Mỹ, Đức mâu thuẫn vì Ukraine?

15:49, 03/02/2015
|

(VnMedia) - Sau khi quân đội Ukraine bại trận liên tiếp trong cuộc chiến với lực lượng ly khai miền đông, chính quyền của Tổng thống Barack Obama bắt đầu nhăm nhe tính chuyện cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev, với hy vọng thay đổi chiều hướng của cuộc nội chiến đẫm máu ở quốc gia Đông Âu.

Ảnh minh họa

Nữ Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Obama


Tổng thống Obama được cho là sẽ bàn thảo vấn đề cung cấp vũ khí tinh vi cho Kiev với nữ Thủ tướng quyền lực của nước Đức Angela Merkel. Tuy nhiên, có vẻ như Mỹ và cường quốc hàng đầu Châu Âu cũng là đồng minh của Mỹ không có chung cái nhìn trong vấn đề này.
 
Một quan chức giấu tên của Nhà Trắng mới đây đã tiết lộ với tờ New York Times rằng Tổng thống Obama có thể sẽ sẵn sàng phê chuẩn việc cung cấp vũ khí gây sát thương cho chính quyền Kiev. Trong số vũ khí hiện đại mà Mỹ có ý định cung cấp cho Kiev sẽ có những tên lửa chống thiết giáp, hệ thống radar pháo binh, xe bọc thép cùng nhiều loại vũ khí hạng nặng tinh vi khác.
 
Cho đến nay, sự ủng hộ của chính quyền Obama cho chính quyền Kiev chỉ giới hạn ở những mặt hàng thiết bị quân sự có tính chiến thuật nhưng không gây sát thương như mặt nạ phòng hơi độc, kính nhìn ban đêm, áo chống đạn và bộ đồ sơ cứu. Tuy nhiên, hiện tại Washington lo ngại rằng quân đội Ukraine có thể vỡ trận hoàn toàn trước lực lượng ly khai nếu không có sự hậu thuẫn từ nước ngoài. Trong bối cảnh này, có nhiều quan chức Mỹ bắt đầu thể hiện quan điểm ủng hộ việc cung cấp vũ khí gây sát thương hiện đại cho chính quyền Ukraine và điều này có thể gây sức ép lên Tổng thống Obama.
 
Theo tờ New York Times, nhiều thành viên chủ chốt trong chính quyền Obama gần đây đã cho thấy dấu hiệu muốn xem xét lại chính sách cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng John Kerry - người sẽ có chuyến thăm đến thủ đô Kiev vào 5/2 tới, đã tuyên bố công khai rằng, ông này để ngỏ khả năng cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân  Mỹ - Tướng Martin E. Dempsey cùng với Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Chuck Hagel cũng có chung quan điểm với ông Kerry.
 
Tuy nhiên, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến chính sách với Ukraine, Tổng thống Obama đều muốn thảo luận vấn đề với lãnh đạo các nước đồng minh Châu Âu, đầu tiên sẽ là Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà Merkel sẽ có chuyến thăm đến Washington vào tuần tới. Mỹ luôn muốn mỗi hành động của họ trong vấn đề Ukraine đều được sự ủng hộ và góp sức của các đồng minh thuộc Liên minh Châu Âu (EU). Đây là một cách để Mỹ chia sẻ gánh nặng với EU cũng như để tăng cường mặt trận thống nhất, đoàn kết trước đối thủ của họ. Điều này được thể hiện qua việc Mỹ ra sức ép quyết liệt buộc EU phải cùng Mỹ tung những đòn trừng phạt nặng nề nhằm vào Nga mà bản thân EU cũng phải hứng chịu ảnh hưởng không hề nhẹ.
 
Không rõ, liệu Mỹ có thành công trong việc thuyết phục EU ủng hộ chính sách cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev hay không.
 
Thủ tướng Merkel đang phối hợp các nỗ lực của Châu Âu nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn ở chiến trường nóng bỏng Ukraine. Nhà lãnh đạo của nước Đức gần đây thường xuyên bày tỏ một lập trường cứng rắn, kiên quyết trước Nga vì cáo buộc cho rằng Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng. Mặc dù vậy, bà Merkel được cho là có quan điểm đối lập với Mỹ trong vấn đề cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev.
 
Đức sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine
 
Trước thông tin về việc Mỹ đang nhăm nhe ý định cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev, Thủ tướng Merkel hôm qua đã thẳng thừng tuyên bố Đức sẽ không cung cấp vũ khí cho chính quyền Ukraine mà sẽ ủng hộ con đường đàm phán hoà bình và tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột giữa Kiev và lực lượng ly khai miền đông.
 
"Tôi tin tưởng chắc chắn rằng cuộc xung đột này không thể được giải quyết bằng con đường quân sự”, bà Merkel nhấn mạnh sau cuộc gặp với Thủ tướng Hungaria Viktor Orban ở thủ đô Budapest.
 
Theo lời nữ Thủ tướng Merkel, bà muốn lựa chọn con đường tập trung vào các biện pháp ngoại giao để chấm dứt cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Nhà lãnh đạo nước Đức cũng tuyên bố, bà ủng hộ cách thức gây áp lực hiện nay của EU với Nga thông qua các biện pháp trừng phạt.
 
Mặc dù chính quyền Mỹ được cho là đang cân nhắc khả năng cung cấp vũ khí gây sát thương cho chính quyền Kiev nhưng đây không phải là một quyết định dễ dàng đối với Washington.
 
Chính quyền Obama có mối quan ngại nhất định đối với việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trước hết, Mỹ không rõ liệu lực lượng của Kiev có khả năng thao tác các loại vũ khí hiện đại của Mỹ hay không nếu không được đào tạo. Thứ hai, Washington cũng hoài nghi về việc liệu bất kỳ khoản cung cấp vũ khí gây sát thương nào của Mỹ cho Kiev có đủ sức để chống chọi với sức mạnh của Nga hay không hay là chỉ như “muối bỏ bể”. Chính quyền của Tống thống Obama còn lo ngại hành động cấp vũ khí cho Kiev có thể đẩy họ vào một cuộc chiến tranh uỷ quyền thời Chiến tranh Lạnh. Chưa hết, việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Kiev có thể khiến Nga nổi giận và Nga cũng có hành động tương tự với lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Kết quả là việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã khó càng thêm khó.
 
Chính những lý do trên khiến Mỹ cho đến giờ vẫn chưa cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev và đó cũng chính là những lý do sẽ khiến chính quyền Obama cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định trong vấn đề này.


Vân Linh

Ý kiến bạn đọc