"Họ sẽ có quyết định của riêng mình về việc công nghệ nào họ muốn nhưng tôi không thấy có bất kỳ cản trở cơ bản nào cho họ trong việc đạt được một số công nghệ tàu sân bay nếu họ muốn”, ông Kendall phát biểu.
 
Ấn Độ muốn có trong tay công nghệ tối tân của Mỹ để tăng cường khả năng và năng lực của một tàu sân bay mà họ có kế hoạch đóng.
 
Việc Mỹ sẵn sàng bán công nghệ tối tân của tàu sân bay cho Ấn Độ sẽ giúp củng cố, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa hai nước này và mối quan hệ này là nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
 
Những động thái trên của Mỹ rõ ràng là nhằm siết chặt vòng vây xung quanh Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng tìm cách nổi lên bằng hàng loạt chính sách quyết liệt, cứng rắn.
 


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc