Đức vẫn lạnh lùng ngoảnh mặt với Nga

19:22, 14/04/2015
|

(VnMedia) - Dù tình hình Ukraine đã ít nhiều có những tiến triển nhất định nhưng Đức vẫn quyết lạnh lùng ngoảnh mặt với “bạn thân cũ” là Nga.
 

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier


Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm Chủ nhật (12/4) đã bác bỏ thẳng thừng những lời kêu gọi từ Đảng Cánh Tả về việc mời Tổng thống Nga Vladimir Putin đến tham dự hội nghị thượng đỉnh của các cường quốc công nghiệp G7 trong năm nay.
 
Lãnh đạo các nước G7 hồi năm ngoái đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mà không có ông Putin nhằm phản đối vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga. Với ít dấu hiệu cho thấy tình trạng đổ máu ở miền đông Ukraine sớm chấm dứt thì việc Nga bị loại ra khỏi nhóm nước G7 được cho là sẽ còn tiếp tục.
 
Ông Gregor Gysi – lãnh đạo của Đảng Cánh Tả đã lên tiếng cho rằng cần phải có Nga để giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế và G7 vì thế nên một lần nữa mở rộng thành G8, có nghĩa là thêm Nga vào như trước đây.
 
Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ đóng vai trò là chủ nhà để tiếp đón lãnh đạo đến từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Italia và Nhật Bản tại một lâu đài ở Bavaria vào tháng 6 tới.
 
"Việc cô lập Nga lâu dài không giúp gì cho lợi ích của chúng ta. Tuy nhiên, sau vụ sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea, chúng ta không thể xem như thể không có chuyện gì xảy ra và tiếp tục mọi việc như bình thường”, Ngoại trưởng Đức Steinmeier đã tuyên bố thẳng thừng như vậy trên tờ Die Welt để phản ứng trước lời kêu gọi của ông Gysi.
 
Nhà ngoại giao hàng đầu của nước Đức nhất trí rằng cộng đồng quốc tế cần đến Nga trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Syria, Yemen và Libya nhưng khăng khăng nhấn mạnh nhóm nước G8 hiện tại tiếp tục đóng lại.
 
"Con đường trở lại nhóm nước G8 sẽ chỉ có thể được thực hiện thông qua việc tôn trọng sự thống nhất của Ukraine và thực hiện các nghĩa vụ của Nga trong thỏa thuận Minsk”, Ngoại trưởng Đức khẳng định.
 
Crimea và Sevastopol đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hôm 21/3. Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối. Các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vụ sáp nhập này.
 
Vụ sáp nhập nhanh gọn bán đảo Crimea được xem là một chiến thắng của Tổng thống Putin và là một thất bại của phương Tây. Và cho đến nay, phương Tây được cho là vẫn không thể quên được thất bại đau đớn đó.
 
Tình hình Ukraine: Đạt bước tiến triển mới
 
Liên quan đến tình hình ở Ukraine, Ngoại trưởng các nước trong Bộ Tứ Normandy vừa tái khẳng định cam kết với thỏa thuận hòa bình Ukraine và thảo luận về những tiến triển đạt được hiện nay cũng như các bước tiếp theo để đảm bảo lệnh ngừng bắn được duy trì lâu dài.
 
Các Ngoại trưởng kêu gọi nhóm tiếp xúc thiết lập một nhóm làm việc để giám sát tốt hơn việc thực hiện thỏa thuận Minsk, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho các phóng viên biết sau cuộc họp. Bộ Tứ Normanday đã chú ý đặc biệt và dành phần lớn thời gian để thảo luận về việc thành lập các nhóm làm việc nói trên. Theo các Ngoại trưởng, những nhóm như vậy tập trung vào việc “giải quyết các vấn đề cụ thể” bao gồm “vấn đề quân sự, an ninh, tái thiết kinh tế ở vùng Donbass, vấn đề nhân đạo và cải cách chính trị”.
 
Bộ Tứ Normandy còn ủng hộ một sáng kiến của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) trong đó kêu gọi rút thêm các loại vũ khí ra khỏi vùng chiến tuyến. Cụ thể, Kiev và lực lượng ly khai miền đông sẽ rút thêm các loại vũ khí có “cỡ nòng nhỏ hơn 100mm” và xe tăng ra khỏi chiến tuyến, ông Lavrov cho hay.
 
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên ngừng giao tranh và thể hiện cam kết tuân thủ đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn cũng như hoàn thành việc rút vũ khí hạng nặng ra khỏi chiến tuyến... Chúng tôi cũng kêu gọi các bên rút súng cối và các loại vũ khí có cỡ nòng dưới 100mm cũng như mọi loại xe tăng”, các ngoại trưởng cho biết.
 
Ngoại trưởng Nga Lavrov chỉ ra rằng, tất cả các đồng nghiệp của ông đều ủng hộ thỏa thuận Minsk và tuyên bố sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn “hoàn toàn” ở miền đông Ukraine cũng như việc rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến tuyến.
 
“Chúng tôi cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thực hiện thỏa thuận Minsk một cách đầy đủ, không chỉ trong khía cạnh quân sự mà cả khía cạnh chính trị, kinh tế và nhân đạo”, ông Lavrov nói thêm.
 
Ngoại trưởng Nga tiếp tục lên án sự phong tỏa kinh tế mà Kiev đang thực hiện với khu vực Donbass – nơi giới chức chính quyền trung ương từ chối trả lương hưu cũng như các trợ cấp xã hội khác cho người dân. Ông Lavrov miêu tả đó là hành động sai lầm và làm phương hại đến thỏa thuận Minsk.
 
Tuy nhiên, không phải mọi thứ ở miền đông Ukraine đang tiến triển tốt đẹp. Những ngày vừa qua, người ta đang phải chứng kiến tình trạng bạo lực leo thang sau nhiều ngày yên bình.
 
Ngoại trưởng của các nước trong Bộ Tứ Normandy thừa nhận, tình trạng giao tranh đang bùng phát trở lại ở miền đông Ukraine sau hơn một tháng yên ắng. Phái đoàn giám sát thuộc OSCE cho biết, họ đã chứng kiến những cuộc đụng độ căng thẳng, sử dụng cả xe tăng, pháo binh hạng nặng, súng cối và máy phóng lựu đạn ở Donetsk.
 
Riêng ngày Chủ nhật (12/4), OSCE đã ghi nhận đến 1.166 vụ nổ, chủ yếu do đạn pháo và đạn súng cối gây ra ở phía bắc Donetsk cũng như các khu vực ngoai ô, trong đó có sân bay.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc