Trung Quốc hứng đòn choáng váng ở Biển Đông

09:57, 23/04/2015
|

(VnMedia) - Thủ tướng Shinzo Abe tháng tới sẽ trình lên Quốc hội Nhật Bản dự luật trong đó cho phép mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ nước này. Điều đó sẽ dẫn tới việc Tokyo có thể tham gia sâu hơn vào các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Dự luật mới nằm trong chiến dịch của Thủ tướng Abe nhằm thiết lập một quân đội mạnh hơn, chủ động hơn và tích cực hơn. Nếu được thông qua, dự luật sẽ cho phép Tokyo cung cấp sự hậu thuẫn về hậu cần và không mang tính chiến đấu cho Mỹ trong những cuộc xung đột ở bên ngoài “những khu vực xung quanh Nhật Bản”. Sự giúp đỡ này bao gồm việc cung cấp nhiên liệu và đạn dược cho các tàu thuyền Mỹ ở bất kỳ nơi đâu nếu Tokyo thấy có nguy cơ xảy ra đối với an ninh của họ.
 
Dự luật mới đã nhận được sự ủng hộ từ các đối tác trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe. Vì thế, gần như chắc chắn dự luật mà ông Abe trình lên sẽ được Quốc hội Nhật Bản thông qua. Với vai trò được mở rộng, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ được phép hậu thuẫn, trợ giúp cho lực lượng của đồng minh Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc dự luật mới có thể kéo Tokyo vào cuộc đối đầu ở Biển Đông.
 
Cả Mỹ và Nhật Bản đều không có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, Philippines– một đồng minh theo hiệp ước của Mỹ - lại đang có cuộc tranh chấp quyết liệt và căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông. Theo nghĩa vụ trong hiệp ước, Mỹ phải bảo vệ Manila trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công.
 
Phát biểu với hãng tin Reuters, một quan chức quân sự cấp cao của Philippines cho biết, Manila rất hoan nghênh những nỗ lực của Tokyo trong việc mở rộng các chiến dịch ở khu vực biển tranh chấp theo dự luật mới.
 
"Vì giữa Mỹ và Nhật Bản có hiệp ước nên tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Nhật Bản bị lôi vào một cuộc xung đột ở Biển Đông”, vị quan chức trên cho biết thêm.
 
Biển Đông là khu vực có giá trị lớn về mặt chiến lược cũng như tài nguyên. Vùng biển này chứa tuyến đường hàng hải nhộn nhịp và quan trọng hàng đầu thế giới với giá trị giao dịch hàng hóa qua đây mỗi năm lên tới 5 nghìn tỉ USD. Biển Đông cũng được cho là nơi chứa nguồn tài nguyên thiên nhiên là dầu mỏ và hải sản dồi dào. Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang đòi chủ quyền tới khoảng 90% Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên dựa trên yêu sách đường 9 đoạn phi lý hay còn gọi là đường lưỡi bò. Đường 9 đoạn liếm sâu vào bên trong trung tâm biển của Đông Nam Á. Đòi hỏi chủ quyền phi lý, phi pháp và quá đáng của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt của các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
 
Trung Quốc gần đây đã đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép ở Biển Đông, gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
 
Trong một động thái được hiểu là một thông điệp cảnh báo đầy cứng rắn và mạnh mẽ được gửi tới Bắc Kinh, Mỹ và Philippines tuần này đã khai hỏa một cuộc tập trận chung lớn nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.
 
"Nếu Philippines có đụng độ với Trung Quốc, nước này sẽ gửi tín hiệu cấp cứu đến đồng minh Mỹ. Nếu quân đội Mỹ khi đó muốn tìm kiếm sự trợ giúp từ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, câu hỏi được đặt ra là Nhật Bản có thể làm gì”, một chuyên gia quân sự người Nhật Bản đã đặt ra câu hỏi như vậy.
 
Xem xét đến sự tham gia hiện nay của Mỹ vào cuộc tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông, dự luật mới của Nhật Bản được cho là sẽ gây ra một cuộc tranh cãi và làm dấy lên những câu hỏi về vấn đề ứng dụng, triển khai dự luật. Trong quá khứ, đã có những trường hợp Tokyo cung cấp sự trợ giúp về hậu cần quân sự ra nước ngoài và mỗi lần như thế đều cần có một dự luật mới được thông qua. Với dự luật mà ông Abe chuẩn bị trình lên Quốc hội, điều đó cho phép Nhật Bản trợ giúp cho đồng minh Mỹ mà không cần phải đi qua trình tự thông qua dự luật mới. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là trong tình huống nào thì cần đến sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
 
Theo ông Hirofumi Takeda – phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản, “không thể tranh cãi trước về một tình huống cụ thể có thể áp dụng” theo dự luật mới. Theo vị phát ngôn viên này, "sẽ cần phải có sự đánh giá, phân tích tình hình. Dựa vào những tình hình cụ thể để đánh giá xem liệu đó có phải là tình huống có ảnh hưởng nghiêm trọng đến Nhật Bản hay không”.
 
Việc Nhật Bản có thể trợ giúp cho đồng minh Mỹ ở Biển Đông chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc không khỏi cảm thấy lo ngại, bất an. Trước đó, Bắc Kinh cũng đã “mất ăn mất ngủ” trước tuyên bố của chính phủ Nhật Bản hồi tháng 2 rằng, nước này đang cân nhắc khả năng tiến hành các cuộc tuần tra trên không và trên biển ở khu vực Biển Đông. Mỹ hoan nghênh nhiệt liệt và đang tích cực thúc đẩy đồng minh Nhật Bản tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông.


Kiệt Linh - (theo RIA)

Ý kiến bạn đọc