EU nóng lòng tăng cường quan hệ với Việt Nam

19:44, 17/03/2014
|

(VnMedia) - Trong nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ thương mại giữa EU và các nước thành viên ASEAN, Cao ủy Thương mại De Gutch hôm nay (17/3) đã bắt đầu chuyến công du 3 nước trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên của ông De Gutch.

 

Ảnh minh họa

 Cao ủy Thương mại Karel De Gutch


Chuyến thăm Việt Nam dịp này của Cao ủy Thương mại Karel De Gutch diễn ra đồng thời với vòng đàm phán thứ 7 của Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (FTA). Sau đó, tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar , Cao ủy sẽ khởi động tiến trình đàm phán Hiệp định bảo hộ đầu tư EU – Myanmar .

 

Phát biểu trong chuyến thăm, Cao ủy De Gutch cho biết: "Tôi mong chờ các cuộc họp mang tính xây dựng với các đối tác của EU ở khu vực Đông Nam Á. Kinh nghiệm cho thấy việc mở cửa thương mại sẽ giúp những quốc gia năng động này nâng cao mức sống của người dân. Đồng thời, việc mở cửa cũng mang lại cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ EU, do đó cả hai bên sẽ cùng dành thắng lợi".

 

Chuyến thăm của Cao ủy sẽ bắt đầu tại Hà Nội với cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Huy Hoàng nhằm đánh giá tình hình và tiến độ các phiên đàm phán FTA. Sau đó, các nhà lãnh đạo sẽ cùng mở đầu phiên đàm phán cuối cùng của vòng đàm phán được bắt đầu từ tháng 6/2012. Phiên đàm phán sẽ diễn ra từ 17/3 đến 21/3. Cả hai bên hy vọng có thể hoàn thành việc đàm phán sớm để các doanh nghiệp EU và Việt Nam có thể hiện thực hóa những lợi ích từ hiệp định thương mại được đánh giá là tham vọng này. Việc thực hiện hiệp định sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư cũng nhưng tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp từ cả hai phía.

 

EU và Việt Nam , một trong 10 nước ASEAN, đã tuyên bố khởi động đàm phán FTA song phương tại Brussels tháng 6/2012. Việt Nam là nước thứ 3 trong ASEAN tiến hành đàm phán FTA với EU sau Singapore Malaysia , và sau đó là Thái Lan. FTA sẽ bao hàm thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, mua sắm công của chính phủ, quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm chỉ dẫn địa lý và các vấn đề chính sách khác như các hàng rào phi thuế quan, thú y và thảo y và các vấn đề về vệ sinh, rào cản kỹ thuật trong thương mại, hải quan và thuận lợi hóa thương mại và thương mại và phát triển bền vững.

 

EU và Việt Nam đã có quan hệ thương mại mạnh mẽ. Trong năm 2013, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của EU trong ASEAN (và thứ 32 toàn cầu). Trong năm 2012, thương mại hai chiều đạt gần 24 tỉ euro, với kim ngạch xuất khẩu từ EU sang Việt Nam là 5,3 tỉ euro và EU nhập khẩu từ Việt Nam là 18,5 tỉ euro. EU là một trong những nhà đầutư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam với tổng số cam kết là 1,37 tỉ euro.

 

Trong khi theo đuổi một cách tiếp cận song phương, EU vẫn quan tâm mục tiêu tối cao là đạt được một thỏa thuận với cả khối ASEAN, một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới. Do vậy EU mong có được một hiệp định tham vọng với Việt Nam mà gắn kết với các FTA với các nước thành viên ASEAN.


Xuất khẩu của EU chủ yếu là hàng công nghệ cao-máy móc và thiết bị cơ điện, máy bay, ô tô, dược phẩm và sắt thép. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào EU bao gồm máy điện thoại, sản phẩm điện tử, giầy dép, hàng dệt may, cà phê, gạo, hải sản và đồ nội thất.

 

Sau Việt Nam, Cao ủy De Gutch sẽ đến Campuchia và có cuộc hội đàm cùng Bộ trưởng Thương mại Sun Chanthol với những nội dung dựa trên cuộc họp gần đây của Ủy ban hỗn hợp EU - Campuchia.

 

Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Myanmar, Cao ủy De Gutch sẽ hội đàm cùng Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển kinh tế Kan Zaw, và Bộ trưởng Thương mại Wyint Myint. Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Kan Zaw, Cao ủy De Gutch cùng Bộ trưởng sẽ cùng khởi động đàm phán Hiệp định bảo hộ đầu tư EU -  Myanmar . Đây là hoạt động tiếp nối việc khôi phục những ưu đãi thương mại EU dành cho Myanmar trong Chương trình Mọi thứ trừ vũ khí từ tháng 7/2013.


Hải Yến

Ý kiến bạn đọc