Mỹ và đồng minh nháo nhào vì “độc chiêu” của Putin

13:12, 14/04/2015
|

(VnMedia) - Tin về việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao S-300 cho Iran khiến Mỹ và đồng minh thân thiết nhất ở Trung Đông – Israel nhảy dựng lên vì tức giận và lo ngại. Cả hai nước này đã ngay lập tức lên tiếng phản ứng trước “đòn” độc và bất ngờ của Tổng thống Vladimir Putin.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Báo chí Nga hôm qua (13/4) rộ lên tin, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao tên lửa tối tân S-300 cho Iran. Sắc lệnh này có hiệu lực ngay lập tức.
 
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga – ông Dmitry Peskov sau đó cho biết, việc cung cấp S-300 cho Iran có thể sẽ được khởi động bất kỳ lúc nào theo sắc lệnh của ông chủ điện Kremlin.
 
Quyết định của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi có tiến triển đạt được trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với các cường quốc ở Thụy Sỹ cách đây hơn một tuần, mở đường cho việc cộng đồng quốc tế dần gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
 
Theo giải thích của ông Peskov, việc Tổng thống Putin ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao S-300 cho Iran “phản ánh đầy đủ nhất lập trường của điện Kremlin”.
 
Trước đó, ngày hôm qua, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã tuyên bố, lệnh cấm vận tự nguyện của Nga đối với việc chuyển giao các hệ thống phòng không S-300 cho Iran đã không còn cần thiết do có những tiến triển đạt được trong việc giải quyết tình hình liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
 
Người mừng, kẻ lo sốt vó
 
Sắc lệnh của Tổng thống Putin gây ra phản ứng trái chiều. Trong khi Iran mừng vui hoan hỉ thì Mỹ và đồng minh Israel lo sốt vó.
 
Giới chức Iran đã thể hiện sự vui mừng, phấn khích rất lớn trước mối quan hệ được cải thiện rất nhiều giữa họ với Nga sau khi lệnh cấm chuyển giao S-300 được dỡ bỏ.
 
"Từ bây giờ, người Mỹ và các đồng minh của họ sẽ không thể làm rung chuyển cán cân cân bằng trong khu vực và chỉ đạo đưa ra các điều kiện cho các nước khác dựa vào sức mạnh của họ”, nghị sĩ Iran Hossein Sheikholeslam – một cố vấn của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Iran, đã phát biểu như vậy.
 
Theo ông Sheikholeslam, quyết định cho phép chuyển giao S-300 cho Iran đồng nghĩa với việc Nga là quốc gia có thể tin tưởng. Trước đó, lệnh cấm bán S-300 cho Iran của Nga là một “cái gai gây nhức nhối” trong quan hệ giữa hai nước, ông Sheikholeslam cho hay.
 
Người đứng đầu hãng tin Mehr của Iran cho biết, tin tức về sắc lệnh của Tổng thống Putin đã được đón nhận với sự mừng vui, hoan hỉ rất lớn ở Iran. "Sắc lệnh của ông Vladimir Putin đem lại niềm vui lớn ở Iran. Bước đi này cho thấy sự độc lập của Liên bang Nga trong việc đưa ra những quyết định đồng thời thể hiện Moscow tôn trọng cam kết của họ, xứng đáng là một đối tác đáng tin cậy”.
 
Người đứng đầu hãng tin Mehr tin rằng, việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm có liên quan trực tiếp đến thoả thuận hạt nhân Iran ở Lausanne. “Dường như chúng ta giờ đây có thể nói về một trang mới trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Nga và Iran. Sự hợp tác này phải có lợi cho toàn bộ khu vực Trung Đông – nơi sự ổn định đang bị chao đảo một cách nghiêm trọng”.
 
Trái ngược hoàn toàn với phản ứng của Iran, Mỹ hôm qua đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về việc Nga có khả năng bán các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-300 cho Iran.
 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã trực tiếp bày tỏ sự lo ngại với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong một cuộc điện đàm vào sáng sớm ngày hôm nay (14/4).
 
"Chúng tôi không tin rằng việc Nga đưa ra động thái đó vào thời điểm này là một bước đi mang tính xây dựng", quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Marie Harf cho hay
 
"Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh Iran có những hành động gây bất ổn trong khu vực như ở những nước như Yemen hay Syria, Lebanon, đây chưa phải là lúc để bán những loại vũ khí như vậy cho họ”, bà Harf nói với các phóng viên.
 
Tuy nhiên, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận, chính quyền Mỹ không tin việc bán S-300 cho Iran là vi phạm các biện pháp trừng phạt mà Liên Hợp Quốc đang áp đặt lên nước cộng hoà Hồi giáo.
 
Bà Harf cũng nhấn mạnh, Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Nga trong các cuộc đàm phán hạt nhân Iran, nói thêm rằng “chúng tôi không nghĩ quyết định mới của Nga gây ảnh hưởng đến sự đoàn kết của chúng tôi trong phòng đàm phán”.
 
Quân đội Mỹ cũng bày tỏ sự lo ngại. "Lập trường của chung tôi đối với việc đó đã được nói rõ từ lâu. Chúng tôi tin đó là việc làm vô ích”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc – Đại tá Steve Warren cho hay.
 
Sau Mỹ, Israel cũng nhanh chóng lên án Nga về quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán các hệ thống phòng không tinh vi S-300 cho Iran.
 
"Đây là một kết quả trực tiếp về tính hợp pháp mà Iran đang nhận được từ thoả thuận hạt nhân còn đang trong giai đoạn chuẩn bị. Nó là bằng chứng cho thấy Iran sẽ lợi dụng sự thăng trưởng kinh tế có được sau khi được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để tái vũ trang cho mình và không phục vụ cho lợi ích của nhân dân Iran”, Bộ trưởng Tình báo Israel Yuval Steinitz cho biết trong một tuyên bố.
 
Ông Steinitz còn gay gắt chỉ trích: "Khi Iran từ chối hết điều khoản này đến điều khoản khác trong thoả thuận khung... cộng đồng quốc tế đã bắt đầu thực hiện các biện pháp nới lỏng. Thay vì yêu cầu Iran ngừng các hoạt động khủng bố ở Trung Đông và thế giới, nước này lại được cung cấp vũ khí tối tân giúp họ có thể gia tăng các hoạt động gây hấn".


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc