Làm rõ ‘Phương án Thái Bình Dương’ của Trung Quốc (Phần II)

18:58, 02/04/2015
|

(VnMedia) - Liên tiếp các hành động gần đây của Trung Quốc khiến dư luận quốc tế thực sự lo lắng và đang theo dõi kỹ càng. Các động thái tập trận và thiết lập đảo nhân tạo cùng các hoạt động khác trước đây đang làm rõ dần một ‘Phương án Thái Bình Dương’ của nước này trong giai đoạn hiện nay.

Làm rõ "Phương án Thái Bình Dương" của Trung Quốc (Phần I)
Trung Quốc “lạnh người” giữa các hạm đội hùng hậu

Trung Quốc bắt chước Nga tập trận đột xuất


5 năm liền tăng ngân sách quốc phòng ở mức 2 con số

Đầu tháng 3 vừa qua, theo báo cáo ngân sách được công bố, Trung Quốc có kế hoạch sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 886,900 tỷ nhân dân tệ (khoảng 144,2 tỷ USD).

Với số tăng này, tiếp tục đưa Trung Quốc trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Với mức tăng 10,1% là lần tăng ngân sách quốc phòng thấp nhất của Trung Quốc kể từ năm 2010( với mức tăng 7,5%) nhưng vẫn ở mức 2 con số.

Năm 2011 là năm có mức tăng ngân sách quốc phòng cao nhất của Trung Quốc, ở mức kỷ lục 12,7%. Sau đó mức tăng giảm dần khi chỉ tăng 11,2% trong năm 2012 và 10,7% trong năm 2013, nhưng lại tăng trở lại trong năm 2014, lên 12,2%.

Trung Quốc sẽ tăng cường toàn diện hệ thống hậu cần hiện đại, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí, trang thiết bị công nghệ mới và cao, phát triển ngành công nghiệp khoa học và công nghệ có liên quan đến quốc phòng.

Tăng cường đóng thêm tàu chiến trong năm 2015

Theo nguồn tin TTXVN, tờ Want China Times dẫn nguồn Tin tức Buổi chiều Quảng Châu cho biết Trung Quốc sẽ đóng thêm tàu chiến trong năm nay và tăng cường đội tàu ngầm tấn công nguyên tử trước năm 2020.

Tin cho hay trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã cho hạ thủy nhiều chiếc 052C, lớp tàu khu trục tên lửa hiện đại nhất do Trung Quốc tự chế tạo, giữa lúc hải quân Trung Quốc đang lên kế hoạch thiết lập các đội tàu sân bay. Hiện hải quân Trung Quốc có 5 chiếc khu trục 052C và 5 chiếc khu trục 052D được thiết kế để hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên của Trung Quốc cũng như những tàu sân bay khác trong tương lai.

Nguồn tin trên cũng cho biết Trung Quốc còn dự định đóng thêm 1 chiếc 052C và 7 chiếc 052D để tăng khả năng tác chiến trên biển của hải quân nước này. Hiện Trung Quốc đang đầu tư mạnh tay phát triển hải quân trong khuôn khổ kế hoạch hiện đại hóa quân đội, vốn khiến nhiều quốc gia lo ngại, nhất là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do tranh chấp lãnh hải.

Ngoài tàu chiến lớp 052, Bắc Kinh cũng đang phát triển tàu tuần dương lớp 055 có thể dùng như một tàu chiến đa năng. Ngoài ra, tờ Business Insider còn cho hay Trung Quốc cũng đang tiến tới việc xây dựng một hạm đội tàu ngầm đầy đủ năng lực.

Hiện Bắc Kinh đang sở hữu một trong những hạm đội tàu ngầm tấn công lớn nhất thế giới, gồm các tàu chạy bằng diesel lẫn chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc cũng có 3 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo có khả năng nhắm mục tiêu tới Mỹ từ giữa Thái Bình Dương.

Hồi giữa tháng 3 vừa qua, nước này cũng đã chính thức xác nhận đang đóng tàu sân bay thứ hai.

Ảnh minh họa



Quan hệ đối tác chiến lược với các quốc đảo Thái Bình Dương

Không chỉ có các hoạt động quân sự, trên lĩnh vực ngoại giao, nước này cũng đang gia tăng mức ảnh hưởng tới các đối tác của mình. Cũng theo nguồn tin của Thông tấn xã Việt Nam, ngày 22/11/2014, Trung Quốc và 8 quốc đảo thuộc khu vực Thái Bình Dương đã nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng phát triển. Hiệp định trên được công bố tại cuộc họp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở thăm Fiji và các nhà lãnh đạo của Fiji, Micronesia, Samoa, Papua New Guinea, Vanuatu, Đảo Cook, Tonga và Niue.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã trình bày chính sách và biện pháp của Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ với các quốc đảo ở khu vực trong kỷ nguyên mới. Trung Quốc sẽ coi trọng hơn nữa quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương, tôn trọng sự lựa chọn chế độ xã hội, con đường phát triển của những nước này và ủng hộ nỗ lực giải quyết và đưa ra quyết định về các vấn đề khu vực, tham gia vào các vấn đề quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước.

Ông Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương này tăng cường trao đổi cấp cao và hoan nghênh các nhà lãnh đạo những nước này đến thăm Trung Quốc. Về đề xuất xây dựng Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc hy vọng sẽ chia sẻ kinh nghiệm và thành tựu phát triển với các nước trong khu vực.

Trung Quốc sẵn sàng mở rộng hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương trong lĩnh vực thương mại, nông nghiệp và ngư nghiệp, hải dương, năng lượng và tài nguyên, xây dựng cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực khác. Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ những nước này trong các dự án lớn, xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án liên quan đến người dân.

Lãnh đạo của 8 quốc đảo trên nhấn mạnh các chính sách và biện pháp của Trung Quốc đối với những nước này trong kỷ nguyên mới đáp ứng nhu cầu thực tế của các nước và sẽ giúp các nước thúc đẩy phát triển bền vững. Các nhà lãnh đạo cam kết sẽ thúc đẩy trao đổi và hợp tác cũng như củng cố quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.

Khép lại cuộc gặp với Thủ tướng Fiji, Voreqe Bainimarama, và bảy nhà lãnh đạo đến từ các nước khu vực quần đảo Thái Bình Dương ngày 23/11 tại Fiji, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố việc cung cấp khoản trợ giúp 70 triệu Nhân dân tệ (11,4 triệu USD) cho Fiji.

Chính phủ Fiji đã khẳng định thông tin về khoản hỗ trợ trên. Cùng với khoản tiền viện trợ 80 triệu Nhân dân tệ đưa ra hồi tháng Tám, tổng số tiền viện trợ và hỗ trợ mà Trung Quốc cam kết cung cấp cho Fiji trị giá khoảng 50 triệu đôla Fiji (25,5 triệu USD).

Tất cả các đường đi nước bước như nêu ở trên cho thấy sự liên quan của chúng với nhau, nói cách khác, đây là một loạt những hành động có tính toán rất kỹ của Trung Quốc. Trong tình hình hiện nay, theo nhận định của nhiều chuyên gia đến từ nhiều nước, chắc chắn, nước này đang muốn thể hiện và sẽ còn thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng lớn tại Biển Đông và Thái Bình Dương.


Thảo Hoàng

Ý kiến bạn đọc