Nga lại khiến EU bẽ bàng, nháo nhác

15:22, 09/04/2015
|

(VnMedia) - Liên minh Châu Âu (EU) không thể cảm thấy bẽ bàng hơn khi một thành viên công khai lên tiếng thể hiện sự ủng hộ đối với đối thủ đang đối đầu gay gắt với họ.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Nga Putin (bên phải) và Thủ tướng Hy Lạp Tsipras


Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm qua (8/4) đã thẳng thừng chỉ trích gay gắt các biện pháp trừng phạt mà Liên minh Châu Âu đang nhằm vào Nga khi ông này có cuộc gặp với ông chủ điện Kremlin quyền lực - Vladimir Putin ở thủ đô Moscow. Động thái này không khỏi khiến Brussels giật mình lo ngại.
 
Cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Hy Lạp Tsipras và Tổng thống Putin đã làm dấy lên nỗi quan ngại trên khắp Châu Âu về khả năng Athens có thể đang ve vãn, tìm cách kết thân với  Moscow khi nước này phải đối mặt với hạn trả khoản nợ 460 triệu euro trong ngày hôm nay (9/4).
 
Ông Tsipras không ngần ngại công khai ý định muốn tăng cường quan hệ hợp tác gắn bó với Nga vào một thời điểm khi mà Liên minh Châu Âu đang tìm cách cô lập nước này vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
"Hy Lạp là một quốc gia có chủ quyền, có quyền có chính sách đối ngoại của riêng mình. Để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện hiện nay, chúng tôi cần phải bỏ lại đằng sau cái vòng trừng phạt luẩn quẩn này”, Thủ tướng Tsipras đã tuyên bố như vậy sau cuộc gặp gỡ ở điện Kremlin.
 
Giới lãnh đạo Châu Âu đang lo lắng, hồi hộp dõi theo chuyến thăm của Thủ tướng Hy Lạp đến Nga. EU lo ngại rằng Tổng thống Putin có thể sử dụng Hy Lạp như con ngựa thành Troa để phá vỡ lập trường vốn mong manh, dễ vỡ của các nước Châu Âu đối với Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã phủ nhận việc ông đang cố gắng tìm cách thao túng Athen trong một nỗ lực nhằm củng cố vị thế của Nga trên lục địa Châu Âu “theo một cách gây chia rẽ ".
 
"Chúng tôi chẳng ép ai làm bất kỳ điều gì”, ông Putin thẳng thắn cho biết.
 
Trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Hy Lạp đến Moscow, EU đã tung ra cảnh báo rằng Hy Lạp không được đánh đổi sự ủng hộ về mặt chính trị cho Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine để lấy lợi ích kinh tế từ cường quốc Đông Âu.
 
Tuy nhiên, theo lời ông Putin, Thủ tướng Tsipras không hề đề nghị Nga cấp viện trợ tài chính cho Hy Lạp và bản thân Moscow cũng không hề dỡ bỏ lệnh cấm vận nông sản cho Hy Lạp. Tổng thống Putin khẳng định, “chúng tôi sẽ không dành ngoại lệ cho một nước trong Liên minh Châu Âu”.
 
Cảnh báo từ EU
 
Trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Tsipras và Tổng thống Putin ở thủ đô Moscow, không ít nhà lãnh đạo Châu Âu đã lên tiếng cảnh báo Athens về việc không được quá thân thiết với Nga khi các cuộc đàm phán về khoản nợ của Hy Lạp vẫn đang hết sức căng thẳng.
 
"Việc diễn ra các cuộc hội đàm như vậy là hoàn toàn  bình thường nhưng tôi khẩn cấp cảnh báo Hy Lạp không được tiến sát gần hơn”” với Nga, Bộ trưởng Tài chính Áo Hans Jorg Schelling đã nói như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh. Ông này nói thêm rằng: “Chúng ta đang ở giữa những cuộc đàm phán cuối cùng về việc cấp viện trợ cho Hy Lạp và tôi không tin rằng đang có một cuộc chơi hay ho ở đây”.
 
Bà Margaritis Schinas – một phát ngôn viên của Uỷ ban Châu Âu, đã lên tiếng kêu gọi tiếp tục giữ vững sự đoàn kết của Châu Âu trong cuộc khủng hoảng Ukraine. "Cho đến tận thời điểm này, chúng ta vẫn đang đoàn kết được với nhau và tôi hy vọng điều này sẽ tiếp tục được giữ vững”, bà Schinas nói thêm.
 
Báo chí Hy Lạp hôm qua (8/4) đã thể hiện sự mâu thuẫn về chuyến thăm của Thủ tướng nước này. Những tờ báo nghiêng về cánh tả ủng hộ ông Tsipras cho rằng, mọi vấn đề đều được bàn bạc ở thủ đô Moscow.
 
Tờ nhật báo theo đường lối ôn hoà hàng đầu - Te Nea lại cảnh báo Nhà lãnh đạo Hy Lạp đang đối mặt với “một ván cờ phức tạp ở Moscow” bởi ông này sẽ phải cân bằng được giữa việc củng cố mối quan hệ kinh tế với Nga trong khi không làm các đối tác trong EU phật lòng.
 
Làm thân với Nga, đồng minh EU hưởng lợi
 
Mặc dù hiện giờ, chuyến thăm Nga của Thủ tướng Tsipras chưa có kết quả cụ thể gì nhưng Tổng thống Putin khẳng định, việc tham gia vào dự án đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp Hy Lạp trở thành một trong những trung tâm phấn phối năng lượng chính của Nga ở Châu Âu.
 
"Tất nhiên, chúng tôi đã thảo luận về viễn cảnh hiện thực hoá dự án hạ tầng lớn mà chúng tôi gọi là Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ - một dự án then chốt nhằm trung chuyển khí đốt của Nga đến cho vùng Balkans, có thể đến Italia và các nước Trung Âu”, ông Putin phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.
 
"Tuyến đường mới sẽ cung cấp nhu cầu năng lượng cho người Châu Âu và sẽ cho phép Hy Lạp trở thành một trong những trung tâm phân phối năng lượng chính trên lục địa. Với vai trò này, Hy Lạp có thể thu hút những khoản đầu tư lớn vào nền kinh tế của mình", ông chủ điện Kremlin cho biết.
 
Nhà lãnh đạo Nga cũng nói thêm rằng, Hy Lạp còn có thể kiếm được hàng trăm triệu euro hàng năm từ tiền phí trung chuyển khí đốt nếu nước này tham gia vào dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc