Manila tuyên chiến với đường lưỡi bò Trung Quốc

09:02, 29/03/2014
|

(VnMedia) - Philippines đã chính thức tuyên chiến với đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông khi tuyên bố sẽ đệ trình lên tòa án quốc tế biên bản ghi nhớ về lập trường của nước này trong vụ kiện Biển Đông đúng thời hạn vào ngày mai (30/3). Manila cũng tuyên bố đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với bất kỳ hành động nào từ Trung Quốc sau khi họ thách thức đường lưỡi bò của cường quốc Châu Á này.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Đây là phản ứng đầy cứng rắn và quyết liệt của chính phủ Philippines sau khi rộ lên tin Bắc Kinh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt lên quốc gia Đông Nam Á nếu nước này ngày mai đệ trình biên bản ghi nhớ giải thích lý lẽ và lập trường của họ trong vụ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về tranh chấp Biển Đông.
 
Bà Abigail Valte – nữ phát ngôn viên của Tổng thống Benigno Aquino, cho biết, chính phủ Philippines kiên quyết theo đuổi vụ kiện đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án trọng tài quốc tế bất chấp việc các quan chức Trung Quốc những ngày gần đây liên tiếp cảnh báo về sự đổ vỡ trong quan hệ song phương.
 
"Sẽ là tốt nhất nếu chúng tôi hỏi Trung Quốc đang định tiến hành kế hoạch gì. Nhưng ít nhất đối với chính phủ Philippines, chúng tôi có thể nói rằng, tất cả các nhân tố đều đã được xem xét khi chúng tôi quyết định nhờ vào tòa án trọng tài quốc tế” để giải quyết vụ việc, bà Valte hôm qua (28/3) đã nói như vậy.
 
Biên bản ghi nhớ mà Philippines sẽ đệ trình lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) vào ngày mai (30/3) sẽ bao gồm lập trường của nước này đối với đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc. Theo yêu sách này, Bắc Kinh đang đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
 
Theo lời phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, một phán quyết có lợi từ tòa án ITLOS sẽ giúp tăng thêm sức nặng cho lập trường của Manila. Đây là câu trả lời của bà Valte cho câu hỏi liệu một phán quyết có lợi có thể giúp Philippines ở mức độ như thế nào khi mà ITLOS không có quyền lực để thực thi phán quyết của tòa án này. Nói theo cách khác là phán quyết của ITLOS không có tính ràng buộc.
 
"Giả sử rằng một quyết định có lợi cho chúng tôi được đưa ra, thì điều đó sẽ giúp tăng thêm sức nặng, sức thuyết phục cho lập trường của Philippines bởi đó là một tòa án được trao quyền thực sự để đưa ra những phán quyết dựa trên luật pháp quốc tế. Luật này đang được hầu hết các nước thực thi”, nữ phát ngôn viên của Tổng thống Aquino nhấn mạnh.
 
Sau khi Manila chính thức nộp “biên bản ghi nhớ” hay còn gọi là bản lập luận về vụ tranh chấp ở Biển Đông vào ngày mai, tòa án của Liên Hợp Quốc sẽ nghiên cứu những lý lẽ, lập trường mà Philippines đưa ra để chứng minh cho cáo buộc về việc Bắc Kinh đang đòi chủ quyền đối với nhiều phần lãnh thổ của quốc gia Đông Nam Á này.
 
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết lãnh hải ở Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên cùng với những đảo lớn, nhỏ và bãi đá, bãi cạn ở đây.
 
Philippines dù lực lượng quân sự chỉ được đánh giá là “một chú lùn” so với người khổng lồ Trung Quốc nhưng đã đối đầu quyết liệt, không khoan nhượng với nước láng giềng to lớn trong cuộc tranh chấp các bãi cạn, bãi đá ở Biển Đông. Manila đã tìm đến tòa án quốc tế hồi tháng 1 năm 2012 bất chấp sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh.
 
Trung Quốc sôi sục tức giận
 
Trước tin Philippines quyết nộp biên bản ghi nhớ về lập trường của họ trong tranh chấp Biển Đông lên tòa án quốc tế đúng hạn định vào ngày mai, Trung Quốc đang sôi sục lên vì tức giận.
 
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Hồng Lỗi mới đây đã lên tiếng cảnh báo Manila, nói rằng nước này sẽ chống lại bất kỳ thủ tục hay tiến trình nào của tòa án Liên Hợp Quốc liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.
 
"Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận cũng như không bao giờ tham gia vào một phiên tòa quốc tế được khởi động một cách đơn phương và được thúc đẩy bởi Philippines. Lập trường của Trung Quốc có cơ sở chắc chắn theo luật quốc tế”, phát ngôn viên Hồng Lỗi đã tuyên bố như vậy tại một cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh.
 
"Chúng tôi hy vọng phía Philippines hãy quay trở lại con đường đúng đắn là giải quyết cuộc tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn càng sớm càng tốt, đồng thời ngừng ngay bất kỳ hành động sai trái nào làm tổn hại hơn nữa đến mối quan hệ song phương".
 
Trong vụ kiện của mình, Manila cáo buộc Bắc Kinh đang đòi chủ quyền ở những khu vực thuộc Biển Đông cách xa bờ biển gần nhất của Trung Quốc đến 1.611km và điều này vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Cả Philippines và Trung Quốc đều đã đặt bút ký vào công ước năm 1982 này.
 
Trong một cuộc va chạm đầy thù địch mới nhất giữa hai nước, các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc hồi tháng này đã chặn hai tàu mang cờ Philippines chở hàng hậu cần đến cho lính Philippines ở Biển Đông. Manila cũng cáo buộc Trung Quốc bắn súng vòi rồng vào các ngư dân Philippines ở gần bãi cạn Scarborough – tâm điểm của cuộc tranh chấp nóng bỏng nhất giữa hai nước ở Biển Đông.
 
Manila bắt đầu ra đòn pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông sau khi hai nước xảy ra một cuộc tranh chấp nóng bỏng ở bãi cạn Scarborough. Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Bãi cạn này là nơi chứng kiến cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc được châm ngòi từ một vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm 2012.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc