Obama đã có câu trả lời đanh thép cho nhóm IS

07:37, 22/08/2014
|

(VnMedia) - Mỹ đã phát động liên tiếp 14 đợt không kích mới nhằm vào các mục tiêu của Nhóm Quốc gia Hồi giáo (IS) ngay sau khi nhóm này gửi thông điệp ớn lạnh nhất cho nước Mỹ bằng một clip ghi lại cảnh chặt đầu man rợ phóng viên James Foley. Đây được xem là câu trả lời cứng rắn nhất, đanh thép nhất của Tổng thống Barack Obama cho lời đe dọa của nhóm Quốc gia Hồi giáo.
 

Ảnh minh họa


Ảnh minh họa


Trước đó, Tổng thống Obama thề sẽ truy đuổi và hành động không thương tiếc đối với những kẻ khủng bố trong nhóm Quốc gia Hồi giáo. Nhà Trắng cũng tiết lộ Mỹ từng phát động một chiến dịch giải cứu bí mật bên trong lãnh thổ Syria hồi đầu mùa hè nhằm giải cứu Foley và những người Mỹ khác đang bị IS bắt giữ làm con tin nhưng chiến dịch được thực hiện bởi hàng chục binh lính đặc nhiệm Mỹ này đã thất bại.
 
Trong phát biểu ngắn gọn nhưng đầy sự cứng rắn và quyết liệt, Tổng thống Obama tuyên bố, Mỹ sẽ “làm bất kỳ điều gì cần phải làm để bảo vệ người dân”. Tuy vậy, ông này chưa đưa ra cam kết nào về việc sẽ truy đuổi nhóm Quốc gia Hồi giáo ở sào huyệt an toàn của chúng là đất nước Syria. Đây chính là nơi phóng viên Foley bị bắt cóc và bị hành quyết.
 
Mặc dù vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bác bỏ khả năng trong tương lai Mỹ sẽ tiến hành các chiến dịch quân sự ở Syria - nơi Tổng thống Obama kiên quyết từ chối can thiệp vào cuộc nội chiến kéo dài hơn 3 năm qua.
 
Các nước phương Tây đã nhất trí sẽ đẩy mạnh sự giúp đỡ cho cuộc chiến chống lại lực lượng chiến binh Hồi giáo, đáng chú ý nhất là Đức. Đức đã tuyên bố trang bị vũ khí choluwcj lượng chiến binh người Kurd ở Iraq để họ chiến đấu chống lại nhóm Quốc gia Hồi giáo - IS. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho hay, ông vô cùng phẫn nộ trước vụ chặt đầu phóng viên Mỹ, coi đó như là bằng chứng về “một vương quốc của sự tàn bạo”. Bộ trưởng Quốc phòng Italia cũng thông báo, nước ông hy vọng sẽ đóng góp súng máy, đạn dược và các tên lửa chống tăng cho cuộc chiến chống lại IS.
 
Nhóm Quốc gia Hồi giáo đã gọi cái chết của phóng viên Foley là sự trả thù cho việc Mỹ phát động các cuộc không kích nhằm vào lực lượng của chúng ở Iraq. IS còn tuyên bố, các con tin khác sẽ bị hành quyết nếu Mỹ tiếp tục các cuộc không kích.
 
Bất chấp lời đe dọa và cảnh báo ớn lạnh trên, Mỹ đã tiến hành thêm 14 cuộc không kích để từ sau khi đoạn băng ghi lại hình ảnh chặt đầu phóng viên Mỹ của IS được tung ra. Như vậy, tính từ khi chiến dịch của Mỹ được khởi động từ hôm 8/8 đến giờ, Mỹ đã phát động 84 cuộc không kích nhằm vào IS.
 
Hai quan chức Mỹ cho biết, nước này sẽ triển khai thêm binh lính Mỹ - có thể là dưới 300 người, đến Iraq để tăng cường an ninh xung quanh thủ đô Baghdad – nơi Đại sứ quán Mỹ đang đóng. Hoạt động triển khai này sẽ đưa số binh lính Mỹ ở Iraq lên con số hơn 1.000 mặc dù quyết định cuối cùng về việc triển khai thêm quân chưa được đưa ra.
 
Trong lúc này, người mẹ của phóng viên Foley cho biết, bà cầu nguyện cho tất cả những con tin còn lại đang bị nhóm IS bắt giữ đồng thời miêu tả việc giết con trai bà là hành động “độc ác của quỷ”.
 
Người dân Iraq cầu cứu
 
Nhóm IS đang hoành hành khắp nơi sau khi đánh chiếm được một loạt khu vực ở Iraq và Syria. Nhóm này đã tuyên bố thành lập “nhà nước Hồi giáo” ở những nơi chúng chiếm đóng. Đó là khu vực nằm giữa Iraq và Syria. Trong thời gian qua, nhóm này đang nổi lên, thực hiện một loạt cuộc tấn công kinh hoàng ở Iraq. IS còn tuyên bố sẽ tiến thẳng đến thủ đô Baghdad. Diễn biến trên đã buộc Mỹ phải lần đầu tiên phát động trở lại chiến dịch không kích ở Iraq sau khi đã rút quân khỏi chiến trường này năm 2011.
 
Các thành viên của một cộng đồng thiểu số người Shiite ở Iraq đang bị bao vây trong một thành bởi lực lượng chiến binh dòng Sunni thuộc IS đã lên tiếng cầu cứu quân đội Iraq và cộng đồng quốc tế hãy can thiệp vào nhằm giải cứu họ, một nghị sĩ Iraq mới đây cho biết khi Liên Hợp Quốc bắt đầu chiến dịch viện trợ lớn nhằm giúp những người dân Iraq bị lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan đuổi khỏi quê hương.
 
Thành phố bị bao vây Amrili nằm ở phía bắc Iraq và là nơi sinh sống của người Hồi giáo dòng Shiite nói tiếng Turkic. Amrili là một phần trong chiến dịch tấn công của nhóm Quốc gia Hồi giáo - lực lượng đã chiếm được những khu vực rộng lớn ở phía bắc và tây Iraq trong mùa hè này vang đang tiếp tục thọc sâu hơn vào nước láng giềng Syria.
 
Tuy nhiên, bước tiến mạnh mẽ gây kinh sợ của IS tuần này đang vấp phải sự cản trở rất lớn khi quân Iraq và Kurd phối hợp với nhau tiến hành các cuộc tấn công dưới sự hậu thuẫn của những cuộc không kích do quân Mỹ thực hiện. Mới đây, đội quân Iraq và người Kurd cùng với không quân Mỹ đã đánh bật nhóm Quốc gia Hồi giáo ra khỏi một con đập chiến lược gần Mosul - thành phố lớn thứ 2 của Iraq. Đây là nơi các chiến binh IS tràn vào từ hồi tháng 6.
 
Nghị sĩ người Turkmen - ông Fawzi Akram cho biết, gần 15.000 người Turkmen ở Amirli, cách phía bắc thủ đô Baghdad khoảng 170km, đang bị các chiến binh có liên quan đến nhóm IS bao vây trong suốt hai tháng qua. Tình trạng bao vây này đã khiến người dân rơi vào tình cảnh khốn khổ và đang tuyệt vọng cầu cứu sự giúp đỡ của quân đội Iraq cũng như cộng đồng quốc tế.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc