Mỹ phản bội đồng minh thân nhất?

11:39, 08/04/2015
|

(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là đã thẳng thừng từ chối đề nghị của đồng minh thân thiết nhất trong việc đưa yêu cầu Iran công nhận nhà nước Israel thành một phần của thoả thuận hạt nhân. Trong khi đó, Israel cũng không ngại thách thức người bạn lớn là Mỹ về việc sẽ đánh bom Iran.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Obama


Tổng thống Obama đã từ chối lời kêu gọi của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc đưa nội dung bắt buộc Iran phải công nhận Nhà nước Do Thái Israel như một phần của thoả thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Theo lời ông chủ Nhà Trắng, quan điểm của Israel là một “sai lầm căn bản”.
 
Nhóm các cường quốc P5+1 gồm Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức nói rằng, hồi tuần trước, họ đã nhất trí được với nhau về bộ khung ban đầu của một thoả thuận hạt nhân đang rất được chờ đợi với Iran.
 
Sau thông báo trên, Thủ tướng Israel Netanyahu đã lên tiếng yêu cầu các cường quốc đưa thêm vào thoả thuận một yêu cầu “rõ ràng trong đó Iran phải công nhận quyền tồn tại của nhà nước Israel”.
 
Thủ tướng Israel là người chỉ trích quyết liệt thoả thuận hạt nhân mà các cường quốc phương Tây đang nóng lòng muốn ký với Tehran. Ông này liên tục nói rằng, thoả thuận đó “sẽ không ngăn cản được con đường tiến tới chế tạo vũ khí nguyên tử của Iran mà là mở đường cho điều đó”.
 
“Chúng tôi muốn Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân chính xác là bởi vì chúng tôi không thể trông mong vào khả năng thay đổi bản chất của chính quyền Iran. Đó chính xác là lý do tại sao chúng tôi không muốn Iran sở  hữu trong tay vũ khí hạt nhân. Nếu đột ngột Iran biến thành nước Đức hoặc Thuỵ Điển hoặc Pháp, thì sẽ có một loạt cuộc đối thoại hoàn toàn khác về hạ tầng hạt nhân”, ông Obama cho hay.
 
Tổng thống Mỹ nhắc rằng, “có một loạt nước ở Trung Đông đến giờ vẫn chưa chịu công nhận Israel”. “Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với người Israel là họ biết rằng họ có thể bảo vệ chính mình và rằng họ có nước Mỹ - cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, luôn bảo vệ họ bằng các chiến dịch quân sự và tình báo của Mỹ”, ông Obama đã nhấn mạnh như vậy.
 
Mối quan hệ giữa Israel và Iran đã rơi vào khủng hoảng kể từ đầu những năm 1990 khi sự thất bại của kẻ thù chung của họ - Iraq trong Chiến dịch Bão táp Sa mạng của Mỹ đã đưa Nhà nước Do Thái và Nhà nước Hồi giáo trở thành hai cường quốc hàng đầu trong khu vực.
 
Trong những thập kỷ qua, giới lãnh đạo Israel luôn đổ lỗi cho Iran về việc là “trung tâm của khủng bố thế giới trong thời đại của chúng ta”, đổi lỗi cho Iran đã hậu thuẫn cho các nhóm chiến binh Hamas và Hezbollah.
 
Tel Aviv tin rằng chương trình hạt nhân của Tehran là nhằm để chế tạo bom nguyên tử. Điều này đã khiến Israel liên tục công khai khả năng tiến hành các cuộc không kích nhằm vào chương trình hạt nhân của Tehran.
 
Trong khi đó, giới lãnh đạo Iran luôn gán cho Israel là “một khối u” cần phải gỡ bỏ khỏi thế giới và Nhà nước Hồi giáo hoàn toàn ủng hộ cho việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
 
Lãnh đạo của Mỹ và Israel cũng có vấn đề trong việc tìm tiếng nói chung trong những năm gần đây. Thủ tướng Israel Netanyahu rõ ràng thể hiện sự không hài lòng với chính sách Trung Đông của Tổng thống Obama, trong đó có việc hàn gắn mối quan hệ với Iran và giải pháp  hai nhà nước cho cuộc khủng hoảng bế tắc giữa Israel và Palestinian.
 
Trước khi tái đắc cử hồi cuối tháng 3 vừa rồi, Thủ tướng Israel đã cam kết với người dân rằng sẽ không có nhà nước Palestine chừng nào ông này còn tại chức.
 
Một tháng trước đó, Thủ tướng Netanyahu cũng khiến đồng minh Obama choáng váng khi chấp nhận lời mời từ các nghị sĩ của Đảng Cộng hoà đến phát biểu tại Quốc hội Mỹ. Trong bài phát biểu này, ông Netanyahu đã kêu gọi các nghị sĩ Mỹ chống lại Nhà Trắng và Iran.
 
Isael thách thức “bạn lớn” Mỹ
 
Trong khi Mỹ ra sức thúc đẩy việc ký kết một thoả thuận hạt nhân với Iran thì Israel tìm cách ngăn cản việc này.
 
Một bộ trưởng cấp cao của chính phủ Israel mới đây vừa lên tiếng cảnh báo rằng nước này không loại trừ khả năng dùng hành động quân sự để phá chương trình hạt nhân của Iran bất chấp thực tế là giữa Iran và các cường quốc đã đạt được sự nhất trí về một thoả thuận khung về chương trình hạt nhân của Nhà nước Hồi giáo.
 
Tuyên bố của ông Yuval Steinitz - Bộ trưởng phụ trách các vấn đề chiến lược của Israel, đã phản ảnh sự lo ngại của Israel đối với thoả thuận mà các cường quốc phương Tây và Iran vừa đạt được hồi cuối tuần trước. Theo thoả thuận đó, Iran sẽ được nới lỏng các biện pháp trừng phạt về kinh tế để đổi lấy việc Nhà nước Hồi giáo giảm dần các hoạt động trong chương trình hạt nhân gây nghi ngờ của nước này.

Giới lãnh đạo Israel tin rằng, thoả thuận khung mà Iran đạt được với các cường quốc phương Tây hồi tuần trước sẽ giúp nước này giữ lại phần lớn cơ sở hạ tầng hạt nhân và điều đó cho phép Iran có thể phát triển các phương tiện để chế tạo bom nguyên tử.
 
Ông Steinitz - một quan chức thân cận với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cho hay chính phủ của ông này sẽ tận dụng thời gian những tháng sắp tới để vận động hành lang nhằm thuyết phục các cường quốc thể hiện sự quyết liệt hơn trong thoả thuận hạt nhân cuối cùng với Iran. Trong khi nhấn mạnh giải pháp ngoại giao, ông Steinitz tuyên bố không loại trừ “lựa chọn quân sự”.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc