4 cường quốc lớn đang "gầm ghè" ở Châu Á

10:50, 16/04/2015
|

(VnMedia) - Chỉ huy lực lượng Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương hôm qua (15/4) đã lên tiếng cảnh báo nghiêm khắc hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc Nga tăng cường hoạt động quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương lên gần mức thời Chiến tranh Lạnh.
 

Ảnh minh họa

Đô đốc Samuel Lockear


Phát biểu tại phiên điều trần về chiến lược quân sự và vị thế của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương tại Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Chỉ huy lực lượng Mỹ đóng tại khu vực - Đô đốc Samuel Lockear hôm qua cho biết, việc Trung Quốc tăng cường cải tạo, xây dựng và bồi đắp ở Biển Đông có thể cho phép nước này giành ảnh hưởng nhiều hơn đối với những khu vực tranh chấp và triển khai vũ khí quân sự như radar tầm xa hay các hệ thống tên lửa tối tân đến những nơi này.
 
Đô đốc Locklear cũng nói với Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Mỹ rằng, Nga trong những tháng gần đây đang gia tăng các hoạt động quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương lên gần mức thời Chiến tranh Lạnh.
 
Phạm vi hoạt động của lực lượng Mỹ do ông Locklear chỉ huy bao phủ một khu vực biển và đất đai rộng lớn. Đó là nơi mà chính quyền Tổng thống Barack Obama đang cố gắng tăng cường sự hiện diện của Mỹ và cũng là nơi đang diễn ra cuộc tranh giành ảnh hưởng quyết liệt giữa các cường quốc lớn.
 
Trong năm qua, Trung Quốc đã tiến hành cấp tập những hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép trên quy mô lớn ở những bãi đá thuộc Biển Đông bất chấp việc Mỹ đã kêu gọi Bắc Kinh ngừng ngày những hoạt động như vậy để tạo cơ hội cho việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nóng bỏng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á.

Đô đốc Locklear cho rằng, Trung Quốc đang hung hăng thực hiện các dự án bồi đắp và xây dựng ở 8 bãi đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
 
Theo lời ông Locklear, những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở biển Đông sẽ cho phép Bắc Kinh mở căn cứ và cung cấp hậu cần cho đội tàu hàng hải lớn và đang ngày càng phình ra của nước này. Đô đốc Mỹ còn cảnh báo một viễn cảnh đáng sợ hơn là Trung Quốc cuối cùng sẽ triển khai cả hệ thống radar và các tên lửa đến những hòn đảo nhân tạo đó. Việc này sẽ mở đường cho Trung Quốc thực thi vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông nếu nước này muốn thiết lập một vùng như vậy.
 
Tất cả những hành động trên cho phép Trung Quốc “về cơ bản là mở rộng ảnh hưởng ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông", ông Locklear cho biết.
 
Trung Quốc đang ngang ngược đòi chủ quyền với hầu hết Biển Đông. Nước này tự cho mình cái quyền được thực hiện bất kỳ hoạt động nào ở những khu vực mà họ đòi chủ quyền. Hồi cuối năm 2013, Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông. Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác đã phản đối gay gắt động thái trên.
 
Ngoài bày tỏ lo ngại về những bước đi gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, Đô đốc Locklear còn nhấn mạnh đến tình trạng gia tăng các hoạt động quân sự của Nga ở Châu Á-Thái Bình Dương trong những tháng gần đây với những cuộc diễn tập tầm xa hướng về phía Mỹ. Theo vị quan chức quân sự Mỹ, Nga đang tăng cường khả năng răn đe hạt nhân chiến lược ở bờ biển phía đông thuộc phía Thái Bình Dương và các lực lượng tàu ngầm hoạt động ở Bắc Cực cũng như Đông Bắc Á.
 
Cũng theo ông Lockear, Nga đang tăng cường cả sự hiện diện quân sự ở Đông Nam Á.
 
Nhật Bản phát sốt vì Nga và Trung Quốc
 
Cùng chia sẻ nỗi quan ngại với Mỹ, chính phủ Nhật Bản hôm qua cũng lên tiếng cho biết, số vụ máy bay chiến đấu của họ phải cất cánh khẩn cấp trong những năm gần đây đã tăng đến mức tương đương thời Chiến tranh Lạnh do các hoạt động quân sự gia tăng của Nga và Trung Quốc trong khu vực.
 
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã phải ra lệnh cho các chiến đấu cơ của mình cất cánh khẩn cấp 943 lần trong giai đoạn 12 tháng qua tính đến 31/3, chỉ thấp hơn một lần so với mức kỷ lục năm 1984, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay. Những vụ cất  cánh khẩn cấp đó chủ yếu là nhằm để đánh chặn máy bay của Nga và Trung Quốc.
 
Số lần máy bay chiến đấu của Nhật Bản phải đi đánh chặn các máy bay khác đã tăng 133 lần so với năm trước. Thực tế này cho thấy tình hình căng thẳng đang leo thang trong khu vực.
 
Máy bay Trung Quốc bị Nhật Bản đánh chặn chủ yếu là những chiếc chiến đấu cơ muốn tiếp cận quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Cuộc tranh chấp này là nguồn cơn gây ra mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước láng giềng Trung, Nhật trong thời gian qua. Theo thống kê, lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã cử máy bay đi đánh chặn máy bay Trung Quốc 464 lần, tăng 49 lần so với năm trước. Tuy nhiên, không có máy bay nào xâm phạm không phận Nhật Bản.
 
Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách thúc đẩy việc cho phép quân đội Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn, khi Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.
 
Trong khi đó, hoạt động của Nga chủ yếu là các chuyến bay do thám xung quanh Nhật Bản.
 
Tình trạng gia tăng các hoạt động quân sự của các nước lớn ở Châu Á-Thái Bình Dương đang gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc