Ukraine đang kiệt quệ vì cuộc chiến miền đông

18:56, 22/08/2014
|

(VnMedia) - Cuộc xung đột giữa quân đội trung thành với Kiev và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine đang làm kiệt quệ nền kinh tế từng ngày và đang gây ảnh hưởng xấu đến những nỗ lực thực hiện cải cách của nước này theo yêu cầu được đưa ra trong chương trình cứu trợ tài chính của IMF, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk  mới đây cho biết.
 

Ảnh minh họa


Cơ sở hạ tầng ở miền đông Ukraine đang bị tàn phá nặng nề


Theo điều kiện được đưa ra để Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp gói cứu trợ trị giá 17 tỉ USD cho Ukraine, chính quyền Kiev phải thực hiện  một loạt cải cách. Tuy nhiên, quốc gia Đông Âu gần như phá sản và thâm hụt đối ngoại nặng nề này đang phải đầu tư đáng kể cho cuộc chiến chống lại lực lượng ly khai ở miền đông.
 
Các cuộc tấn công của lực lượng ly khai vào cơ sở hạ tầng ở miền đông Ukraine như các hầm mỏ, nhà máy điện, đường sắt, cầu cống, là nhằm bóp nghẹt nền kinh tế, Thủ tướng Yatseniuk cho biết tại một cuộc họp của chính phủ. Tuy nhiên, quân chính phủ mới là lực lượng đang tấn công, oanh tạc dữ dội vào khu vực miền đông – nơi là trung tâm công nghiệp của Ukraine. Vì thế, không tránh khỏi việc chính quân chính phủ tàn phá các cơ sở hạ tầng ở khu vực này.
 
"Chúng ta đang đánh mất tiềm năng kinh tế từng ngày... Nga hiểu rằng, việc xây dựng lại Donbass (khu vực miền đông Ukraine) sẽ tốn không chỉ hàng triệu mà hàng tỉ hryvnia", ông Yatseniuk cho hay.
 
Sự suy thoái của nền kinh tế Ukraine đang ngày càng trở nên nghiêm trọng kể từ khi cuộc chiến ở miền đông bùng lên hồi tháng 4. Nền kinh tế Ukraine đã co lại 4,7% trong quý hai so với cùng kỳ năm ngoái. Với sản lượng công nghiệp đã giảm mạnh xuống 12% trong tháng 7, viễn cảnh kinh tế trong quý 3 của Ukraine không có bất kỳ dấu hiệu hứa hẹn nào.
 
Hồi tháng 6, Thủ tướng Yatseniuk đã đề nghị IMF tính đến gánh nặng kinh tế thêm nữa mà Ukraine phải hứng chịu trong cuộc chiến ở miền đông nước này.
 
Ông Yatseniuk nhấn mạnh đến tổn thất kinh tế gây ra từ cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, bày tỏ sự thất vọng trước tình hình tiến triển ở nước này. "Tôi thất vọng với tốc độ và chiều sâu của những cuộc cải cách. Tuy nhiên, các bước đi mà chúng tôi áp dụng hy vọng sẽ đem lại sự ổn định cho nền kinh tế khi hoà bình trở lại với đất nước", Thủ tướng Yatseniuk cho biết.
 
Để được nhận khoản tiền cứu trợ từ IMF, chính quyền Kiev phải tuân theo các điều kiện trong đó có việc đạt được các mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, tăng giá khí đốt đối với các hộ gia đình và nền công nghiệp đồng thời cho phép đồng tiền quốc gia – hryvnia thả nổi thay vì là bị gắn với đồng đô la Mỹ.
 
Bộ trưởng Tài chính Oleksander Shlapak cho biết, Ukraine muốn IMF cung cấp cho họ luôn hai phần viện trợ thứ ba và thứ tư cùng lúc – có tổng là 2,2 tỉ USD, vào trước cuối năm nay để nước này có thể duy trì được kế hoạch chi trả vốn đang chậm trễ.
 
Khoản viện trợ tài chính từ những nhà cho vay quốc tế đã giúp ổn định đồng hryvnia hồi tháng 5. Tuy nhiên, những quan ngại về tình hình chiến sự đang mỗi lúc một leo thang ở miền đông Ukraine đã khiến đồng tiền của nước này mất giá khoảng 13% kể từ giữa tháng 7.
 
Bộ trưởng Kinh tế Ukraine từ chức
 
Trong khi nền kinh tế Ukraine đang suy sụp, kiệt quệ thì lại có thêm một tin xấu khi Bộ trưởng Kinh tế Pavlo Sheremeta hôm qua (21/8) tuyên bố từ chức và bày tỏ sự thất vọng vì không thể thúc đẩy một cuộc cải cách đang rất cần cho nền kinh tế Ukraine.
 
Sau nhiều tháng xảy ra chiến sự ở miền đông, nền kinh tế Ukraine đã bị ảnh hưởng nặng nề và đang phải sống dựa vào nguồn cứu trợ tài chính từ IMF. Ông Sheremeta khi lên nhận chức đã cam kết mạnh mẽ đối với việc cắt giảm tình trạng quan liêu, xóa bỏ tham nhũng để cứu lấy nền kinh tế đang trên bờ vực phá sản của Ukraine.
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Sheremeta đã không thể thúc đẩy Quốc hội thông qua dự luật quan trọng để cải cách nền kinh tế. Trong một dấu hiệu thể hiện sự thất vọng vì không nhận được sự ủng hộ rộng khắp cho kế hoạch cải cách nền kinh tế của mình, ông Sheremeta đã viết trên trang Facebook cá nhân rằng, ông không còn muốn “chiến đấu chống lại hệ thống của ngày hôm qua”.
 
Đơn xin từ chức của Bộ trưởng Kinh tế Sheremeta được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Arseny Yatsenyuk lên tiếng thể hiện sự không hài lòng về tốc độ cũng như chiều sâu của các cải cách kinh tế.
 
Quốc hội Ukraine được cho là vẫn còn rất nhiều nghị sĩ ủng hộ cho cựu Tổng thống Yanukovych vừa bị lật đổ. Quốc hội này đã phải chật vật mới có thể thông qua được dự luật về thuế và các biện pháp trừng phạt Nga trong những tuần gần đây, nhưng chỉ là sau khi ông Yatsenyuk dọa từ chức vì sự bất lực của Quốc hội.
 
Vị trí Bộ trưởng Kinh tế là chức vụ chính trị đầu tiên mà ông Sheremeta được bổ nhiệm. Ông này vốn là một cựu học giả kinh tế.
 
"Có những lý do chắc chắn và nghiêm trọng dẫn đến quyết định từ chức của ông Sheremeta... Đó là một ví dụ rất rõ cho thấy một nhà bình luận kinh tế nổi tiếng và đầy tài năng không có nghĩa là sẽ đương nhiên trở thành một nhà cải cách hiệu quả”, nhà phân tích chính trị ở Kiev – ông Volodymyr Fesenko cho hay.
 
Đơn từ chức của Bộ trưởng Kinh tế Sheremeta còn cần phải nhận được sự phê chuẩn từ Quốc hội. Đây có thể là hành động cuối cùng của Quốc hội hiện tại bởi Quốc hội này có thể sẽ bị giải tán vào tuần tới, mở đường cho một cuộc bầu cử mới vào tháng 10 tới.


Vân Linh

Ý kiến bạn đọc