Trung Quốc bị đe dọa chưa từng có ở Biển Đông?

19:08, 28/04/2015
|

(VnMedia) - Mỹ và Nhật Bản hôm qua (27/4) đã nhất trí với nhau về những quy định mới trong hợp tác quốc phòng, theo đó sẽ cho phép Lực lượng Vũ trang của Tokyo đóng một vai trò tham vọng hơn và mang tính toàn cầu hơn trong bối cảnh hai nước này lo ngại về sự nổi lên của Trung Quốc.

 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Abe


Theo “những định hướng” được thay đổi, Nhật Bản sẽ đến trợ giúp cho lực lượng của Mỹ nếu lực lượng này bị đe dọa bởi một bên thứ ba hoặc Nhật có thể triển khai tàu quét thủy lôi đến làm nhiệm vụ ở Trung Đông, giới chức Mỹ, Nhật cho biết.

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và hai người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida, Gen Nakatani dự kiến sẽ công bố những quy định mới nói trên ở New York .

 

Mặc dù các quan chức không công khai cho biết nhưng mối quan ngại về sức mạnh và tầm với ngày càng lớn của Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy Nhật Bản tìm kiếm một vai trò tích cực hơn, năng động hơn cho quân đội của nước này.

 

Những thay đổi mới đánh dấu một thời kỳ mới trong quan hệ quốc phòng giữa Tokyo và Washington, một ngày trước khi Nhà Trắng đón chào Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Mỹ trong một chuyến thăm thu hút sự chú ý lớn của dư luận.

 

Thứ Hai “là một ngày quan trọng trong mối quan hệ liên minh Mỹ-Nhật Bản” một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho các phóng viên biết. "Những định hướng mới sẽ loại bỏ sự hạn chế về địa lý đối với sự hợp tác giữa Mỹ và Nhật Bản".

 

Theo các quy định cũ, lực lượng Nhật Bản chỉ có thể trợ giúp cho quân đội Mỹ khi lực lượng này hoạt động trong khu vực thuộc sự bảo vệ trực tiếp của Nhật Bản.

 

Những quy định vừa được sửa đổi phản ánh sự thay đổi hiến pháp mà chính phủ của Thủ tướng Abe đã thực hiện hồi năm ngoái, theo đó cho phép nước này được tham gia vào “phòng thủ tập thể”. "Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản có thể bảo vệ các tàu của Mỹ tham gia vào những hoạt động phòng thủ tên lửa ở gần Nhật Bản”, vị quan chức quân sự giấu tên của Mỹ cho biết thêm. Cũng theo ông này, những thay đổi mới “đồng nghĩa với việc Nhật Bản có thể đáp trả những cuộc tấn công của các nước thứ ba nếu đồng minh của họ bị tấn công và nếu những cuộc tấn công đó có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh Nhật Bản”.

 

Một kịch bản khác có thể xảy ra là Nhật Bản có thể bắn hạ một tên lửa hướng về nước Mỹ thậm chí ngay kể cả khi Nhật Bản không bị tấn công, vị quan chức Mỹ cho hay. Và những thay đổi mới còn cho phép Nhật Bản thực hiện các hoạt động do thám, trinh sát tên lửa của kẻ thù ở một khu vực “bên ngoài các đường bờ biển của họ”.

 

Việc Nhật Bản thay đổi hiến pháp hòa bình và những định hướng quốc phòng là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm làm mềm mại hơn những cam kết đối với hòa bình của nước này được đưa ra trong hiến pháp. Mỹ đã áp đặt các nguyên tắc cứng rắn đối với Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ II nhưng hiện giờ Mỹ ủng hộ mạnh mẽ phương pháp tiếp cận mới của Nhật Bản. Lý do là Mỹ muốn cùng với Nhật Bản đối phó với sự nổi lên ngày một mạnh mẽ và gây lo ngại của Trung Quốc.

 

Thủ tướng Shinzo Abe ngay từ khi quay trở lại cầm quyền đã ra lệnh xem xét lại chính sách quốc phòng của Nhật Bản, theo đó ông yêu cầu phải củng cố sức mạnh quân sự của đất nước đồng thời nâng cao vai trò an ninh toàn cầu của Nhật Bản. Tokyo không ngại ngần tuyên bố, những bước đi của họ là nhằm đối phó với Trung Quốc.

 

Tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã miêu tả sự thay đổi định hướng quốc phòng lần đầu tiên của Nhật từ năm 1997 là "một cú chuyển tiếp mang tính lịch sử".

 

Trung Quốc ớn lạnh trước liên minh Mỹ-Nhật ở Biển Đông?

 

Trong một thông điệp sắc lạnh được nhắn gửi đến Bắc Kinh về những hành động quyết liệt, hung hăng của nước này ở Đông Bắc và Đông Nam Á, Ngoại trưởng Kerry đã bác bỏ những phát biểu cho rằng, sự tự do hàng hải và tự do qua lại trên bầu trời “là những ưu tiên do những nước lớn cấp cho nước nhỏ".

 

Những quy định mới được cho là sẽ dẫn đến sự phối hợp chặt chẽ hơn, lớn hơn giữa Mỹ và Nhật Bản ở Biển Đông – nơi Trung Quốc đang có tranh chấp với các nước trong khu vực.

 

Khi được hỏi về khả năng Mỹ và Nhật Bản cùng thực hiện những chuyến tuần tra trên Biển Đông, cố vấn khu vực Đông Á của Tổng thống Obama - Evan Medeiros cho biết Washington và Tokyo đang phối hợp chặt chẽ để đảm bảo sự tự do hàng hải và thương mại tự do trên các vùng biển trong khu vực. Mỹ và Nhật Bản đều khẳng định, việc Trung Quốc tăng cường xây dựng, bồi đắp, cải tạo trên các bãi đá ở Biển Đông là “một mối đe dọa thực sự”.

 

"Tốc độ, quy mô và phạm vi của hoạt động đó đang gây ra vấn đề và gây ra sự lo ngại”, ông Medeiros cho biết, đồng thời thêm rằng việc Trung Quốc hồi tuần này cho biết những vùng đất do họ bồi đắp, xây dựng và cải tạo có thể được sử dụng cho mục đích quốc phòng “đã làm dấy lên hàng loạt câu hỏi ở các nước Đông Nam Á, Mỹ và Nhật Bản về ý định chiến lược lâu dài của Trung Quốc”.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc