Trung Quốc đưa tàu tên lửa và tiêm kích dạng SU-27 vào vùng biển Việt Nam

07:50, 17/06/2014
|

(VnMedia) - Trung Quốc nói không đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng biển Việt Nam nhưng trên thực tế, Trung Quốc thường xuyên duy trì hơn 100 tàu ở đây, trong đó có cả tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tấn công nhanh và chiến đấu cơ SU-27.

 

Ảnh minh họa


Tàu tên lửa tấn công nhanh 755 (lớp Hậu Tần) của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam . (Ảnh: LĐ)


Tại cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông diễn ra chiều qua (16/6) ở thủ đô Hà Nội do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, ông Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển, đã lên tiếng vạch trần việc Trung Quốc nói có thành không trong vấn đề đưa tàu thuyền vào vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

 

Trung Quốc nói không đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến hiện trường nhưng trên thực tế “chúng tôi và cả phóng viên các hãng thông tấn báo chí trong và ngoài nước đã ghi lại được đầy đủ các số liệu, số hiệu tàu và máy bay tại thực địa là bằng chứng không thể chối cãi. Trong hơn 40 ngày qua không thể ngày nào cũng có từ 4 đến 6 chiếc tàu chiến đi qua khu vực này bình thường như Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố”, ông Ngô Ngọc Thu khẳng định.

 

Theo Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, từ đầu tháng 6 đến nay, lực lượng tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc được hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam vẫn thường xuyên duy trì từ 101 đến 115 tàu các loại, trong đó thường xuyên duy trì 4 - 6 tàu chiến (2 tàu Hộ vệ tên lửa 534, 572; 2 tàu Tên lửa tấn công nhanh 751, 756; 2 tàu quét mìn 839, 840)và các lực lượng tàu thực thi pháp luật, tàu kéo dịch vụ, tàu vận tải, tàu dầu, tàu cá.

 

Song song với đó, Trung Quốc cũng sử dụng nhiều lượt máy bay tuần thám (số hiệu B3566, B3843); đáng chú ý còn có máy bay tiêm kích dạng SU-27, máy bay trinh sát dạng TU-154 (số hiệu 81223) và máy bay dạng cảnh báo sớm dạng KJ-200 (số hiệu 9421) bay nhiều vòng trên các tàu Việt Nam ở độ cao từ 500-1000m để trinh sát, răn đe, gây tâm lý căng thẳng cho lực lượng tàu Việt Nam.

 

Theo con số thống kê mới nhất, riêng trong ngày 15/6, Trung Quốc đã sử dụng 110 tàu để bảo vệ cho giàn khoan 981 đang hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam . Cụ thể, trong số 110 tàu này có 6 tàu chiến (gồm 2 tàu Hộ vệ tên lửa số hiệu: 534, 535; 2 tàu tên lửa tấn công nhanh: 751, 756; 2 tàu quyét mìn: 839, 840); 34 tàu Hải Cảnh, 2 tàu Hải Giám, 2 tàu Hải tuần, 01 tàu Ngư Chính, 18 tàu kéo, 14 tàu vận tải và 33 tàu cá.

 

Cũng trong ngày 15/6, các lực lượng Việt Nam phát hiện máy bay KJ-200 số hiệu 9421 bay 3 vòng và máy bay cánh bằng Y12 bay 2 vòng trên các tàu của Việt Nam ở độ cao 300 – 500m.

 

Lúc 7 giờ 30 phút đến 08 giờ 05 phút ngày 15/6, Trung Quốc sử dụng 16 tàu (Hải cảnh 3411, 2506, 23, 2371, 44105, 1112, 2337, 13101, 33101, 3383, 263, 2166, 21, 33102 và 2 tàu kéo) ngăn cản tàu Cảnh sát biển Việt Nam số 8003, 2016, 2015, 2013 4032, 4033 và tàu Kiểm Ngư 952 ở khu vực cách giàn khoan từ 8,2 hải lý đến 10 hải lý.

 

Về phương thức hoạt động, ông Ngô Ngọc Thu cho biết, lực lượng tàu bảo vệ Trung Quốc vẫn tổ chức thành 3 vòng để bảo vệ: Vòng trong cách giàn khoan từ 1-1,5 hải lý có 10-15 tàu; vòng giữa cách giàn khoan từ 4,5-5 hải lý có 40-45 tàu; vòng ngoàicách giàn khoan từ 10-12 hải lý có 25-35 tàu. Các tàu ở vòng trong thường xuyên cơ động thay đổi vị trí cho nhau. Trên các hướng, Trung Quốc luôn sử dụng từ 9-12 tàu có tốc độ cao xen kẽ với các tàu kéo, cơ động, bám sát các tàu Việt Nam, khoảng cách 200m, mở loa, hú còi, áp sát, sẵn sàng đâm va, phun nước vào các tàu của Việt Nam.

 

Hành động của các tàu bảo vệ Trung Quốc vẫn là chặn đầu, khóa đuôi, ép mạn chủ động đâm vào các tàu Việt Nam; dùng súng bắn nước công suất lớn nhằm làm hư hỏng trang bị, tàu thuyền của Việt Nam; dùng hệ thống âm thanh âm tần, đèn pha công suất lớn nhằm làm ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của lực lượng tàu Việt Nam khi các tàu của Việt Nam vào gần tuyên truyền, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan Hải Dương-981. Vào lúc 13 giờ 55 phút ngày 7/6, tàu Kiểm ngư 635 bị tàu kéo Trung Quốc số hiệu 281 đâm vào mạn trái làm móp phòng ngủ dài 5m, rộng 3m, biến dạng khu vực boong trung.

 

Lực lượng tàu cá Trung Quốc có khoảng 40-45 chiếc chia thành 2 tốp, được sự hỗ trợ của các tàu Hải cảnh luôn ngăn cản các nhóm tàu đánh cá của Việt Nam đánh bắt hải sản ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, cách giàn khoan Hải Dương-981 từ 30-40 hải lý về phía Tây Nam và Tây Tây Nam.

 

Lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam kiên cường bám trụ, kiên cường đấu tranh

 

Trong điều kiện thời tiết phức tạp, các lực lượng tàu Việt Nam vẫn kiên cường bám trụ tại hiện trường, kiên trì tiến hành thực thi pháp luật, ngăn chặn hành động xâm phạm trái phép của giàn khoan 981 và lực lượng tàu bảo vệ của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam.

 

Sau khi phát hiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, vi phạm chủ quyền và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác thủy sản bình thường và hợp pháp của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam đã có mặt tại thực địa nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép để tuyên truyền, yêu cầu rút giàn khoan ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, tiến hành thực thi pháp luật, bảo vệ ngư trường, hỗ trợ ngư dân Việt Nam.

 

Mặc dù các tàu bảo vệ Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động ngăn chặn, cản phá quyết liệt, sẵn sàng đâm va, phun nước; song lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm Ngư Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì, kiềm chế, không mắc mưu khiêu khích, chủ động cơ động, vòng tránh trước hành động khiêu khích đâm va của các tàu Trung Quốc. Các tàu Việt Nam không phun nước và đâm vào các tàu bảo vệ, tàu cá của Trung Quốc, chỉ phát loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc