Khi Mỹ bị "dồn vây" tứ phía

18:20, 09/04/2015
|

(VnMedia) - Dù là siêu cường số 1 thế giới với sức mạnh kinh tế và quân sự không nước nào địch nổi, Mỹ cũng phải chịu cảnh bị dồn vây tứ phía và phải đối diện với sự thách thức từ các nước nhỏ, cũng có lúc buộc phải rút lui, nhượng bộ.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Nói về sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ, ai cũng phải công nhận rằng Mỹ hiện tại vẫn là siêu cường số 1 với sức mạnh kinh tế, quân sự vượt trội hơn rất nhiều so với các cường quốc lớn còn lại của thế giới. Cùng với sức mạnh như vậy, ảnh hưởng của Mỹ đương nhiên vẫn rất lớn. Mỹ vẫn “cầm trịch” trong hàng loạt vấn đề quốc tế quan trọng và vẫn có khả năng gây sức ép để hầu hết các cường quốc lớn khác phải đi theo sự dẫn dắt của mình. Điều này có thể được thấy rõ qua việc Mỹ ép các nước Châu Âu trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Tuy nhiên, sức mạnh siêu cường của Mỹ không phải là không bị thách thức. Nước này vẫn luôn phải đối diện với sự cạnh tranh, thách thức từ các nước nhỏ hơn. Điều đáng chú ý là hiện tại Mỹ đang ở thế bị "dồn vây" tứ phía.
 
Mỹ phải rút lui trước sức ép của Venezuela và các nước Châu Mỹ Latin
 
Nhà Trắng dường như đã phải thừa nhận Venezuela không phải là mối đe doạ an ninh đối với nước họ, sau khi vấp phải sự phản đối, thách thức vô cùng quyết liệt từ Venezuela cũng như nhiều nước Châu Mỹ Latin khác. Sự lùi bước bất ngờ trên của Mỹ diễn ra chỉ vài ngày trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Châu Mỹ ở Panama sắp tới - nơi Tổng thống Barack Obama sẽ đến tham dự.
 
Mỹ đã châm ngòi cho một “cuộc chiến” mới với Venezuela khi hôm 9/3, Tổng thống Obama ra sắc lệnh tuyên bố Venezuela là một mối đe doạ an ninh quốc gia, đồng thời tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào hàng loạt quan chức cấp cao của Venezuela. Việc tuyên bố bất kỳ nước nào là một mối đe doạ đối với an ninh quốc gia Mỹ luôn là bước đầu tiên để siêu cường số 1 thế giới tiến hành khởi động một chương trình trừng phạt. Tiến trình tương tự từng được áp dụng với những nước như Iran và Syria.
 
Động thái trên của Mỹ đã gây ra một làn sóng giận dữ rất lớn trong các nước Châu Mỹ Latin, đặc biệt là Venezuela. Tổng thống Nicolás Maduro đã phát động một chiến dịch thu thập 10 triệu chữ ký đòi Mỹ huỷ bỏ tuyên bố của nước này. Tính đến ngày 7/4/2015, 9 triệu chữ ký đã được thu thập và Tổng thống Maduro có ý định trao bản thu thập chữ ký này cho Tổng thống Obama tại hội nghị thượng đỉnh khai mạc vào ngày mai (10/4). Bà Roberta Jacobson - Thứ trưởng Mỹ phụ trách khu vực Châu Mỹ Latin, đã lên tiếng bày tỏ, bà rất “thất vọng” trước sự ủng hộ mà các nhà lãnh đạo trong khu vực dành cho Venezuela.
 
Các tổ chức quốc tế và các nhà lãnh đạo ở nhiều khu vực khác trên thế giới cũng chỉ trích gay gắt sắc lệnh của Tổng thống Obama.
 
Trước diễn biến trên, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 7/4, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng – ông Benjamin Rhodes đã có phát biểu cho thấy chính quyền Obama phải rút lui trước  tuyên bố gây tranh cãi về Venezuela. "Mỹ không tin Venezuela gây ra một mối đe doạ đối với an ninh quốc gia của chúng tôi”, ông Rhodes đã nói như vậy.
 
Cuba sát cánh bên Venezuela, thách thức Mỹ
 
Cuba hôm qua (8/4) cũng lên tiếng tuyên bố nước này vẫn kiên định ủng hộ, sát cánh với Venezuela dù họ đang tìm cách củng cố mối quan hệ với Mỹ. Cuba không ngần ngại lên tiếng chỉ trích chính sách của Washington đối với Venezuela ngay trước cuộc họp thượng đỉnh mà dự kiến sẽ có cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba.
 
Phó Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel lên án Washington về quyết định được đưa ra hồi tháng trước, trong đó tuyên bố Venezuela là một mối đe doạ an ninh của Mỹ và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một loạt quan chức Venezuela.
 
“Không ai được phép nghĩ rằng trong tiến trình nối lại quan hệ mà chúng tôi đang thực hiện với Mỹ, sự ủng hộ của Cuba đối với Venezuela là có điều kiện. Nếu họ tấn công Venezuela chính là họ đang tấn công Cuba. Và Cuba sẽ luôn sát cánh Venezuela trong mọi trường hợp", ông Diaz-Canel đã tuyên bố cứng rắn như vậy trước các phóng viên ở thủ đô Havana.
 
Phát biểu trên rõ ràng là thông điệp gửi đến Mỹ. Và đó rõ ràng là một sự thách thức đối với Mỹ.
 
Iran ra tuyên bố thách thức
 
Ngoài Cuba và Venezuela, Mỹ đang phải đối diện với một sự thách thức nữa. Đó là Iran. Ngày hôm nay (9/4), Tehran vừa lên tiếng tuyên bố sẽ chỉ đồng ý ký vào một thoả thuận hạt nhân cuối cùng nếu như toàn bộ các biện pháp trừng phạt nhằm vào họ được dỡ bỏ.
 
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho hay: “Chúng tôi sẽ không ký bất kỳ thoả thuận nào trừ khi tất cả các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ cùng ngày ký kết. Chúng tôi muốn một thoả thuận đôi bên cùng có lợi", ông Rouhani nhấn mạnh.
 
Iran và 6 cường quốc hồi tuần trước đã ký được một thoả thuận sơ bộ về việc Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nước này được dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt.
 
Tehran muốn các cường quốc phải dỡ bỏ ngay lập tức toàn bộ các biện pháp trừng phạt nhằm vào họ. Tuy nhiên, Mỹ lại muốn dỡ bỏ dần dần các biện pháp trừng phạt Iran.
 
Tuyên bố trên của Tổng thống Rouhani được xem như là một “tối hậu thư” đối với Mỹ.
 
Triều Tiên bắn tên lửa "cảnh cáo" Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
 
Trong một diễn biến khác có liên quan đến Mỹ, Triều Tiên vừa phóng hai quả tên lửa đất đối không ở bờ biển phía tây của nước này. Vụ phóng tên lửa diễn ra đúng thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang có chuyến thăm đến Châu Á, cụ thể là hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc.
 
Giới phân tích tin rằng, hành động của Triều Tiên là một thông điệp mang đầy tính răn đe, cảnh báo mà nước này muốn nhắn gửi đến siêu cường số 1 thế giới.


Vân Linh

Ý kiến bạn đọc